Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nổi tiếng với những bạn lặn cừ khôi như “rái cá” biển khơi, với hơn 1.700 bạn lặn nước sâu trong tổng số dân hơn 20.000 người. Nhưng nghề lặn sâu ở Lý Sơn đang thoái trào, bởi bạn lặn trẻ không còn mặn mà theo nghề vì nhiều lý do...
Trong số cư dân đảo ở khắp Việt Nam, nhắc đến bạn lặn, ai cũng phải nể phục dân đảo Lý Sơn bởi tài lặn sâu. Những chuyến lặn bắt hải sâm, vú, xà cừ hay gỡ lưới, tìm kiếm đồ cổ… sâu mấy dưới biển, hễ có bạn lặn Lý Sơn là mọi sự cố đều được giải quyết êm đẹp. Nghề lặn so với nghề cá có khá hơn nhiều, mỗi chuyến đi lặn hải sâm thu lợi nhuận nhanh, nhiều hơn hẳn so với nghề lưới cá gian nan. Nhưng trước sự biến đổi của thiên nhiên, của suy thoái kinh tế, nguồn hải sản cạn kiệt dần, bạn lặn lại đối mặt với nhiều rủi ro dưới lòng biển, nhất là trong điều kiện rất sơ sài về trang thiết bị. Bởi vậy, năm nào cũng nghe câu chuyện “sinh nghề tử nghiệp” trong giới bạn lặn Lý Sơn, và nghề lặn đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Vua lặn” một thời
Tìm hiểu về nghề lặn nước sâu ở Lý Sơn, cư dân đảo giới thiệu ngay đến “vua lặn” lừng danh một thời, ông Bùi Thượng hiện đang ở thôn Tây, xã An Hải, với thành tích là người lặn bộ (lặn không cần ống thở) sâu nhất Việt Nam năm 1963, với độ sâu nước biển 75m.
Ở tuổi 68, nhưng “vua lặn” ngày xưa vẫn mạnh khỏe, cường tráng, chắc nịch với cơ bắp cuồn cuộn, ông Thượng kể về mình: “Giải lặn toàn quốc năm 1963 mở ra để tìm người lặn giỏi nhất vào đội trục vớt cứu hộ tàu. Trước khi đi thi, tui phải có chữ ký đồng ý của cha mẹ, Ban tổ chức mới cho thi, giống như giấy khai tử vậy, vì nếu có chuyện gì xảy ra thì Ban tổ chức không chịu trách nhiệm. Mỗi người được đeo một bảng tên, tàu chở ra khơi thả sợi dây dài 100m xuống biển, thí sinh nhảy xuống lặn đến hết mức thì cột bảng tên mình vào dây. Tui lặn về nhất 75m, hơn người về nhì 1m, nhận được cái cúp vàng và 100 ngàn, bằng 1 cây vàng lúc đó”.
Ở tuổi gần 70, mỗi sáng lão ngư Bùi Thượng vẫn ôm thúng đi lặn biển để luyện sức khỏe |
Ông Thượng cũng là người đầu tiên phổ biến môn lặn ống hơi cho bạn lặn Lý Sơn. Ông kể: “Sau giải phóng, bạn lặn Lý Sơn vẫn lặn bộ, tui được mấy người Nhật chỉ cho kỹ thuật lặn ống hơi - ngậm ống hơi có máy nén khí gắn trên bờ - dạy cho bạn lặn ở đảo để làm nghề, nhờ vậy mà những chuyến đi lặn sâu kiếm khá hơn so với trước. Bình thường không có ống hơi, lặn xuống chỉ được vài phút phải trồi lên, có ống hơi, bạn lặn ở hàng giờ dưới biển, đi lặn hải sâm, vú, ốc xà cừ…”. Ngày nay, bạn lặn khắp cả nước đều thuần thục sử dụng kỹ thuật lặn ống hơi để khai thác các sản vật ngoài biển khơi.
