(Baoquangngai.vn) - Chợ rau đêm Tịnh Châu hay còn gọi là chợ Châu Sa từ lâu đã được biết đến là chợ rau lớn nhất, chuyên cung cấp các loại rau tươi cho thị trường trong tỉnh. Đây không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi lưu giữ nét đẹp bình dị về làng Sung Tích nổi tiếng với nghề làm rau truyền thống (nay là xã Tịnh Long, TP.Quảng Ngãi).
Khi mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ bình yên, thì ở lòng đường bên chợ Tịnh Châu (xã Tịnh Châu, TP. Quảng Ngãi) hàng trăm con người không ngủ đang cần mẫn, tảo tần vật lộn trong cuộc sống mưu sinh…
Dưới ánh đèn đường vàng vọt là sự tất bật mưu sinh của những người bán buôn. |
Chợ họp khoảng 2 giờ sáng mỗi đêm, chỉ bán rau do chính người nông dân tự trồng với giá rẻ, không nói thách. |
Việc mua bán rau, củ quả lúc này phần nhiều là bán sỉ nên diễn ra nhanh chóng. Nhiều người dân nơi đây cũng tranh thủ dậy sớm để mua rau vừa tươi, giá thấp hơn so với chợ ban ngày. |
Rau đi đến chợ bằng nhiều phương tiện. Có người cố gắng lên đời được chiếc xe máy, có người nghèo khó, muốn lấy công làm lời thì gò lưng trên chiếc xe đạp. |
Trời tối om, ngọn đèn đường vàng vọt không đủ chiếu sáng nên cả người bán lẫn người mua đều sử dụng chiếc đèn pin làm dụng cụ dò đường, xem rau. |
Rau ở đây có rất nhiều loại, từ rau cải xanh, rau má, bắp cải, cải xoong, cải cúc, rau muống đến những loại rau gia vị như rau mùi, rau thơm, hành lá, tỏi, cần tây... |
Những khuôn mặt xám xịt vì thiếu ngủ của những tiểu thương. |
Trời về đông càng giá rét, nhiệt độ xuống 16 - 18 độ C, những người đàn ông đợi vợ đi buôn tranh thủ tìm một góc làm lấy điếu thuốc cho ấm người. |
Làm việc ngoài trời mùa đông rất lạnh. Vật dụng chống rét được ưa chuộng nhất là áo mưa nilon. |
Xen lẫn những thanh niên trẻ còn có cả những người già tham gia cái nghề bán sức nặng nhọc này. Những cụ già dáng người gầy gò, nhỏ bé dù tiết trời gió lạnh nhưng vẫn phải lam lũ mưu sinh làm “cần câu cơm” cho tuổi già. |
Tay thoăn thoắt chất từng bó rau tươi mới mua được, chị Huỳnh Thị Ngọc Nhanh, 40 tuổi ở xã Tịnh Châu chia sẻ: “Nhà đất ruộng ít nên hơn 10 năm nay cứ 1 giờ sáng vào chợ đêm lấy rau để vào cánh chợ xã Nghĩa Hành. Công việc tuy phải thức đêm, thức hôm, chấp nhận mất ngủ nhưng cũng có thêm thu nhập, trang trải việc học hành cho con cái”. |
Với đôi tay sưng húp, chị Nguyễn Thị Hùng, 45 tuổi ở xã Tịnh Long loay hoay với những bó hành, chia sẻ: Tôi làm nghề này Cũng hơn 20 năm rồi. Cứ 1 giờ sáng lại ra đồng cắt hơn 10kg, được mùa thì gần 20kg, ngày được giá cũng kiếm được 300 – 400 nghìn đồng. Trưa về là hai tay đau nhức ê ẩm”. |
Sau lũ, thời tiết mưa lạnh nguồn rau trở nên khan hiếm, các tiểu thương vui vì rau được giá. Chị Nguyễn Thị Tư, ở xã Tịnh Long bên hàng rau muống, với giá bán 30 - 40 nghìn đồng/kg, ngày đó cũng kiếm được 200 - 300 nghìn đồng. |
Người nông dân trồng rau cũng gặp nhiều vất vả không kém khi ngày đêm chăm chút từng luống rau để có thu nhập trang trải cho cuộc sống còn bộn bề khó khăn. |
Được biết nguồn cung ứng rau xanh cho chợ đêm phần lớn là do người dân làng Sung Tích cung ứng. Làng Sung Tích từ lâu đã trở thành một vùng chuyên canh rau lớn ở bờ Bắc sông Trà với khoảng 1.200 hộ dân trồng rau trên diện tích 65ha. |
4 giờ sáng, đủ các loại mặt hàng rau được tỏa đi khắp nơi đến các khu chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố, đến các huyện... |
Theo chân những tiểu thương lên tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa mang theo niềm hy vọng cho một ngày mới của các tiểu thương. |
Thực hiện: Phạm Tiên