(Baoquangngai.vn)- Với những người nặng lòng cùng sách, họ thể hiện niềm đam mê, tình yêu với sách bằng nhiều cách khác nhau. Người viết sách, sưu tầm sách, lưu trữ sách cẩn trọng... Tình yêu với sách của anh Nguyễn Văn Pháp, ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) cũng thật đặc biệt. Anh lập nên hẳn một thư viện có tên gọi là “Thư viện Xóm Đảo”, mong muốn lan tỏa tri thức đến người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xem video
Lấy tiền túi làm thư viện
Thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành trong khoảng 3 năm trở lại đây, cái tên "Thư viện Xóm Đảo" đã trở nên quen thuộc tại vùng quê này. Chúng tôi đến tham quan thư viện vào những ngày các em đã bước vào năm học mới. Tuy vậy, thư viện lúc nào cũng có người ra vào.
Nhìn bên ngoài, thư viện bình dị như bao ngôi nhà khác ở làng quê. Đó là một ngôi nhà mới khang trang vừa mới được xây dựng nên nối liền ngôi nhà cũ được xây dựng từ những năm 1990, cũng là nơi ở hiện tại của gia đình anh Nguyễn Văn Pháp - Chủ nhân của thư viện.
Anh Pháp may mắn được tiếp cận với sách từ nhỏ. Trên chặng đường học tập và làm việc khắp mọi miền Tổ quốc đến ngày hôm nay, với anh thì sách luôn luôn có vai trò quan trọng, là nền tảng để anh có nhiều kiến thức hơn trong cuộc sống, có những góc nhìn mới để khám phá thế giới. Sách của anh nhiều và quí đến độ mỗi lần chuyển công tác từ nơi này sang nơi khác phải vận chuyển rất vất vả.
Anh Pháp- người đam mê sách và dành nhiều tâm huyết cho "Thư viện Xóm Đảo" lập nên tại nhà mình. |
Cách đây gần 3 năm, sau khi chuyển công tác từ Đà Lạt về Đà Nẵng, việc đi lại giữa nơi làm việc và quê nhà được rút ngắn khoảng cách, anh đã quyết định mang toàn bộ số sách có được về nhà ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân.
Nhận thấy mình có nhiều sách, trong khi ở quê lại không có nhiều nguồn sách đa dạng và phong phú cho các bạn trẻ đọc, tham khảo. Đó là chưa kể, bây giờ văn hóa, thói quen đọc sách không còn như trước kia. Các trò chơi điện tử, game online, mạng internet (điều mà luôn thiếu ở các vùng quê) đang ngày hấp dẫn mà nếu không kiểm soát tốt sẽ tác động xấu đến bọn trẻ. Vì lẽ đó, anh nảy ra ý tưởng phải làm một việc gì có có thể có ích với các em, các cháu cho làng quê mình trước khi quá muộn. Thế là "Thư viện Xóm Đảo" dần được hình thành.
"Ban đầu thư viện chỉ là một căn phòng nhỏ. Sau này, khi có kinh phí tôi xây thêm nhà mới, biến ngôi nhà mới thành một thư viện có không gian thoải mái, hiện đại, đầy đủ trang thiết bị cho các “thượng đế” của mình. Sở dĩ, tôi đặt lấy tên là "Thư viện Xóm Đảo" vì thôn này không khác gì một ốc đảo bị cô lập mỗi khi lũ về", anh bộc bạch.
Từ khi có "Thư viện xóm đảo", các bạn nhỏ ở làng quê có nơi đọc sách lý tưởng. |
"Mục sở thị" thư viện, nơi đây có khoảng 14.000 đầu sách các loại. Từ các loại sách tham khảo, truyện tranh, sách giải trí cho học sinh, cho đến các loại sách thuộc các lĩnh vực văn hoá, xã hội, lịch sử, triết học, ngoại ngữ..., chia làm hai không gian phục vụ cho thiếu nhi và người dân. Và cũng có rất nhiều cuốn sách có giá trị lớn được trưng bày riêng một góc. Tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp, bố trí khoa học.
Để có được số lượng sách “khủng” trên, anh dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu, chọn mua, tập hợp mang về. Hầu hết sách và trang thiết bị khác là do anh tự bỏ tiền để trang bị, còn lại 1 phần do bạn bè biết đến mà ủng hộ.
Mỗi khi có kinh phí, anh sẽ liên hệ với nhà xuất bản mua với số lượng lớn, còn không thì mua lẻ. Chuyện kinh phí làm thư viện bao nhiêu, anh giấu nhẹm, chỉ biết rằng đó là số tiền anh cật lực làm việc mà có. Anh luôn muốn đây là một dự án cá nhân, độc lập, làm bằng chính khả năng của mình.
Từ ngày có thư viện, các bạn học sinh có thêm một nơi để đọc sách, vui chơi. Thôn nhỏ ven dòng Phước Giang vì thế cũng rộn ràng hơn, đặc biệt là các ngày cuối tuần, dịp lễ, dịp hè. Đây là cả một thế giới rộng mở để các em thỏa sức vùng vẫy, đưa suy nghĩ và khát khao của mình vượt ra khỏi làng quê còn nhiều khó khăn, để người dân dễ dàng cập nhật những kiến thức hay và bổ ích khi cần, hay đơn giản có chỗ để đọc một cuốn sách giải trí sau giờ làm việc.