Ông Thượng chỉ mới giải nghệ ở tuổi 66, ông cho biết: “Tui già rồi, sức lặn bây giờ không còn như xưa, đi lặn hải sâm cũng không có ăn như ngày trước. Thời tui lặn, chỉ cần ôm chì nhảy xuống biển là chỉ việc lượm hải sâm bỏ lưới, giờ phải xuống mực nước sâu hơn, nguy hiểm hơn, bạn lặn phải cạnh tranh nhau mới hy vọng kiếm được đồ. Mỗi phiên lặn cách đây dăm ba năm về trước, bạn lặn nào cũng bỏ túi 5 - 10 triệu đồng là thường tình, nhưng bây giờ chỉ còn được 2 - 3 triệu, đấy là làm ăn suôn sẻ, còn khi gặp thời tiết xấu, bão tố, phải về tay trắng vì phải bù lỗ hết tiền dầu. Hồi xưa nhà nào có người lặn sâu, là đủ nuôi cả gia đình, bây giờ mỗi chuyến ra khơi người ở nhà ai cũng lo thấp thỏm, vì chuyện sinh tử mong manh lắm”.
Những thợ lặn cuối cùng (?!)
Cả 4 người con trai trong gia đình ông Thượng đều theo nghề đi biển, và đều là những bạn lặn cừ khôi của Lý Sơn với độ sâu trung bình tính từ 70m trở lên. Nói về nghề lặn hôm nay, ông Thượng không khỏi bồn chồn: “Thời của tui, lặn không có bình hơi, coi nguy hiểm vậy nhưng cả năm đâu có chuyện chết người. Bởi khi lặn biết tự lượng sức mà trồi lên. Giờ tụi nhỏ lặn bình hơi, chết liên tục, nguyên do là ỷ lại vào máy móc, nhiều khi bị rối dây, hoặc xuống sâu quá khi lên không có kinh nghiệm giảm áp, vậy là chết.
Các con tui theo nghề, có máy móc liên lạc nhưng hễ chúng ra biển ngày nào chưa về là tui chưa yên thân. Biển khơi mênh mông, có giỏi bơi lặn mấy cũng chẳng ăn thua gì. Con tôm, ốc, hải sâm… ngày càng cạn kiệt, muốn lấy được phải lặn ở mực nước sâu hơn, cũng đồng nghĩa với việc nguy hiểm nhiều hơn. Trong khi giá dầu tăng, còn giá hải sản đánh bắt được thì bấp bênh, không ổn định, nhiều chuyến đi ăn trúng hàng nhưng về tính ra vẫn lỗ”.
“Vua lặn” Bùi Thượng với chiếc cúp danh giá ngày xưa |
Khi nhắc đến chuyện nghề, hỏi về biệt tài của “vua lặn” có truyền được cho con cháu kế tục, ông Thượng nói ngay: “Mặc dù nghề lặn với gia đình tôi là cha truyền con nối, từ thời ba tui, ông cũng là một bạn lặn nước sâu nổi tiếng của Lý Sơn, đến thời tui, rồi các con, đều lặn sâu giỏi, giống như có di truyền vậy. Tui có 8 đứa cháu nội trai, nhưng nhất quyết không cho đứa nào theo nghề lặn nữa. Đến đời con tui là quá đủ rồi, tui không muốn đưa con cháu mình ra đánh đổi sinh mạng với biển khơi, cho 8 đứa cháu vào đất liền đi ăn học hết”.
Cũng giống ông Thượng, những thợ lặn nổi danh một thời ở Lý Sơn ngày nay cố gắng không để đời con cháu theo nghề lặn. Bởi nguyên do duy nhất: Cơ hội kiếm tiền từ nghề lặn đang phải cạnh tranh gay gắt, nguồn hải sản cạn kiệt. Trong khi đó chuyện “sinh nghề tử nghiệp” trong giới bạn lặn hằng năm khá cao. Ở hai xã của huyện đảo Lý Sơn, có đến hơn 20 bạn lặn đã trở thành phế nhân, còn số tử vong hằng năm cũng trên chục người do gặp nạn trong khi lặn.
Cùng ở thôn Tây, bạn lặn Lê Văn Hai bị liệt nửa người bên trái, tiếp chúng tôi trong gian nhà nhỏ ngay mép biển, anh Hai kể chuyện: “Tui đi lặn ốc, mới xuống 28 sải thì bị rối ống thở, kéo lên vội nên giảm áp không kịp, bị hôn mê cả tuần liền, tỉnh lại thì liệt luôn. Trước khi bị nạn tui có được đứa con, sau đó thì mất khả năng sinh sản. Nên dù sau này có thế nào đi nữa, tui cũng nhất quyết không để con theo nghề lặn”…./.
Nguyễn Đình (báo TNVN)