(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là vùng đất có truyền thống về sản xuất mía đường. Từ nhiều thế kỷ trước, sản phẩm truyền thống này đã nổi tiếng không chỉ trong nước, mà với cả phương Tây, và các nước vùng Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Nhưng câu chuyện từ truyền thống lung linh thuở xa xăm ấy lại đi cùng những bài học mà cho đến tận hôm nay, vẫn khiến mỗi người chúng ta, những người Quảng Ngãi, không khỏi chạnh lòng.
[links()]
Một vùng đất lừng danh
Bắt đầu với cuốn sách Xứ Đàng Trong, một công trình nổi tiếng và quan trọng về lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII của Tiến sĩ Li Tana, học giả từ Đại học Quốc gia Úc. Theo đó, vào cuối thế kỷ XVII, dưới sự cai trị của các Chúa Nguyễn, Đàng Trong chỉ tính trên đất liền gồm 1 châu, 1 miền và 8 phủ, trong đó có phủ Quảng Ngãi.
Tranh vẽ thương cảng miền Trung. |
Năm 1663, tức 20 năm sau, một tài liệu của Nishikawa Joken (được công bố ở Kyoto - Nhật Bản), cho thấy các thương gia người Hoa đã mua ở Đàng Trong và chở đến Nhật Bản 61.000kg đường phổi, 750kg đường phèn. Có nghĩa số đường phổi xuất khẩu đã tăng gần gấp 3 lần chỉ sau 20 năm. Nishikawa Joken (1648 - 1724) là nhà địa lý học, thiên văn học thời kỳ Edo. Ông chính là tác giả của Văn bản Bách khoa Toàn thư Kaitsusho - một từ điển về thương mại và giao tiếp bản lề của Nhật Bản thế kỷ XVIII.
Trở lại với cuốn biên khảo Xứ Đàng Trong. Dựa trên số liệu của Grawfurd do Li Tana trích dẫn: đến đầu thế kỷ XIX, lượng đường cát trắng hằng năm từ Đàng Trong chở đến Trung Hoa từ 1.000 đến 3.000 tấn và khoảng 250 tấn đến các căn cứ của người Châu Âu ở eo biển Malacca.
Còn theo công sứ Quảng Ngãi Laborde (trong một dạng bút ký có tên Tỉnh Quảng Ngãi được đăng trên Những người bạn cố đô Huế năm 1925) thì vào thập niên 20 thế kỷ XIX, hằng năm Quảng Ngãi xuất khẩu được 12 nghìn tấn đường. Vào thời điểm đó, gần như tất cả lượng đường làm ra ở Quảng Ngãi dành hết cho xuất khẩu.
Cây mía và những guồng xe nước
Một cuốn biên khảo về mía và cải thiện ngành trồng mía ở An Nam mà người Pháp đầu thế kỷ XX đã dày công nghiên cứu, có viết: Từ 500 năm sau kỷ nguyên, dân chúng Việt Nam đã biết trồng mía để ăn. Các giống mía này có lẽ đều thuộc loài “mía tàu” Saccarum Sinense, mà hiện nay còn sót lại giống “mía gie” hay mía lau ở Quảng Ngãi và Tân Uyên (Biên Hòa).
Về ngành mía đường Quảng Ngãi thế kỷ XIX, Công sứ Pháp Laborde cho biết trong Bulletin des Amis du Vieux Hue (Những người bạn cố đô Huế): “Con sông gọi là sông Trà Khúc đếm được 38 bánh xe guồng nước, và ít nhất cũng có từng ấy trên Sông Vệ, nằm xa về phía nam. Toàn bộ những guồng nước tưới cho một diện tích gần 8.000ha, số ruộng này nếu không có những hệ thống tưới hoàn thiện như vậy sẽ chỉ là những vùng đất khô cằn và rất buồn chán.
Với các bánh xe guồng nước, hình như là những cái mạng nhện lớn, tôi gợi lại cái cảnh quen thuộc của Quảng Ngãi; tôi còn thấy ở tỉnh này giữa các cánh đồng mía rì rào, những lò và những quạt gió trời, và tôi cũng nghe ở đây rung lên một thứ tiếng động nào đó rất đặc biệt ở tỉnh này: đó là những tiếng đục và tiếng rì rào liên tục của nước đầy đổ bởi các guồng xe nước; đó là tiếng rung của các cối xay ép mía quanh quanh với những sức mạnh của những con trâu; đó là khúc ca đơn điệu không dứt của những đứa trẻ hò lên trong lúc nghiền những thân mía...”.
