(Báo Quảng Ngãi)- Cứ ngỡ sâm Quảng Ngãi, loại thổ sản nổi tiếng thời xưa, nay không còn. Nhưng mới đây qua điền dã, chúng tôi đã tìm ra cây sâm Quảng Ngãi, điều này mở ra hy vọng về sự hồi sinh, phát triển của giống cây quý này.
Từ trong sử sách
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển viết về tỉnh Quảng Ngãi đã từng chép: “Nghĩa sâm: Sản ở các núi ven biển thuộc huyện Bình Sơn; tháng Hai, tháng Ba nở hoa; người ta đào lấy củ, rửa sạch và xôi qua, cạo hết vỏ thô, ban ngày phơi nắng, ban đêm sấy than. Thứ sâm này có vằn ngang cũng như bắc sâm, vị ngọt và thanh đạm. Có sâm hộ, đồng niên mỗi người phải nộp hạng nhất và hạng nhì mỗi hạng 1 cân 8 lạng”. Vậy là đất Quảng Ngãi xưa kia cũng có loại sâm tốt có tiếng. Không có tiếng sao được khi Sử quán ghi khá chi tiết vào sách Đại Nam nhất thống chí vốn lựa chọn rất khe khắt, và người khai thác sâm còn phải nộp thuế cho Nhà nước.
Hoa sâm núi. Ảnh: Cao Chư |
Trở lại với sách Đại Nam nhất thống chí, chỗ nói về núi Trung Sơn (Phố Tiên), có ghi “về phía hữu núi, nước khe chảy vào sông Châu Tử (sông Trà Bồng), sản những son và sâm tốt”. Chỗ viết về núi A Linh (tức núi Răm) ghi “có nhiều sâm tốt”. Chỗ viết về núi Tham Hội (tức sâm Hội, tên dân gian là núi Thình Thình), có chép: “Núi có sản xuất thổ sâm”. Sách Đại Nam nhất thống chí bản tục biên đời vua Duy Tân còn ghi núi Tam Thai, núi La Vọng cũng sinh nghĩa sâm. Các núi Trung Sơn, Tham Hội thuộc về phía đông nam huyện Bình Sơn, còn các núi Tam Thai, La Vọng, A Linh nay thuộc TP.Quảng Ngãi. Lục bản đồ Đồng Khánh địa dư chí, chú bằng chữ Hán, vẽ đời vua Đồng Khánh (1885 - 1889) thấy ghi bên cạnh núi Tam Thai một dòng chữ “Tư Cung sản nam sâm” (làng Tư Cung sản xuất nam sâm). Nam sâm (sâm ở phương Nam) ở đây chắc chắn là loài nghĩa sâm. Làng Tư Cung xưa kia sau chia ra hai làng là Tư Cung Bắc và Tư Cung Nam, nằm ở địa hạt hai xã Tịnh Khê, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) ngày nay.
Còn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, chép năm Gia Long thứ 18 (1819), “Đặt đội thái sâm (lấy sâm) ở Quảng Ngãi (các núi ở Sa Kỳ sản nhiều sâm, hạ lệnh cho trấn thần đặt đội lấy sâm, mộ dân ngoại tịch 50 người sung vào)”. Chỉ 3 năm sau, năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), sách không nói gì đến đội mà nói đến thuế sâm (đánh thuế sản vật): “Định lệ thuế sâm ở Sa Kỳ (tên núi) Quảng Ngãi (sâm hộ có 30 người, hằng năm phải nộp 3 cân sâm, không có sâm thì theo lệ biệt nộp, nộp thay bằng 8 quan tiền)”. Sâm hộ nghĩa là các hộ chuyên nghề khai thác sâm. Mãi 60 năm sau, năm 1882, cuối triều vua Tự Đức, lại thấy sách Đại Nam thực lục ghi: “Định ngạch thuế sâm ở Quảng Ngãi (thứ sâm sinh ra ở huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi), hạng già là tốt. Nguyên hạt ấy mộ 30 dân đinh, đặt làm hội sâm...”.
Đi tìm nghĩa sâm
Lời ghi chép về nghĩa sâm năm 1882 dưới triều vua Tự Đức trích trên gần như là những ghi chép cuối cùng. Cây nghĩa sâm chắc đã tuyệt chủng? Mới đây, tình cờ về xã Bình Châu (Bình Sơn), tôi nghe nói ở xã Tịnh Hòa vẫn còn người đào sâm đem bán cho hiệu thuốc Bắc, có người trồng sâm để chơi hoa, vì hoa sâm rất đẹp. Xã Tịnh Hòa xưa có tên Tư Cung như sách xưa có nói.
Ông Phạm Văn Toàn với củ sâm vừa tìm được. Ảnh: Cao Chư |
Ông Toàn cho biết, thuở nhỏ đi chăn bò trên núi ông đã thấy loại sâm này. Người xưa thường lấy sâm chưng với đường phèn cho người già uống khi ốm nặng. Củ sâm hồi ấy cũng dùng dầm rượu để uống bổ dưỡng. Người ta có thể trồng sâm bằng củ, nhưng phổ biến là gieo hạt giống. Sâm tự nhiên hạt rơi xuống có thể mọc ở hóc đá, bờ bụi. Sâm lớn nhanh, nên mỗi năm thu hoạch một lần.
Vậy là, sâm núi hay nghĩa sâm, nam sâm vẫn chưa tiệt chủng, ít ra là có ở núi Hầm, xã Tịnh Hòa. Nhưng có lẽ nhiều người chưa rõ lắm về giá trị của cây sâm. Tôi rất lấy làm vui với phát hiện này để thấy sách xưa viết rất xác thực. Thiết nghĩ, người dân địa phương nên biết về giá trị của sâm tự nhiên để bảo tồn giống cây quý này.
CAO CHƯ