(Baoquangngai.vn)-
Vùng núi Quảng Ngãi có 3 dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi tộc người có đặc điểm gắn bó với một cây trồng đặc trưng. Nếu như người Ca dong ở huyện Sơn Tây gắn bó với cây cau, người Cor ở huyện Trà Bồng gắn bó với cây quế, thì người Hrê ở huyện Minh Long từ lâu gắn bó với cây chè xanh. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp giúp cây chè thích nghi, phát triển mang lại thu nhập tốt cho người dân nơi đây.
[links()]
Xem Video:
Tìm hiểu về lịch sử cây chè xanh trên đất Minh Long, ngay những cụ già Hrê lớn tuổi nhất cũng không còn biết chính xác nguồn gốc cây chè quê mình có từ bao giờ. Trồng chè, hái chè mang đi bán, trao đổi lấy những vật dụng cần thiết là sinh hoạt kinh tế đã có từ lâu trên vùng đất này. Ngày xưa nhờ trao đổi chè với người dân địa phương khác, người Hrê Minh Long có muối, có mắm, có xoong, nồi, chiêng, ché và nhiều thứ vật dụng quý giá khác.
Ông Đinh Bá Linh ở xã Long Mai chia sẻ, gia đình tôi trồng vườn chè từ lâu rồi, vào năm 1982. Ngày trước bà con ở Làng Ren, xã Long Môn vẫn hái chè và đem xuống Minh Long bán trao đổi hàng hóa. Cây chè hợp với đất Minh Long. Uống nước chè rất là tốt cho sức khỏe.
|
Nhiều vườn chè ở huyện Minh Long được hình thành từ hàng chục năm trước. |
"Cây chè là loại cây trồng đã gắn bó lâu đời với người dân Minh Long. Đây đang là sản phẩm hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo mở rộng phát triển vùng chuyên canh cây chè và phát triển thương hiệu nông sản huyện nhà. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân." Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long ĐINH THỊ XUÂN HƯƠNG. |
Cùng với kiếm thu nhập từ trồng chè, uống nước chè xanh cũng là văn hóa ẩm thực truyền thống đặc trưng của đồng bào Hrê Minh Long. Nhà nào cũng có một ấm chè xanh trên bếp. Đây là một thứ nước uống giải khát sau những giờ làm việc mệt nhọc và ấm lòng khi đêm đông lạnh giá. Cách nấu ấm nước chè xanh của bà con Minh Long cũng thật đơn giản. Chọn loại chè không quá già, không quá non, vò nhẹ, cho vào ấm đã có sẵn nước giếng khơi, bắt lên bếp, đun sôi, hạ lửa, cho thêm nước vào ấm, đun sôi lại, vậy là đã có ấm chè ngon.
Ông Nguyễn Binh chia sẻ, uống chè xanh nghe vị chát, ngọt, đắng hòa quyện. Cảm giác đã khát và dễ chịu, nhất là khi đi làm về mệt mỏi. Uống chè xanh không tốn kém nhiều, dễ nấu mà lại rất có lợi cho sức khỏe.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân chặt bỏ những rẫy chè để chuyển sang trồng keo, mỳ , nên diện tích chè của huyện ngày càng thu hẹp. Hiện chỉ còn khoảng 100ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Thanh An và Long Hiệp. Trước tình trạng này, huyện Minh Long đã có nhiều giải pháp khôi phục lại cây chè. Cây chè xanh Minh Long hiện đã được công nhận thương hiệu, mở ra cơ hội phát triển cây trồng truyền thống này theo hướng hàng hóa.
|
Trồng chè và thói quen uống nước chè xanh được xem là nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào Hrê Minh Long. |
Hương vị chè xanh trở thành nét ẩm thực đặc trưng của đồng bào Hrê Minh Long. Bát nước chè chát nóng mộc mạc, đơn sơ nhưng hàm chứa trong đó sự tinh khiết của đất, trời và tình người. Đó cũng chính là đặc điểm văn hóa đặc sắc, là giá trị riêng có của người Hrê Minh Long.
Thực hiện:
T.PHƯƠNG – T.PHẠM