Trong sách Địa chí Quảng Ngãi có viết về đường phổi như sau: Tên gọi đường phổi xuất phát từ hình dạng thỏi đường tựa như lá phổi. Đường phổi màu trắng vàng, mịn xốp, sạch sẽ ưa nhìn. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Từ những năm cuối thế kỷ XIX sang những thập kỷ đầu thế kỷ XX, đường phổi được chuyển xuống Thu Xà xuất sang Pháp, Trung Hoa, Hồng Kông... Thương nhân người Hoa mua đường phổi từ Việt Nam chuyển sang các cơ sở tái chế đường ở Hồng Kông để tẩy trắng lại bằng chất hóa học, rồi mang đi bán khắp nơi và gọi là đường Hương Cảng. Chính nhu cầu xuất cảng và tiêu thụ về đường phổi mạnh đã đem lại sự phồn vinh và sầm uất cho các làng nghề làm đường phổi Ba La, Vạn Tượng vào thời đó.
Chỉ một đoạn thông tin ngắn ngủi, cứ ngỡ chuyện xưa ấy như chuyện của hôm nay.
Che ép mía thủ công. ẢNH: LHK |
Thật ra nghề làm đường phổi vẫn còn duy trì ở nhiều vùng khác nhau ở Quảng Ngãi, dù rằng nó không còn nguyên bản, gốc tích. Dù vậy, đường phổi, đường phèn ngày nay vẫn là mặt hàng được người Quảng Ngãi yêu thích để mua làm quà biếu cho mỗi chuyến đi xa, hay gửi cho bà con bạn bè đồng hương xa xứ.
Quảng Ngãi - xứ mía đường
Trong khoảng từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, tại Quảng Ngãi có một thương cảng sầm uất nổi tiếng, là động lực quan trọng phát triển kinh tế cho một vùng đất rộng lớn ở duyên hải miền Trung, và có lẽ chỉ đứng sau Hội An ở Quảng Nam. Đó chính là Thu Xà.
Đường muỗng. ẢNH: LHK |
Công sứ Pháp A.Laborde đã viết: Sự giàu có phong phú của tỉnh này cũng nằm trong việc trồng mía. Những người sở hữu chủ về đất ruộng có những đồng ruộng gọi là ruộng cao, thì họ thích trồng mía trong vùng đất của họ hơn, việc trồng mía là ít thấy đối với những điều bất ngờ trong thiên nhiên, và việc thu hoạch mía đã tìm được một lối ra thường hằng về phía người Trung Hoa ở Thu Xà, họ sẽ xuất cảng đường mật sang Hồng Kông... Họ đã xuất khẩu cho đến 12.000 tấn mía hằng năm, và số đường mật khiêm tốn của Quảng Ngãi đã biến nhanh về Hồng Kông, tại đó một khi đã lọc xong thì nó quay trở lại Đông Dương dưới nhãn hiệu đường buôn từ Hồng Kông sang. Có biết bao nhiêu sản phẩm của Đông Dương chúng ta đều bị đến theo cách như vậy. Về phần tôi, tôi bị thuyết phục rằng những nhà tư bản Pháp cần nhúng tay vào việc buôn bán đường để nắm lấy một vị trí rất quan trọng, bằng cách đẩy mạnh sản xuất bằng những phương cách có tính khoa học và sản lượng ít của các xưởng làm đường nhỏ của người bản xứ này...
Trở lại với công trình nghiên cứu của Li Tana, bà trích nguồn của Pierre Poivre để kết luận rằng: Người Hoa với tiểu xảo này đã kiếm lời từ 100% đến 400% từ các vụ buôn đường kiểu như vậy.
Khi đi tìm tài liệu để viết bài này, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy họ đều chung sự trăn trở, tại sao Quảng Ngãi ngày nay tồn tại một nhà máy đường, một công ty đường nổi tiếng cả nước. Sản phẩm tất nhiên là đường và các sản phẩm sau đường. Hằng năm, họ đều đặn đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh nhà, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Có thể nói đó cũng là điều đáng tự hào. Nhưng mà ngẫm lại, không phải không có những trớ trêu. Ngày nay, đất nước đã vươn mình mạnh mẽ, ngành mía đường nước ta và Quảng Ngãi nói riêng, với năng lực sản xuất dồi dào, kỹ thuật hiện đại độc đáo lại chẳng thể lên tàu ra nước ngoài như tiền nhân đã từng trong gian khó. Thậm chí, lại bị cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm đường ngoại quốc trên chính quê hương mình?
Trăn trở của các nhà nghiên cứu, cũng là trăn trở của nhiều người Quảng Ngãi, trong đó có cả chúng tôi, vì nó mang nhiều câu hỏi mà khó có câu trả lời thấu đáo. Cái giá trị của truyền thống vẫn lừng lững thách thức tất cả mọi quy luật và đôi lúc vẫn chiến thắng những giá trị hiện đại mà con người hôm nay đang tôn sùng. Đường phổi, rồi đường phèn, đó là kết tinh từ những giọt mật của cây mía; là kết tinh của truyền thống, của gian khó, như cốt cách của người Quảng Ngãi.
Hồng Khánh - Nhật Thảo