(Baoquangngai.vn)- Bỏ ra vài triệu đồng để mua vỏ thùng sơn nước làm đôn kê chậu hoa phòng lũ, đó là cách làm của nhiều hộ dân ở làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gọn nhẹ, dễ di chuyển, chi phí không quá cao là những ưu điểm của vỏ thùng sơn so với những đôn kê được đúc bằng xi măng, khiến nhiều hộ dân sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng triệu đồng để thay thế.
Đang là cao điểm mùa mưa bão, dọc bờ kè đoạn sông Vệ chạy qua những nhà vườn trồng hoa cúc phục vụ thị trường Tết đang tất bật kê đôn cao các chậu hoa đề phòng nước lũ dâng cao gây úng cây. |
Khác với mọi năm nhiều hộ không dùng đôn kê đúc bằng xi măng nữa mà chuyển sang dùng vỏ thùng sơn làm chân đỡ chậu hoa. |
Những vỏ thùng sơn sẽ được bơm đầy nước để tạo độ vững chãi cho đôn. |
Những vỏ thùng sơn được chọn phải là loại có dung tích 18 -20 lít, phù hợp để kê các chậu có đường kính từ 50 - 60cm |
Năm nay gia đình anh Tân mua 100 vỏ thùng sơn với chi phí 2 triệu đồng để làm đôn kê chậu. Anh cho rằng, đôn bằng xi măng đúc không đủ cao nên cây dễ bị ngập, nếu đúc to hơn thì chi phí cao, với lại khi có lũ di chuyển rất vất vả, còn thùng sơn thì chi phí không quá cao nên năm nay gia đình mua để làm đôn. |
Cũng như nhiều hộ khác, với nỗi lo ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mưa lũ nên năm nay gia đình anh Tân giảm số chậu, mấy năm trước trồng hơn 300 chậu nhưng năm nay chỉ trồng 100 chậu cúc Hà Nội (lớn nhanh, giá trị cao hơn). Giá hoa cúc như năm trước là 180 - 200 nghìn đồng/chậu đường kính 55cm. |
Thấy được sự tiện lợi của vỏ thùng sơn nên nhiều người truyền nhau, trong hình là vườn hoa cúc của anh Trương Dương Huề ở thôn Hải Môn (Nghĩa Hiệp) với hơn 500 vỏ thùng sơn được sử dụng làm đôn kê. |
Chủ vườn thay thế hầu như toàn bộ đôn bằng vỏ thùng sơn |
Theo nhiều chủ vườn, đôn đúc bằng xi măng có độ bền không cao và khó di chuyển, ở những vùng trũng người ta phải dùng đến 2 chậu xi măng làm đôn |
Cơn mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua cũng đã 'lăm le' những chậu hoa tết của người dân. |
Nghĩa Hiệp có truyền thống trồng hoa lâu đời, là vựa hoa cúc lớn nhất nhì khu vực miền Trung. Hằng năm, thương lái khắp các tỉnh thành đổ về đây để gom hàng đem đi nơi khác cung ứng cho thị trường Tết Nguyên Đán. Đó cũng là nguồn thu nhập chính của khoảng 500 hộ dân trồng hoa Tết ở đây.
TRẦN TƯƠI