Người nuôi ong dở khóc dở mếu vì trại ong bị đập phá

12:04, 05/04/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Một số người dân sống ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, huyện Minh Long hết sức hoang mang và lo lắng khi trại ong của gia đình anh Võ Thanh Sơn, 38 tuổi, bị tấn công, đập phá trong thời gian gần đây. Không chỉ thiệt hại vật chất mà tinh thần của người nuôi ong đang bị đe dọa, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
 
Xem clip
 
Ngang nhiên tấn công
 
Gần cả trăm thùng ong mật vỡ nát. Trong đó, có khoảng 40 thùng dường như bị hư hại hoàn toàn. Từng đàn ong chới với giữa những đống đổ nát ngổn ngang. Và đó chính là hiện trường của vụ đập phá trại ong của anh Võ Thanh Sơn ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn, huyện Minh Long, vừa mới xảy ra trong các đêm 31.3 và 2.4.
 
Giữa đêm khuya, các đối tượng đã đập phá, dùng thuốc xịt côn trùng diệt ong, dùng đất đá để tấn công chủ trại. Vụ việc được anh Võ Thanh Sơn, chủ trại ong kể lại: "Vào đêm đầu tiên, trại của tôi bị đập phá khoảng 20 thùng. Lúc đó là khoảng 10h đêm. Lần thứ hai, khoảng 9h00 đêm. Khi đó, tôi đang ngồi uống nước trà với hàng xóm thì một nhóm người xông vào trại và đập thêm hàng chục thùng ong khác. Tổng thiệt hại gần cả trăm thùng ong”. 
 
Anh Sơn thất thần trước những thùng ong bị đập phá.
Anh Sơn thất thần trước những thùng ong bị đập phá.
 
Đến bây giờ, vợ của anh Sơn, chị Bùi Thị Ái Vân, 28 tuổi vẫn chưa hoàn hồn. Chị bộc trong sự lo lắng: "Nhóm người không chỉ tấn công trại ong mà còn có ý hăm doạ đến chồng tôi. Cũng may ảnh nhanh chóng tránh né, không trúng phải đá do các đối tượng chọi, ném vào".
 
Việc tấn công trại ong không chỉ gây ảnh hưởng tinh thần đối với người trong cuộc, mà cả người dân sống ở khu vực xung quanh. Bà Trần Thị Huyền My, 60 tuổi, một người dân ở trong thôn cho biết: "Chúng tôi rất ngỡ ngàng trước sự việc vừa xảy ra. Vùng đất này trước giờ vẫn luôn bình an. Đây là hành động phá hoại nghiêm trọng tài sản của người khác. Họ ăn ngủ ngoài rừng, không có điện, sống khắc khổ để mưu sinh. Vậy mà...".
 
Anh Sơn quê ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành và đã có 5 năm làm nghề nuôi ong ở đây. Hằng năm, mùa khô thì anh ở Quảng Ngãi. Còn mùa mưa thì cho ong vào các vùng như Bình Thuận, Bình Phước để trú, tránh mữa bão. 
 
Thường lệ năm nay, vào tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, anh cho đàn ong từ tỉnh Bình Phước về Quảng Ngãi để nuôi và quay mật, với khoảng 300 thùng.
 
Các đối tượng tấn công trại ong dùng loại bình xịt côn trùng để diệt ong.
Các đối tượng tấn công trại ong dùng loại bình xịt côn trùng để diệt ong.
 
Anh Sơn là một trong những hộ nuôi ong liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Ni Na trong việc nuôi và sản xuất mật ong sạch, an toàn. Theo dự tính, với hàng chục thùng ong bị đập nát, anh Sơn không chỉ thiệt hại chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng mà mùa mật năm nay dự báo thiệt hại khoảng 10 tấn. Bởi lẽ, việc các đối tượng dùng bình xịt côn trùng để tấn côn các thùng ong, dự báo các thùng mật này chỉ còn cách bỏ đi trong vụ nuôi năm nay.
 
Đại diện cho doanh nghiệp tư nhân Ni Na, ông Nguyễn Hữu Thế, cho hay: "Sản xuất mật ong sạch thì không thể thu mua, sử dụng các thùng ong không đảm bảo an toàn. Như vậy, không chỉ hộ nuôi mà chúng tôi những người thu mua cũng thiệt hại do không có nguồn nguyên liệu để sản xuất cho người tiêu dùng".
 
Do dịch Covid- 19?
 
Đem câu chuyện xảy ra ở trại ong của anh Sơn trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn Võ Văn Gấm. Ông Gấm cho biết, chính quyền địa phương có nắm rõ vụ việc. Nguyên nhân là do một số người dân ở địa phương lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid- 19 nên đập phá, để đuổi trại ong đi nơi khác. Hiện nay, địa phương đang vận động người dân cần phải hết sức bình tĩnh, không gây thiệt hại cho trại ong. Trước đó, chúng tôi lo sợ dịch bệnh nên không đồng ý cho trại ong về nuôi trong năm nay.
 
"Đàn ong được di chuyển về từ trước khi có Chỉ thị "cách ly toàn xã hội" của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi hiểu rõ tác hại nghiêm trọng của dịch Covid- 19 nên đều thực hiện thủ tục khai báo y tế với chính quyền ở xã Bình Tân, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) cũng như xã Long Sơn, huyện Minh Long- những nơi mà trại ong tạm trú. Sức khỏe đảm bảo an toàn nhưng vẫn không được địa phương đồng ý cho ong về, dù rằng tôi cũng đã từng gắn bó với nơi này đã được 5 năm", anh Sơn bộc bạch.
 
nnnnnnnnnnn
 Chính quyền các cấp cần sớm vào cuộc để có tiếng nói chung giữa địa phương và người nuôi ong, đảm bảo an toàn cho hộ nuôi ong cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
 
 
Hiện hơn 200 thùng ong còn lại của anh Sơn vẫn đang được chăm sóc tại khu vực núi ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn. Trước tình hình hiện nay, xã cùng với các mặt trận, các hội đoàn thể địa phương vẫn đang vận động anh di dời trại ong đi nơi khác.
 
"Một lần di chuyển trại ong là một lần khó khăn, tốn kém và cần thời gian để tìm được địa điểm mới. Hơn thế nữa, hiện nay, Chính phủ đã có Chỉ thị "cách ly toàn xã hội", việc di dời trại ong rất cần chính quyền địa phương xem xét lại", anh Sơn bộc bạch. 
 
Việc một số đối tượng ngang nhiên tấn công, phá hoại tài sản của người nuôi ong đã gây bức xúc cho người dân ở trong thôn. Chính quyền các cấp cần sớm vào cuộc để có tiếng nói chung giữa địa phương và người nuôi ong, đảm bảo an toàn cho hộ nuôi ong cũng như tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Bài, ảnh: Gia Nghi