Truyền thống học hành, khoa cử ở làng Mỹ Khê

03:01, 07/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Làng Mỹ Khê xưa là thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) ngày nay.   Đây là ngôi làng khá nổi tiếng về truyền thống học hành, khoa cử.
[links()]
 
Mỹ Khê có hai làng, đó là Mỹ Khê Đông và Mỹ Khê Tây. Địa bạ Quảng Ngãi xác lập năm Gia Long thứ 12 (1813) cho thấy, Mỹ Khê Đông, Mỹ Khê Tây đều là xã thuộc Hà Bạc huyện Bình Sơn; đời vua Đồng Khánh là tên xã thuộc tổng Bình Châu, huyện Bình Sơn; từ năm 1899, thuộc về huyện Sơn Tịnh khi huyện này tách lập. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hoạch định xã mới Tịnh Khê (Sơn Tịnh), thì chữ Khê cũng lấy từ tên gọi Mỹ Khê. Mỹ Khê Đông và Mỹ Khê Tây hình thành một thôn với tên gọi là Mỹ Lại.
Người làng Mỹ Khê xưa rất cần cù, nhẫn nại trong nghề nông, nhiều người mò cua bắt ốc trên sông Kinh, nhiều người đi buôn bán xa để mưu sinh. Gian khó rèn luyện đức tính của con người, kể trong các nghề sinh sống lẫn trong việc học hành.
 
Đường về thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).                   Ảnh: Ý THU
Đường về thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU
Ở Mỹ Khê xuất hiện nhiều người học giỏi, đỗ đạt. Gia phả dòng họ Trương ở Mỹ Khê Tây có ghi ông Trương Đăng Đồ làm chức Đô đốc thời Tây Sơn, phò vua Cảnh Thịnh cho đến ngày cuối cùng trong thế truy đuổi của quân Nguyễn. Đến thời nhà Nguyễn, cuối đời vua Gia Long, có ông Trương Đăng Quế (1793 - 1865) thi đỗ Hương tiến (tức Cử nhân) tại trường thi hương Thừa Thiên khoa Kỷ Mão 1819. Ông được người xưa gọi là “khai khoa” trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, vì trước ông chưa ai đạt tới học vị này. Về sau ông trở thành quan đầu triều của triều đình, trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Về học thuật, ông là Tổng tài (chủ biên) các bộ sách lớn của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam hội điển toát yếu (ngày nay đều đã dịch thuật và xuất bản). Ông làm nhiều thơ văn, tập hợp trong Học văn dư tập, Quảng Khê thi văn tập. Ông làm quan đọc quyển các kỳ thi Hội khoa Nhâm Thìn 1832, Ất Mùi 1835, Mậu Tuất 1838, Tân Sửu 1841, Quý Mão 1843, Giáp Thìn 1844, Mậu Thân 1848, Tân Hợi 1851, Bính Thìn 1856.
 
Sau ông Trương Đăng Quế, ở làng Mỹ Khê có ông Trương Đăng Trinh (1812 - 1843) là cháu gọi ông Trương Đăng Quế bằng chú, đỗ Cử nhân khoa Tân Sửu 1841 tại trường thi hương Thừa Thiên, năm sau đỗ tiếp Tiến sĩ khoa thi Hội, thi Đình khoa Nhâm Dần 1842 tại kinh đô. Nếu chú là người “khai khoa” thì cháu lại là “khai khoa thủ sĩ” của đất Quảng Ngãi. Ông vào làm Tu soạn ở Hàn lâm viện. Nhưng rất tiếc chỉ đến năm sau, Quý Mão 1843 thì ông bị bệnh mất. Kể khoa cử làng Mỹ Khê cũng không thể không nhắc đến ông Nguyễn Luật, là người đỗ giải nguyên (thủ khoa trong một kỳ thi hương) đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, trong khoa thi hương Mậu Thìn 1868 tại trường thi Bình Định.
 
Sau ông Luật thì Mỹ Khê có 2 người nữa thi đỗ Cử nhân thời Nho học, đều là họ Trương, đều nằm trong thời Nam triều thuộc Pháp. Ông Trương Quang Phùng (1865 - 1934) đỗ Cử nhân khoa Tân Mão 1891 tại trường thi hương Bình Định. Năm 1900, ông được bổ làm Tri huyện Đức Phổ, nhưng sau đó do không chịu bái yết quan sứ Pháp nên bị triệt về vườn 11 năm. Đến năm 1912, ông được bổ làm Hậu bổ Phú Yên, Tri phủ Tuy An, đến năm 1919 thì xin về hưu. Người tiếp theo là ông Trương Quang Kỳ (1864 - 1904), là cháu nội Trương Đăng Quế, con Tú tài Trương Quang Đản, đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ 1894 tại trường thi hương Bình Định. Ông làm ở Hàn lâm viện Trước tác, sau xin về cư tang mẹ và ở luôn tại quê.
 
Theo thống kê, trong toàn tỉnh Quảng Ngãi thì làng Chánh Mông hay Chánh Lộ (nay là vùng trung tâm TP.Quảng Ngãi) có 12 người thi đỗ từ cử nhân trở lên, làng Phú Nhơn (nay là giữa phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi) có 7 người thi đỗ, kế đến là làng Mỹ Khê với 5 người thi đỗ, nhưng ở đây lại có những trường hợp “đầu tiên” trong tỉnh Quảng Ngãi như đã kể trên. Ở Mỹ Khê thì dòng họ Trương nổi bật về học hành, khoa cử. Nếu tính riêng họ Trương, thì ngoài 4 vị kể trên còn có 2 người sống ở Phú Nhơn là Trương Đăng Tuyển và Trương Quang Quỳ. Ông Trương Đăng Tuyển đỗ giải nguyên khoa Canh Ngọ 1870 tại trường thi hương Bình Định, từng giữ một số chức quan trước khi xin về trí sĩ. Ông Trương Quang Quỳ (1874 - 1909) đỗ Á nguyên (đỗ thứ hai trong một kỳ thi hương) khoa Canh Tý 1900 tại trường thi hương Bình Định. Ông chưa kịp làm quan thì mất.
 
Học hành, khoa cử rồi tiến thân là một phần quan trọng xây đắp nên truyền thống nổi bật, làm nên văn hiến của làng Mỹ Khê. Tuy có diện tích khá khiêm tốn nhưng Mỹ Khê xưa cũng có đình làng, dựng vào năm Thiệu Trị thứ ba (1843), có sắc phong, tế vào ngày 17 tháng Giêng âm lịch một cách trang nghiêm, thành kính. Khi có người làng đỗ đạt, các tân khoa cũng tới đình tế yết đình, xướng văn quy yết đình văn.  
Cần biết thêm rằng, Mỹ Khê cũng là quê hương của Trương Quang Giao (1910 - 1983), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Bí thư Liên khu ủy 5, Phó ban Tổ chức Trung ương. Đây cũng là quê hương của nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Được kế tục, thừa hưởng truyền thống của quê hương, nhiều người con Mỹ Khê ngày nay học giỏi và thành đạt.
 
MINH TUỆ 
 
 

.