Mũ bảo hiểm "dởm" vẫn ung dung trên phố

07:07, 01/07/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, từ ngày 1.7 lực lượng chức năng sẽ chính thức ra quân xử lý người điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách, không phải là mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, tình trạng người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đúng cách, đội mũ bảo hiểm “dởm” vẫn đang tràn lan.

TIN LIÊN QUAN

 

Từ 1.7, thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng chức năng trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Theo đó, người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không đủ các thành phần (vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo; không có tem CR, không có nhãn hàng hóa...) sẽ bị cho là không đội mũ bảo hiểm và sẽ bị xử phạt với mức tương tự như không đội mũ bảo hiểm (từ 100.000 đến 200.000 đồng).

 

Phần lớn người dân nắm được thông tin về việc CSGT xử phạt nên đã chấp hành nghiêm túc, song có không ít  phớt lờ Nghị định...

 

...và vẫn chưa thay đổi thói quen dùng mũ bảo hiểm để "đối phó"

 

Nhiều người sử dụng kiểu mũ bảo hiểm lưỡi trai thời trang không đạt chất lượng khi tham gia giao thông.

 

Nhiều người tham gia giao thông tỏ ra bất ngờ về việc xử phạt mũ bảo hiểm "dởm" và cho rằng chưa nắm được thông tin về quy định này. "Bình thường tôi vẫn sử dụng mũ bảo hiểm kiểu lưỡi trai, mua 40.000 đồng, được bán nhiều bên vỉa hè. Hôm nay, tôi mới biết đội mũ không đạt chất lượng bị xử phạt"- một người tham gia giao thông cho biết.

 

Trong khi nhiều người vẫn vô tư xài mũ bảo hiểm không đúng quy cách, như chưa hề biết đến đợt cao điểm trên, còn người bán lại nhiệt tình, hăng hái cố bán đi những chiếc mũ kém chất lượng.

 

Mũ bảo hiểm “dành cho người đi mô tô, xe máy” là loại mũ có cấu tạo đủ 3 bộ phận, gồm: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Mũ bảo hiểm này phải được gắn dấu hợp quy CR (đã được chứng nhận hợp quy); trên mũ có ghi nhãn hiệu hàng hóa theo quy định của pháp luật, trong đó nhãn mũ phải có tên sản phẩm là “Mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy”, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (hoặc tên và địa chỉ cơ sở nhập khẩu, xuất xứ - trong trường hợp là mũ nhập khẩu); cỡ mũ; tháng, năm sản xuất.
 
Theo các lực lượng chức năng, trong ngày đầu tiên xử phạt, lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở là chính, để người dân nâng cao ý thức và biết cách nhận biết mũ bảo hiểm rởm và mũ bảo hiệm đạt chuẩn qua đó thực hiện nghiêm túc Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.

 PV