Có nên phản đối dự án Nhà máy Lọc dầu 27 tỉ USD?

03:04, 21/04/2013
.

Với việc một nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ cả chục tỉ USD để đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định), nhiều chuyên gia cho rằng cần tính toán cả mặt được của dự án, chứ không nên chỉ băn khoăn mặt tiêu cực.
 

Lãnh đạo tỉnh Bình Định báo cáo về dự án lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh (giữa) chiều 8-4  Ảnh: VĂN LƯU
Lãnh đạo tỉnh Bình Định báo cáo về dự án lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội với Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh (giữa) chiều 8-4 Ảnh: VĂN LƯU

 

Với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà nước phải bỏ ra nhiều công sức, nguồn lực mới hoàn thành. Khác với Nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ dùng được dầu thô Bạch Hổ giá cao, Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội được tính toán ngay từ đầu sẽ dùng dầu từ nhiều nguồn như Trung Đông, châu Phi... Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã tính toán tỉ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) - một chỉ số kinh tế quan trọng nói lên tính hiệu quả của dự án - lên đến 14,8% (Nhà máy Dung Quất đến tháng 6-2012 vẫn lỗ).

PVN chủ yếu “tính đến lợi ích của mình”

Trong lý do đề nghị Bộ Công thương không ủng hộ dự án tại Nhơn Hội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nêu để “tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu cũng như tuân thủ quy hoạch, chiến lược phát triển ngành dầu khí”. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Định, tại công văn 989/Ttg-DK ngày 26-6-2006, Thủ tướng đã cho phép chủ trương đầu tư cảng dầu và khu lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Nhưng đến khi phê duyệt quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 thì dự án lại không có trong quy hoạch. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ Công thương có ý kiến đề xuất để bổ sung quy hoạch.

Theo TS Lê Đình Ân - nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, việc băn khoăn của các bộ, ngành là cần thiết. Ông Ân cho rằng các vấn đề cốt lõi như nhà đầu tư có chuyên về dầu khí không, đặc biệt là khả năng tài chính và nguồn cung dầu thô để chế biến cần xem xét kỹ, bởi nguồn dầu Trung Đông cũng không thể khẳng định chắc chắn trong dài hạn. Còn việc PVN đề nghị không ủng hộ dự án Nhơn Hội, ông Ân cho rằng nếu là vì nhu cầu trong nước đã đủ, lo giảm hiệu quả đầu tư Dung Quất, Nghi Sơn thì không nên. Bởi các nước vẫn cho đầu tư chế biến dầu rồi xuất khẩu mà không có vấn đề gì, vả lại các doanh nghiệp cũng cần cạnh tranh với nhau.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc PVN đề nghị Bộ Công thương không nên ủng hộ việc xây dựng Nhà máy Nhơn Hội cho thấy họ có thể lo cho cái chung là mất cân đối cung cầu xăng dầu trong nước, hiệu quả đồng vốn nhà nước bỏ ra ở Dung Quất, Nghi Sơn sẽ giảm, nhưng có thể thực tế là họ lo bảo vệ lợi ích của mình, không chấp nhận cạnh tranh. Dù có thể được mời tham gia vốn ở nhà máy 27 tỉ USD nhưng PVN cũng sẽ gặp khó ở các nhà máy lớn đã, đang đầu tư. Bà Lan cho rằng việc nhà đầu tư PTT có năng lực hay không, có đảm bảo hiệu quả cho đất nước hay không cần tính đến, nhưng là một bài toán khác, giữa nước chủ nhà và PTT. Còn bài toán cạnh tranh thì doanh nghiệp cần chấp nhận.

Việc PTT đề nghị đầu tư Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội, đi vay 50% vốn, mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao thì phía Việt Nam cũng nên đặt câu hỏi tại sao họ bỏ vốn gấp mấy lần nhà máy lọc dầu trong nước mà vẫn hiệu quả cao. Theo bà Lan, với dự án của PTT cần áp dụng phương án đánh giá tổng thể, cả tác động tích cực và tiêu cực. “Quan trọng nhất là xem tính thực chất của dự án, tránh quy hoạch “treo”, còn lại cần dựa trên lợi ích quốc gia để quyết định, tránh thiên vị cho một doanh nghiệp nào” - bà Lan nói.

Bộ Tài chính: cạnh tranh hơn thì nên phê duyệt

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản góp ý về chủ trương xây dựng dự án lọc hóa dầu ở Nhơn Hội. Theo đó, bộ cho rằng việc PTT, theo đề xuất, sẽ phải đi vay 50-60% tổng vốn đầu tư, tức từ 14-17 tỉ USD, đòi hỏi phải có nhiều tổ chức tài chính đồng tài trợ. Vì vậy, để tránh tình trạng sau khi được bổ sung quy hoạch, cấp giấy chứng nhận đầu tư mà dự án vẫn không thể triển khai đúng tiến độ do khó khăn tài chính, gây lãng phí nguồn lực đất đai và các hỗ trợ khác, Bộ Tài chính đề nghị nhà đầu tư giải trình, chứng minh rõ năng lực tài chính.

Đặc biệt, trước thực tế nhiều dự án đã có trong quy hoạch nhưng cũng chưa triển khai như Nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong, Cần Thơ, hay Vũng Rô cũng cơ bản chưa làm... Theo Bộ Tài chính, cần đánh giá lại tổng thể tiến độ, tính khả thi của các dự án đã phê duyệt/cấp phép. Bộ Tài chính cho rằng nếu dự án được chứng minh khả thi, tiến độ hoàn thành sớm hơn các dự án khác đã được cấp phép, phê duyệt, có lợi thế cạnh tranh hơn thì nên trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt...

Sẽ không dễ dàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia ngành dầu khí đề nghị không nêu tên cho rằng việc PTT vào Việt Nam chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai bởi nhà máy này nếu đi vào hoạt động năm 2019 thì cũng gần như đồng thời với một số nhà máy lọc dầu khác của PVN như Nghi Sơn. Và với công suất lớn hơn, công nghệ cao và sự quản lý chặt chẽ trong quá trình đầu tư, bề dày kinh nghiệm trong chế biến, phân phối sản phẩm... thì các nhà máy lọc dầu của các doanh nghiệp trong nước khó mà cạnh tranh nổi. Đây sẽ là bài toán hóc búa và PTT sẽ không dễ dàng khi đàm phán về các ưu đãi cho Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội!

Cũng theo chuyên gia dầu khí trên, khi Việt Nam chưa có nhà máy lọc dầu thì ưu đãi khác, khi đã có rồi thì ưu đãi sẽ phải giảm đi. Thực tế, đến dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam quy mô 4,5 tỉ USD (mà PVN có tham gia vốn 18%) thì các ưu đãi cho chủ đầu tư cũng được Chính phủ xác định theo hướng giảm dần so với Dung Quất hay Nghi Sơn. Nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải tự lực lớn từ việc lo vốn, thị trường, cân đối ngoại tệ trong quá trình hoạt động... Như vậy, muốn có nhà máy ở Nhơn Hội phía trước là con đường dài, chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhất là khi PVN đã phản đối và nhiều bộ đang băn khoăn.



Theo CẦM VĂN KÌNH - KIẾN GIANG/Báo Tuổi trẻ

 


.