(Báo Quảng Ngãi)- “Bàu” là một từ chỉ địa hình tự nhiên, xuất hiện phổ biến trong hàng trăm địa danh ở Quảng Ngãi. Nhưng dần về sau, vì nhiều nguyên nhân, một số tên gọi ấy giờ chỉ còn trong ký ức của các cụ lớn tuổi.
[links()]
Tên gọi ruộng đồng, sông, núi...
Trong “Đại Nam quấc âm tự vị”- cuốn sách được xem là tự điển tiếng Việt đầu tiên của nước ta (xuất bản lần đầu tiên vào năm 1896), tác giả Huỳnh Tịnh Của đã giảng nghĩa từ “bàu” là “ao, vũng lớn” và dẫn chứng “bàu tắm tượng” nghĩa là “hồ tắm tượng”, “bàu sen” là hồ sen, “bàu rau muống” là “bàu thả rau muống”...
Sông Bàu Giang đoạn chảy qua địa phận phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU |
Nói về nơi nhiều “ao, vũng lớn” có tên gọi bắt đầu từ chữ “bàu”, phải kể đến xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), với hàng loạt địa danh như: Bàu Rạm, Bàu Trắng, Bàu Lớn, Bàu Suốt, Bàu Tròn, Bàu Eo. Trong đó, Bàu Lớn có diện tích lớn nhất với khoảng 40ha. Là địa bàn không có sông, suối, nên hệ thống bàu là nơi dự trữ nước ngọt, cung cấp nước tưới chủ yếu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Tại nhiều vùng quê, sau khi khai khẩn những vùng đất có địa hình trũng, thấp để canh tác, người xưa thường lấy chữ “bàu” để đặt tên cho xứ đồng. Chẳng hạn như, xứ đồng Bàu Đưng ở xã Bình Chương (Bình Sơn); đồng Bàu Súng ở xã Đức Minh, đồng Bàu Chùa ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức); đồng Bàu Thơm ở xã Nghĩa Điền, đồng Bàu Miếu ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa); đồng Bàu Cối ở xã Phổ Hòa, đồng Bàu Sen ở xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ)... Hoặc ngay giữa lòng TP.Quảng Ngãi cũng có rất nhiều xứ đồng bắt đầu bằng chữ “bàu”, như Bàu Cả ở phường Lê Hồng Phong; Bàu He, Bàu Liên, Bàu Ruộng, Bàu Sung, Bàu Đĩa ở phường Nghĩa Chánh; Bàu Đưng, Bàu Cỏ ở phường Nghĩa Lộ; Bàu Lát, Bàu Muống, Bàu Sen, Bàu Mè Trên, Bàu Mè Dưới, Bàu Cạn, Bàu Voi ở xã Nghĩa Dõng...
Dẫu từng là nơi hoang sơ, ngập nước, nhưng nhờ vào sự nhẫn nại, chịu khó cải tạo của người xưa, mà nhiều xứ đồng dần trở thành “bờ xôi, ruộng mật”, mang lại mùa màng bội thu cho người nông dân. Như xứ đồng Bàu Lát, ở thôn 3, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi), nơi từng một thời ngập úng quanh năm, cỏ năng, cỏ lát bao trùm, nhưng sau khi được người xưa cải tạo thành nơi trồng trọt, canh tác, đã trở thành mảnh đất màu mỡ nức tiếng xa gần. Bởi thế, người xưa có câu “Nhất đất Hậu Viên/ Nhất điền Bàu Lát”...
Không chỉ là thành tố trong tên của nhiều sông, núi, vũng, ruộng; chữ “bàu” còn đi vào tên gọi của nhiều làng quê xứ Quảng. Đằng sau những địa danh ấy là đặc trưng của làng, là dấu ấn về một thời khó nhọc xen lẫn tự hào của người xưa trong những năm tháng mở đất, lập làng.
Chỉ còn trong ký ức
Tại làng Bàu Sa, nay thuộc thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức), nơi đây là vùng đất trũng, thấp ven sông, được phù sa bồi đắp, nên người xưa giản dị lấy đặc điểm ấy đặt tên cho làng.
Ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), có một xóm nhỏ mang tên Bàu Lát. Tên gọi này xuất phát từ việc người làng khi mở đất, nhận thấy nơi đây là vùng đất hoang vu, đầy lam sơn chướng khí, cỏ lát mọc um tùm, nên đã lấy đặc điểm địa hình và loài thực vật đặc trưng để đặt tên cho làng.
Là đồng bằng ven biển với nhiều vùng đất trũng nước, nên xã Bình Chánh (Bình Sơn) có nhiều ngôi làng mang tên gọi bắt đầu từ chữ “bàu”, như làng Bàu Bèo, Bàu Giuộc, Bàu Chuốc.
Bàu Lớn ở xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) là nơi sinh sống, phát triển của nhiều động, thực vật. Ảnh: DUY SINH |
Từng có tên gọi giản dị, mộc mạc lưu dấu đặc trưng địa hình, tiếc là về sau, làng Bàu Bèo đã được đổi tên thành xóm Quang Minh. Niềm tự hào của các thế hệ người dân trong làng khi đọc câu ca dao “Tiếng đồn bạn nhạc Bàu Bèo” bỗng chốc trở nên lạc điệu với tên làng mới bây giờ.
Đâu chỉ riêng Bàu Bèo, những địa danh gắn với chữ “bàu” ở TP.Quảng Ngãi, cũng đang dần mất đi, nhường chỗ cho công trình, nhà ở mọc lên. Giữa làn sóng đô thị hóa, nhiều ruộng đồng, bàu chứa nước giữa lòng thành phố như Bàu Đưng, Bàu Cỏ, Bàu Lát, Bàu Dợn năm nào, giờ chỉ còn lại trong ký ức của các lão nông tri điền mà thôi...
Ý THU