(Báo Quảng Ngãi)- Ngày trước, mỗi tên xóm, tên làng ở xã Đức Lân (Mộ Đức) đều gắn với tự nhiên, phong thổ hoặc một điển tích xã hội như xóm Da, xóm Ao, xóm Gò Cầy, xóm Chùa, xóm Dinh, xóm Mít... Đó không chỉ là nguồn cội, mà còn ghi dấu những biến thiên của vùng đất này.
[links()]
Tên xóm gắn liền với tự nhiên
Địa hình xã Đức Lân vốn đa dạng, có đồng bằng, đồi núi, sông ngòi. Trong xã có nhiều đồi núi nhỏ và rừng, cấm. Sát chân núi Lớn là núi Đất, rồi đến đồi Bà Kỷ, núi Thụ, Cấm Bé, Cấm Đình và rừng Tràm - cấm Đá Bạc, chia cắt địa bàn xã ra làm nhiều vùng cách trở. Tuy nhiên, địa hình tự nhiên đã giúp cân bằng sinh thái, đảm bảo nguồn nước ngầm ao mạch, giếng khơi cho người dân sinh hoạt và trồng trọt. Trên địa bàn xã còn có hai suối khoáng nóng ở thôn Thạch Trụ Tây và thôn Tú Sơn 2. Ngày xưa, người dân coi đây là nước thần cho nên thường tới lui cúng bái, tắm và lấy nước chữa bệnh.
Xóm Mít nay được đổi thành KDC số 24 ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức). Ảnh: Trung Ân |
Ngày nay, để thuận tiện hơn trong việc quản lý hành chính, tên xóm, tên làng được thay đổi bằng tên mới và được “số hoá” thành khu dân cư (KDC) số 1, 2, 3... Như xóm Cá đổi thành KDC số 2, xóm Mít nay là KDC số 24, xóm Dinh đổi tên là KDC số 21...
Theo các bậc cao niên nơi đây, dẫu tên xóm, tên làng đã được thay đổi, nhưng những cái tên cũ do cha ông đặt biểu đạt tình cảm sâu sắc, luôn tồn tại trong ký ức của nhiều người.
Giữ gìn nếp quê
Ông Nguyễn Văn Ba (56 tuổi), ở thôn Thạch Trụ Đông chia sẻ: Hầu như xóm, làng nào cũng có một lối sống riêng, một bản sắc riêng. Chính vì sự riêng biệt đó đã hình thành nên những tính cách chân phương, mộc mạc của người dân ở mỗi một vùng đất. Và tên làng thể hiện niềm tự hào về đặc điểm đất đai, tự nhiên vốn có từ bao đời.
Miếu Đá Bạc thuộc xóm Dinh, nay là KDC số 21 ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức). Ảnh: Trung Ân |
Xóm Dinh, nay là KDC số 21, thuộc thôn Thạch Trụ Đông có miếu Đá Bạc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, nên tất cả đình làng, miếu mạo đều bị phá bỏ. Nay chỉ còn lại tên gọi gắn liền với nền đất hoặc thay vào đó một công trình kiến trúc khác. “Hằng năm, vào dịp thanh minh, người dân trong làng tập trung về miếu để cúng tế dâng lễ tạ ơn núi rừng, cúng bái tiền hiền nhằm ghi ơn người khai hoang lập đất và dặn dò con cháu việc giữ đất, giữ rừng cũng là một cách tri ân tổ tiên”, ông Ba cho biết thêm.
Tên làng thân thương, gắn bó đến nỗi những người phải sống ly hương, mưu sinh khắp nơi hàng mấy chục năm cũng không thể nào quên và cả những người đang sống trong làng vẫn thấy nhớ. Dẫu theo thời gian những di tích, vật thể có thể không còn, nhưng những tên xóm, tên làng vẫn lưu giữ mãi trong lòng mỗi người dân, thể hiện một phần nguồn gốc và phong thổ nơi đây.
TRUNG ÂN