Là người thường xuyên phải di chuyển ở nhiều nơi, thư viện hiện có 5 bạn trẻ “hạt nhân”, thay phiên nhau trực, sắp xếp và bảo quản sách, hướng dẫn bạn đọc. Các em mượn sách sẽ tự ghi vào sổ, đến khi trả tự xóa. Anh Pháp muốn trẻ có thể thật tự nhiên với sách cũng như trao cho các em tinh thần tự giác, trách nhiệm.
Em Phan Thị Bích Châu, 17 tuổi, lúc rảnh rỗi đều rủ bạn Võ Ngọc Quyên rồi cùng nhau qua thư viện đọc sách, bận lắm cũng 2 tuần một lần.
Em bày tỏ: “Ngoài những cuốn sách tham khảo, truyện tranh cho thiếu nhi thì em cực thích những cuốn sách khoa học, viễn tưởng, giúp em khám phá những điều bí ẩn của cuộc sống, thế giới xung quanh mình. Ở những làng quê mà có thư viện như thế này rất là đặc biệt, sách hay, đọc miễn phí và rất thoải mái. Thấy những việc làm của chú Pháp, sau này em rất mong muốn được đóng góp cho thư viện, tặng sách cho thư viện nếu có điều kiện, lan tỏa tinh thần đọc sách đến mọi người”.
Bày "chiêu" để trẻ đến với sách
Là người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực kinh doanh marketing, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Solvay Business Shool (SBS), Vương quốc Bỉ (Belgium) nên anh Pháp cho rằng sự đóng góp của bản thân cho làng xóm, quê hương không phải là đang làm một việc thiện, mà đó cũng là một hình thức kinh doanh theo cách của anh.
Kinh doanh ở đây, lợi nhuận không phải là tiền bạc mà chính là được nhìn ngắm sự thay đổi, phát triển của các em các cháu, lấy tri thức và lan tỏa tri thức đến mọi người, là những giá trị tích cực mỗi cuốn sách mang lại.
Để rồi khi trưởng thành, các em lại mang chính những điều tốt đẹp ấy chung tay đóng góp, xây dựng quê hương mình. Muốn vậy, cần phải xây dựng trở lại thói quen đọc sách trong đời sống thường ngày. Dĩ nhiên sách không là tất cả nhưng ở thời điểm hiện tại, đó là việc mà theo anh Pháp là anh có thể “làm tốt nhất”.
Phòng đa phương tiện ở "Thư viện xóm đảo" đầy đủ các phương tiện. Anh Pháp thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi với những chủ đề khác nhau đến các em. |
Cái khó nhất trong mô hình mà anh đang “kinh doanh” không hẳn là tiền, vì thực tế nhiều người có rất nhiều tiền nhưng không thể làm được. Mà cái khó, quan trọng nhất là “khách hàng”, đối với thư viện là độc giả, người sử dụng.
Chính vì thế, không phải cứ xây nên rồi để đó. Anh thường xuyên nghĩ ra rất nhiều cách để các em dành nhiều thời gian đến với thư viện, truyền cảm hứng, lan tỏa thói quen đọc sách thường xuyên hơn. Biết các em ham vui, thích tụ tập, thích được tặng quà, anh tận dụng mọi ngày lễ trong năm như Tết Thiếu nhi, Trung thu… tổ chức ngày hội, phát quà bánh cho các em ngay tại thư viện. Thỉnh thoảng, anh tổ chức, dẫn các em đi du lịch các nơi như một món quà để khích lệ tinh thần.
Động viên tinh thần đọc sách nhưng không biến các em thành mọt sách thụ động, ngược lại phải biết ứng dụng tri thức từ sách song hành với sự phát triển công nghệ một cách hài hòa. Anh Pháp đầu tư một phòng đa phương tiện bao gồm máy vi tính, tivi, máy chiếu, bàn ghế đọc sách, khu trong nhà, ngoài hiện, sân vườn... để tạo nên các không gian đa dạng, gần gũi.
Những chuyến đi chơi dã ngoại ở các điểm du lịch, các hoạt động được tổ chức nhân dịp Tết Trung thu, Tết thiếu nhi... luôn tạo động lực phấn khích cho các em tìm đến sách. |
Với những tiện nghi đầy đủ như bàn ghế, tivi màn hình rộng, máy chiếu, trong một không gian rộng rãi ở tầng trệt, anh thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi với những chủ đề khác nhau: dạy nhiếp ảnh, ứng xử, ứng dụng thông minh mạng xã hội, kỹ năng sống... thu hút sự tham gia của các em. Thư viện thành nơi đáng để đến, khám phá, trải nghiệm một cách tự nhiên nhất.
"Niềm vui mỗi ngày của tôi là nhìn qua camera thấy các em sau mỗi giờ học đến đây để đọc sách. Tôi hy vọng rằng những cuốn sách sẽ giúp ích các em trong học tập, lớn lên thành một người có kiến thức phong phú, cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt quan trọng là thu hẹp được khoảng cách giữa nông thôn và thành thị trong việc tiếp cận tri thức. Đến cuối tuần về quê thì gặp nhau trò chuyện, giao lưu tại thư viện. Vào dịp lễ thì cùng nhau vi vu khắp nơi", anh bộc bạch.
Một thư viện nhỏ giữa làng quê, ở đó các em được thỏa niềm đam mê sách, mở mang tri thức. Thỉnh thoảng, người dân địa phương có không gian yên tĩnh để đọc, nông dân đến tìm sách khoa học bổ ích… Giấc mơ đó của anh Pháp đối với quê hương nay đã thành hiện thực sau bao nhiêu năm ấp ủ.
T.Hậu- T.Phước