(Baoquangngai.vn)- Một tuần lễ lưu lại đất Lào là thời gian không dài, song đất nước xứ sở hoa Chămpa đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp. Có thể nói, ấn tượng sâu đậm trong mỗi chúng tôi về đất nước này là nhịp sống bình yên, là sự thân thiện và mến khách, là điệu múa Lăm-vông uyển chuyển, tình tứ...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Khải hoàn môn Patuxay ở thủ đô Viêng Chăn còn có nhiều tên gọi khác như đường băng thẳng đứng, con quái vật xi măng, Champs Elysée phương Đông. Công trình được xây dựng từ năm 1962-1968 để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào. Hầu hết khách du lịch khi đến với thủ đô của đất nước Lào đều dành thời gian ghé thăm Patuxay, nơi được xem là biểu tượng của thành phố này. Ký ức thời gian và lịch sử đã làm nên một Patuxay ấn tượng trong lòng du khách khi đến với nơi đây.
Đối với người dân Lào, Phật giáo là thiêng liêng, là cuộc sống, là tất cả những gì họ có thể gửi gắm vào. Ở bất cứ đâu bạn cũng có thể thấy bóng dáng của nhà chùa, đạo Phật. Chính vì vậy, những ngôi chùa mái cong, tượng Phật... luôn là điểm đến của người dân và du khách mỗi khi đến với đất nước Lào.
Một trong những điểm tham quan thú vị ở thủ đô Viêng Chăn là Thạt Luông (That Luang), biểu tượng của đất nước Lào. Theo những người bạn Lào thì chưa đến Thạt Luông cũng có nghĩa là chưa đến Viêng Chăn. Thạt Luông gồm tháp chính cao 45 thước, bao quanh là các tháp phụ và tất cả đều được sơn thếp vàng. Đây là công trình lớn được xây dựng từ thế kỷ 16, thể hiện một nền Phật giáo phát triển ở xứ này. Người dân Lào thường đến đây để cầu cho mình và người thân được bình an khỏe mạnh như những chú voi chiến, cầu cho tình yêu được nảy nở như những bông hoa chăm-pa.
Những ai đã từng đặt chân đến đất Lào, chắc hẳn rất ấn tượng với hình ảnh những nhà sư áo vàng chân trần đi khất thực vào buổi sáng và hình ảnh những nhà sư trên đường phố... Đây là một nét văn hoá độc đáo hấp dẫn, tạo nên cảm giác bình yên với du khách.
Buổi sáng rất đổi yên bình bên dòng sông Mê Kông. Dòng sông Mê Kông như một dải lụa hờ hững vắt qua thủ đô Viêng Chăn, trở thành biên giới tự nhiên phân chia giữa Lào và quốc gia láng giềng Thái Lan.
Múa Lăm -Vông rất phổ biến trong nhân dân Lào. Nó trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá, vừa là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, vừa có tác dụng giáo dục thẩm mỹ. Ở Đông Nam Á, nhiều dân tộc có múa truyền thống, nhưng không phải dân tộc nào cũng có sinh hoạt múa phổ biến trong nhân dân như ở Lào.
Người dân xứ sở hoa Chăm -pa sống rất hiền hòa, thân thiện và mến khách. Chính sự thân thiện, gần gũi đó đã níu giữ biết bao người con của đất Việt khi đặt chân đến đây và đất nước Lào đã trở thành quê hương thứ hai của họ.
Rất khó để tìm được một chiếc taxi hoặc xe buýt ở Thủ đô Viêng Chăn, bởi phương tiện giao thông công cộng phổ biến giúp cho việc đi lại, tham quan thành phố là xe tuk - tuk. Khi chúng tôi tản bộ trên những con đường ở Viêng Chăn chúng tôi luôn nhận được lời mời của các tài xế xe tuk-tuk với thái độ niềm nở.
Mặc dù số lượng xe ô tô cá nhân ở đây khá nhiều nhưng người dân Vientiane tuân thủ Luật Giao thông rất nghiêm túc. Đặc biệt, người Lào không thích tiếng còi xe vì theo họ như thế là không lịch sự, vậy nên hiếm khi hay chỉ trong những trường hợp khẩn cấp ta mới nghe được tiếng còi xe ở những con phố Viêng Chăn.
Chợ cá tươi, cá khô được người dân Lào bày bán dọc hai bên đường. Những bó cá được kết với nhau như chiếc quạt hoa. Thứ xẻ thành miếng. Thứ để nguyên con. Lào là một quốc gia không có biển, nên các loại cá khô này chủ yếu được người dân đánh bắt ở sông Mê Kông.
Không chỉ quyến rũ bởi sự yên ả, trang nghiêm của một quốc gia sùng Phật giáo, Lào còn là một đất nước của màu xanh núi rừng trùng điệp, của sông suối giăng hàng và của những nét chấm phá thiên nhiên tinh khôi và gợi cảm nhất. Đặc biệt, hầu hết những tuyến Quốc lộ ở đất nước Lào rất bằng phẳng, rộng rãi và thoáng đãng, tạo cảm giác bình yên cho người và phương tiện lưu thông trên đường khi đến với nước bạn Lào.
Thực hiện: Bảo Ngọc