Sở hữu nhiều sông ngòi, kênh rạch, vì thế Việt Nam cũng có những cây cầu với bề dày lịch sử hay thiết kế độc nhất vô nhị.
Long Biên - Cầu sắt cổ nhất
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng từ năm 1899-1902 với chi phí khoảng 6,2 triệu franc Pháp.
Ban đầu cầu đặt tên là Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, người đã phải đối mặt với sự phản bác của cả người Pháp và người Việt về việc xây cầu. Riêng người dân gọi nó là cầu sông Cái.
Cầu dài 2.500m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Các làn trên cầu gồm đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Đặc biệt luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.
Sau khi hoàn thành, ngoài cầu nối giữa sông Hồng và ngoại thành, Hà Nội và Trung Quốc, cầu Long Biên cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các phố, ví dụ như phố Lò Rèn.
Vĩnh Tuy - Cầu rộng nhất
Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn hai quận Long Biên và Hai Bà Trưng, là cây cầu rộng nhất Việt Nam (38m)
Cầu được khởi công xây dựng ngày 3/2/2005 và thông xe kỹ thuật vào ngày 2/9/2009, có tổng chiều dài 5.830m. Quy mô mặt cắt ngang rộng 19,25 m. Theo đánh giá, đây là cây cầu hiện đại bậc nhất Việt Nam với kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất là tám nhịp liên tục, đúc hẫng dài và chiều dài cầu chính, cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất...
Mỹ Thuận - Cầu dây văng đầu tiên
Là cây cầu dây văng đầu tiên của nước ta bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, cầu nằm cách TP.HCM 125km về hướng Tây Nam, trên Quốc lộ 1A, là trục giao thông chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu có tổng chiều dài 1.535m được chính thức khởi công ngày 6/7/1997 và hoàn thành vào 21/5/2000. Về mỹ quan, đây là một trong những cây cầu có view đẹp nhất nước ta.
Bãi Cháy - Cầu dây văng một mặt phẳng đầu tiên
Cầu Bãi Cháy nằm trên quốc lộ 18, có chiều dài là 903m, chiều rộng 25,3m, nối Hòn Gai với Bãi Cháy qua eo Cửa Lục, ngăn cách vịnh Cửa Lục với vịnh Hạ Long, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh. Đây là cây cầu có kết cấu dây văng một mặt phẳng đầu tiên của nước ta. Đồng thời, cầu Bãi Cháy cũng lập kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính (435m). Cầu được thiết kế và điều hành xây dựng bởi các nhà thầu Nhật Bản.
Bính - Cầu dây văng đẹp nhất miền Bắc
Đây là cây cầu nối liền hai bờ sông Cấm, nối thành phố Hải Phòng với huyện Thủy Nguyên và đi ra tỉnh Quảng Ninh, được đánh giá là cây cầu dây văng đẹp nhất miền Bắc.
Cầu có chiều dài 1.280 m, rộng 22,5 m, với bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Cầu được thiết kế theo đường cong để tạo dáng kiến trúc và thẩm mỹ, đường dẫn hai đầu cầu là đường cấp 1 đô thị.
Pá Uôn - Cầu có trụ cao nhất
Cầu Pá Uôn khởi công vào ngày 28/5/2007, nối liền vào ngày 18/4/2010 là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam bắc qua sông Đà (tại địa phận xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai). Cầu có tổng vốn đầu tư gần 740 tỷ đồng và được thiết kế vĩnh cửu với khả năng chịu được các trận động đất mạnh.
Cầu sông Hàn - Cầu quay dây văng duy nhất
Cầu quay dây văng sông Hàn là được khởi công ngày 2/9/1998, khánh thành ngày 29/3/2000. Cầu có chiều dài 487,7m, rộng 12,9m, gồm 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33m. Đây là cây quay cầu dây văng đầu tiên và duy nhất do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công.
Hàng ngày, vào khoảng 0h30 khuya, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục, nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua, vào khoảng 3h30 cầu sẽ quay trở lại như cũ.
Khi thành phố lên đèn, cả sông và cầu quay như được nhuộm trong những bảng màu rực rỡ của hệ thống đèn trang trí hai bên đường. Một lời khuyên nhỏ cho bạn khi đến Đà Nẵng là đừng cố thức khuya xem cầu quay bởi sự kiện sẽ không xảy ra như mong muốn. Hầu hết những người "rình" xem cầu quay đều không để ý cầu quay vào lúc nào. Thay vào đó, bạn nên chọn cách du ngoạn bằng thuyền trên sông.
