Người Hrê, Ca Dong mang họ Đinh từ lúc nào?

04:06, 04/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như những đồng tộc láng giềng ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi vốn không có họ. Nhưng giờ đây, người Hrê ở huyện Minh Long, Sơn Hà, người Ca Dong ở huyện Sơn Tây đã mang họ Đinh. Vậy người Hrê, Ca Dong mang họ Đinh từ lúc nào?
 
[links()]
 
Nhiều điều thú vị 
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, người Hrê cư trú chính ở các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà và một số ít ở huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa; người Ca Dong cư trú chính ở huyện Sơn Tây và một số ít ở huyện Trà Bồng. Về ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, hai tộc người này có nhiều nét tương đồng. Nếu để nói về sự tương đồng ấy, chắc hẳn phải cần đến các công trình nghiên cứu thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Ở đây chỉ nói về chuyện họ tên.
 
Thiếu nữ người Ca Dong ở huyện Sơn Tây.               Ảnh: Đăng Vũ
Thiếu nữ người Ca Dong ở huyện Sơn Tây. Ảnh: Đăng Vũ
Khi đứa trẻ vừa rụng cuống rốn, sau khi cúng nữ thần có tên gọi sóng đôi là Y Ka Y Cô, người Hrê, người Ca Dong sẽ đặt tên cho đứa trẻ ấy. Tựa như người Kinh, nếu thấy đứa trẻ không được khoẻ mạnh thì họ sẽ đặt tên xấu đi (amêq). Tên xấu có nhiều tên như: Krít (rách rưới), Aning (thúng, mủng)... Thường thì cách đặt tên con của người Hrê, người Ca Dong rất giản đơn, nhưng giàu ý nghĩa, dù tên gọi không cầu kỳ, không nguyện ước cao sang. Tên họ bám vào làng, vào đất, vào cỏ cây, non nước. Khi đi làm rẫy về mà đúng lúc đứa trẻ ra đời thì người ông, người bà, người cha, hoặc người mẹ, có khi là người anh cả sẽ đặt tên cho con, cháu, em của mình là Yét (cái rẫy). Nhà gần bụi tre gai, hoặc cây dỗi, con cái có đứa sẽ có tên là Ka La, hoặc Rỗi...
 
Người Ca Dong còn đặt tên con cùng một phụ âm đầu, có cả vần lẫn điệu như Nung, Néo, Nay, No; Nung, Nú, Nấy, Na... Đây là những tên gọi thân thương, trìu mến trong nhà, mà người trong làng nghe những tên này, có thể biết họ được sinh ra trong cùng một gia đình. Khi lớn lên, nếu con trai sẽ thêm tiếng gọi Xăng, hay Đăm ở trước như Xăng Ka La, Xăng Ka Để, Đăm Lung, Đăm Tun... Con gái sẽ thêm Y hoặc Hy ở trước như Y Nung, Y No, Y Nấy, Hy Đuk, Hy Uk...
 
Ngược dòng lịch sử
 
Lâu nay, chưa thấy tài liệu nào nói người Ca Dong mang họ Đinh từ lúc nào, còn về người Hrê thì có vài tài liệu nói người Hrê mang họ Đinh từ thời Triều Nguyễn trị vì. Triều Nguyễn tồn tại gần 150 năm, tính từ thời vua Gia Long lên ngôi năm 1802 - 1945. Vậy chính xác là vào năm nào các tộc người Hrê, Ca Dong mang họ Đinh?
 
Để tìm câu trả lời này, chúng tôi lục tìm trong các tài liệu như Phủ Man tạp lục của Nguyễn Tấn (viết 1871, in năm 1898), những tờ biểu của Nguyễn Thân  lúc làm Tiễu phủ sứ Nghĩa Định Sơn Phòng từ năm 1884; các bộ chính sử của Triều Nguyễn có ghi chép về tỉnh Quảng Ngãi như Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí và sau đó là Quảng Ngãi tỉnh chí (1933), Dư địa chí Quảng Ngãi (1939), Non nước xứ Quảng (bản 1970), Đồng bào các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam (Nguyễn Trắc Dĩ, 1972), Địa chí Quảng Ngãi (2008), Các dân tộc ít người ở Việt Nam - các tỉnh phía Nam (Viện Dân tộc học -1984), Lịch sử vùng cao qua Vũ Man tạp lục thư và Diên Lộc quận công của Nguyễn Đức Cung (1998 và 2002), Lịch sử Đảng bộ huyện Sơn Tây (2017) và một số tài liệu khác về người Hrê, người Ca Dong...
 
Chúng tôi cũng đã tìm trong những tài liệu ghi chép khá kỹ lưỡng của E.M.Durand trong “Mois du Sơn-Phòng” (in trong “Bullentin de Geographie Historique et Descriptive”, số 1-2, năm 1900), Henri Maître trong “Les Jungles Moi” (1912, được dịch là “Rừng người Thượng”). Thế nhưng, không có tài liệu nào nói về câu chuyện vì sao người Hrê, người Ca Dong ở tỉnh Quảng Ngãi mang họ Đinh.
 
May thay, nghi vấn này lại được làm rõ ít nhiều khi đọc "Đường lên xứ Thượng" của Bùi Đình, Bộ Công dân vụ xuất bản, năm 1963. Sách này cho biết, Trấn Man là tên gọi có từ thời Gia Long thứ 3 (1804), vốn chia làm 2 miền, là Nghĩa Biên (vùng Trà My của Quảng Nam và tất cả vùng sơn cước của Quảng Ngãi), và Định Biên (vùng sơn cước của tỉnh Bình Định).
 
Đến năm 1877 (tức năm Đồng Khánh thứ 2), thì Trấn Man được chia làm 5 châu: Trà My, Hà Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ và Bồng Sơn. Mỗi châu có Tri châu điều khiển. Dưới quyền Tri châu có các Chánh tổng và Phó tổng người Kinh và Tổng nguồn có người Thượng. Các cấp Đầu mục và Sách trưởng vẫn được duy trì. Lúc này, trai tráng được kiểm tra chặt chẽ và tên tuổi được ghi vào danh bộ. Người Thượng vốn không có họ, chỉ có tên, vì vậy khi lập danh bộ (để quản lý và đánh thuế), trai tráng từ 18 tuổi trở lên, các Chánh tổng đã ghi vào tên riêng của mỗi người một chữ Đinh (丁= tức tráng đinh) như Đinh A, Đinh B... Và từ đó về sau, chữ Đinh này biến thành tên họ chung cho đồng bào Thượng vùng Nam - Ngãi, cả nam lẫn nữ.
 
Đối chiếu với những ghi chép của Henri Maître trong “Les Jungles Moi”, chúng tôi nhận thấy mặc dù không nêu câu chuyện Chánh tổng ghi chữ Đinh vào tên những tráng đinh là người Thượng ở Quảng Ngãi, nhưng nhà thám hiểm này cũng có ghi chép khá rõ về việc thu thuế trong các năm 1887, 1888 ở miền núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Năm 1969, người Hrê ở huyện Ba Tơ đổi họ Đinh lấy họ Phạm (theo họ Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Còn người Hrê ở hai huyện Sơn Hà, Minh Long vẫn giữ chữ Đinh trước tên riêng mà cha mẹ đã đặt cho ngay từ thuở nhỏ.
 
Đối với người Ca Dong ở huyện Sơn Tây, đến năm 1976, cùng với việc sáp nhập huyện Sơn Tây vào huyện Sơn Hà, thì hầu hết người Ca Dong mới có họ Đinh.
 
NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 

.