(Báo Quảng Ngãi)- Bữa nọ, tôi cùng mẹ về quê ăn giỗ, bác Hai lôi trong chiếc chạn nhỏ ở góc bếp ra bịch bánh tráng. Người Quảng Ngãi chuộng bánh tráng là chuyện thường thấy, nhưng những chiếc bánh tráng này đặc biệt hơn một chút. Đó là bánh tráng cá cơm.
[links()]
Món bánh tráng được phủ kín cá cơm đã ngắt đầu, lọc sạch xương, có thể nướng hoặc cắt nhỏ chiên cùng dầu ăn. “Làm để dành cho mấy ông chồng lai rai với nhau, ngon lắm”, bác Hai gái nói với tôi.
Bánh tráng cá cơm. Ảnh: V.YẾN |
Mẻ cá cơm tươi đem về được chia 2 cỡ lớn nhỏ. Cá loại lớn sẽ được xẻ lưng, rút xương từng con một. Khâu này đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, nếu không cá sẽ nát. Loại cá nhỏ hơn được để nguyên con, chỉ bỏ đầu, bỏ ruột. Sau đó rửa sạch, hong cho ráo nước. Không hề dùng chất bảo quản, phẩm màu, bác Hai gái chỉ giã đường, bột ngọt, ớt, hành tím băm nhỏ cho vừa rồi trộn đều với cá cơm, ướp khoảng nửa tiếng.
Sau đó, bác dùng loại bánh tráng gạo có độ mỏng vừa phải, rồi cẩn thận xếp cá cơm lên kín mặt bánh và xếp lên giàn để phơi nắng. Khi phơi xong, cá dính vào với bánh tráng, người làm chỉ việc xếp vào rổ, rồi để nơi khô ráo, khi nào ăn thì chế biến. Với cái nắng của vùng biển, khoảng tầm 3 - 5 ngày là có thể đóng túi kín và sử dụng dần. Thông thường, cứ 1 ký cá cơm làm được khoảng 7 - 10 cái bánh tráng cá cơm, tùy kích thước của cá. “Nếu mình tiết kiệm, xếp cá mỏng thì sẽ không ngon. Tuy bánh tráng mỏng, nhưng cá nhiều thì bánh mới béo, giòn được”, bác Hai chia sẻ.
Khác với loại cá cơm khô, phải chế biến cầu kỳ. Với món này, chỉ việc chiên hoặc nướng vài phút là có ngay đĩa bánh tráng giòn rụm, ăn mằn mặn, ngọt ngọt, dai dai. Món này dùng để ăn cơm, hoặc làm mồi nhậu đều ngon. Những con cá vàng giòn trên những chiếc bánh tráng, chỉ cần một miếng bánh chấm với tương ớt, đã đủ xuýt xoa trước sự hòa quyện giữa cái giòn giòn của bánh tráng và cái mặn mòi, nhưng đậm hương vị của cá cơm.
“Bánh này tìm mua cũng không có đâu, dưới này mỗi nhà đều làm cả, nhưng chỉ làm vài cái để dành cho mấy ông đàn ông làm mồi nhậu, hay cho lũ trẻ con đi học về ăn lót dạ. Cho các cháu vài chiếc, ăn để nhớ quê rồi lần tới còn về”, bác Hai cười hiền bảo.
V.YẾN