Cầu Rồng - Cầu có thiết kế độc đáo nhất
Với thiết kế mô phỏng hình dáng một con rồng đang bay trên sông Hàn, đầu rồng ngẩng cao, thân rồng uốn lượn và cùng với hệ thống đèn chiếu sáng trang trí, cầu Rồng được Hiệp hội cầu đường thế giới ghi nhận là một trong những cây cầu có thiết kế độc đáo và mới lạ nhất Việt Nam.
Cầu Rồng do Công ty Louis Berger Group, Inc. (Mỹ) thiết kế, khởi công vào khởi công năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2013. Cầu có mức đầu tư 1.498 tỷ đồng. Theo đó, cầu được xây dựng tại khu vực nút giao thông gần Cổ Viện Chàm nối với nút giao thông Nguyễn Văn Linh nối dài, phía đông là nút giao thông đường Trần Hưng Đạo, kéo dài đến đường Sơn Trà - Điện Ngọc.
Thuận Phước - Cầu treo dây võng dài nhất
Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng hiện đại và dài nhất Việt Nam. Tổng chiều dài cây cầu nối 2 bờ vịnh Đà Nẵng là 1.850m (dài hơn cầu Mỹ Thuận 300 m), rộng 18m, với mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách.
Cầu khởi công xây dựng vào ngày 16/1/2003; thông xe kỹ thuật ngày 25/3/2009 và khánh thành ngày 19/7/2009. Cầu cách sông Hàn 2.700 m về phía hạ lưu, điểm đầu cầu phía quận Hải Châu, nối với tuyến đường Liên Chiểu - Thuận Phước; điểm cuối cầu phía quận Sơn Trà, nối với tuyến đường từ khu công nghiệp đóng tàu đến khu công nghiệp dịch vụ thủy sản.
Cần Thơ - Cầu dây văng nhịp chính dài nhất
Cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến là 15,85km với 4 làn xe, là cây cầu được đánh giá cao nhất nước ta nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Cầu được khởi công xây dựng ngày 25/9/2004 và khánh thành vào ngày 24/4/2010 sau nhiều biến cố. Tại thời điểm hoàn thành (2010), đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.
Thị Nại - Cầu vượt biển dài nhất
Thị Nại là cây cầu vượt biển dài và lớn nhất Việt Nam nằm nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai. Cầu được khởi công vào tháng 11/2002 và hoàn thành vào ngày 12/2006. Tổng số vốn đầu tư cho xây dựng công trình là 582 tỷ đồng. Cầu gồm 54 nhịp có khẩu độ mỗi nhịp là 120 m.
Nhìn từ xa, cầu Thị Nại đẹp, thanh mảnh như một dải lụa trải ngang biển, đẹp, mong manh nhưng bền bỉ.
Rạch Miễu - Cầu thương hiệu Việt
Đây là một cây cầu dây văng nối liền 2 tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho) và Bến Tre, là công trình do Việt Nam tự đầu tư, thiết kế và thi công. Cầu được khởi công từ tháng 4/2002 và khánh thành vào tháng 1/2009 do gặp khó khăn về tài chính.
Thời gian thi công lâu như thế nên trong giới hướng dẫn viên của tỉnh Bến Tre và Tiền Giang truyền miệng câu chuyện ngộ nghĩnh về một du khách nước ngoài đến thăm nơi này. Lần đầu tiên thấy công trình đang thi công, ông đã hỏi hướng dẫn viên bao giờ hoàn thành, thì nhận được câu trả lời “1 năm nữa”. Song 2 năm sau ông quay lại, thấy cầu chưa hoàn thành, ông lặp lại câu hỏi và được nhận được câu trả lời tương tự. Lần thứ 3, khi người bạn đi cùng hỏi hướng dẫn viên bao giờ cầu làm xong, thì ông lập tức trả lời: “Đến khi nào khánh thành thì xây xong”.
Sau khi hoàn thành, cầu rút ngắn thời gian qua lại giữa hai tỉnh này từ 30 phút xuống còn 5 phút.
Phú Mỹ - Cầu dây văng đầu tiên của Sài Gòn
Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng lớn nhất TP.HCM bắc qua sông Sài Gòn kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nối Quận 7 với Quận 2 và Quận 9, thuộc đường vành đai ngoài của của Thành phố. Không chỉ là một công trình trọng điểm của nước ta, cầu Phú Mỹ còn là công trình cầu dây văng hiện đại nhất thế giới.
Cầu Phú Mỹ được khởi công ngày 9/9/2005 và khánh thành vào ngày 2/9/2009 với tổng mức đầu tư 2.076 tỷ đồng.
Theo Infonet