Nhớ xưa trên bến dưới thuyền...

09:02, 24/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thuở xưa, khi đường bộ chưa đóng vai trò huyết mạch giao thông, thì những dòng sông cùng phụ lưu của chúng đã tạo nên mạng lưới giao thông ngang dọc, nối liền miền xuôi với miền ngược. Thuyền ngược xuôi chở hàng hóa trên sông rồi ghé vào các bến, các chợ ven sông bán buôn tấp nập nên khi dần dà “vắng người sang những chuyến đò”,  khung cảnh “trên bến dưới thuyền” năm nào khiến bao người đau đáu, nhớ thương...
[links()]
Một thời tấp nập sớm khuya
 
Theo ghi chép trong sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, một thời giao thương bằng đường sông phát triển, nên nghề buôn thuyền tại Quảng Ngãi diễn ra khá sầm uất, nhộn nhịp và từng là một trong các nghề buôn chính ở tỉnh ta. 
 
Dẫu những chuyến đò dọc, đò ngang sông Trà dần thưa vắng, nhưng bến đò An Đạo vẫn là nơi mà thuyền ghe về cắm sào “đứng đợi” sau những giờ tròng trành sông nước.  Ảnh: Ý THU
Dẫu những chuyến đò dọc, đò ngang sông Trà dần thưa vắng, nhưng bến đò An Đạo vẫn là nơi mà thuyền ghe về cắm sào “đứng đợi” sau những giờ tròng trành sông nước. Ảnh: Ý THU
Buôn thuyền là buôn từ biển chí nguồn. Những chiếc ghe chở hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược cứ thế ngược xuôi trên sông quanh năm, chỉ trừ những ngày mưa to hoặc lũ lụt thì tàu mới gối bãi, nằm bờ. Trên đường sông vạn dặm ấy, những sản vật miền biển, chủ yếu là cá sẽ được thương hồ phơi khô hoặc hấp để có thể bảo quản được lâu, cho đến khi lên được vùng cao, dùng đổi lấy các thổ sản như quế, trầu, củi, chè rồi đưa lên ghe chở về xuôi.
 
Ở phía bắc tỉnh - nơi có dòng sông Trà Bồng khởi nguồn từ Trà Hiệp chảy theo hướng đông qua các xã của huyện Trà Bồng, Bình Sơn rồi đổ ra Biển Đông tại vũng Quýt (vịnh Dung Quất ngày nay); người dân ở các làng chài xưa nằm hai bên cửa Sa Cần (nay thuộc các xã Bình Thạnh, Bình Thuận, Bình Đông của huyện Bình Sơn) đã dựa vào “thế núi, hình sông”, tận dụng dòng sông này làm trục buôn bán chính giữa miền xuôi và miền ngược.
 
Trên chặng đường sông dài đằng đẵng từ cửa Sa Cần lên đến thượng nguồn Trà Bồng, thương hồ ngày ấy thường dừng chân tại hai chợ chính ngay bến sông là chợ Châu Ổ và chợ Thạch An (Bình Mỹ ngày nay). Nằm ngay bến sông cửa ngõ, đón các sản vật từ đầu nguồn Trà Bồng xuống, đặc biệt là quế, trầu nên chợ Thạch An còn có tên gọi khác là chợ Trầu.
 
Mô tả về hoạt động mua bán “trên bến dưới thuyền” sầm uất tại đây, vào thế kỷ XIX, tú tài Đinh Duy Tự từng viết rằng: “Trầu nguồn đổ xuống gùi gùi nặng/ Cá biển chèo lên cả cả khoang/ Củi khô Thạch Nội ra đầy đống/ Chè lá Trà Bồng kín đường quan/ Tết nọ củi chìm đò ghé chợ/ Sang rằm ếm chặt ngã tư, năm/ Chật chội măng tre vòi uốn lật/ Nghiên bình chén dĩa bộng nghênh ngang”...
 
Trên sông Trà Khúc, tuyến đường sông từ Cửa Đại và Thu Xà - Tam Thương lên nguồn đóng vai trò khá quan trọng trong giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa vùng đồng bằng Sơn Tịnh, TP.Quảng Ngãi với vùng núi Sơn Hà, Trà Bồng. Trên mỗi chặng đường sông nước là các bến sông, nơi các thương hồ có thể dừng nghỉ hoặc trao đổi hàng hóa.
 
Theo lời kể lại của các bậc cao niên sống tại Tịnh Hà (Sơn Tịnh), ngày trước sông Trà Khúc có rất nhiều bến sông, nhưng sầm uất hơn cả vẫn là Hà Nhai. Chiều về, bến Hà Nhai lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui “đón” những chuyến đò ngang đưa người làm ruộng mía, ruộng dâu từ Xuân Phổ (Nghĩa Kỳ) qua sông về bờ bắc. Những chuyến đò dọc của thương hồ chở thổ sản từ Sơn Hà về xuôi cũng ghé vào đây mua thêm nông sản; những người buôn nguồn, buôn gánh từ chợ Đình (Tịnh Bình), chợ Than (Tịnh Hiệp)... cũng  tề tựu về đây chờ ghe về hạ lưu.  
 
Ở phía nam tỉnh, người dân ở đôi bờ sông Thoa, sông Vệ cũng biết tận dụng địa thế “nhất cận thị, nhị cận giang” để giong thuyền lên thượng nguồn mua bán, trao đổi hàng hóa. Qua bao mùa nắng mưa, những chiếc ghe chở theo hàng hóa (chủ yếu là cá, mắm và muối) xuất bến từ  cửa biển Mỹ Á (Đức Phổ) ngược lên tận đập Bến Thóc (Mộ Đức) - nơi sông Thoa giáp nối sông Vệ.
 
Rồi từ sông Vệ, có thể lên thượng nguồn Ba Tơ, hoặc đi ngược xuống cửa Cổ Lũy để ra biển. Trên sông, người ta thường dùng ghe chèo, ghe buồm. Còn khi phải chuyển vật liệu cồng kềnh như tre, nứa, củi... từ nguồn xuống, người xưa thường kết bè xuôi sông về xuôi. Cảnh bán buôn tấp nập trên sông Vệ từng được người Mộ Đức đưa vào ca dao: “Đò đưa sông Vệ nghênh ngang/ Bạn hàng nô nức sao chàng ngồi đây?”. 
 
Mãi chảy tràn trong ký ức
 
Từng là những dòng sông tấp nập thuyền ghe xuôi ngược. Từng là những bến chợ nhấp nhô nón lá, đông đúc người bán mua. Ấy thế rồi, khi giao thông đường bộ phát triển muôn nơi cũng là lúc những con đò chở người, chở hàng ngược xuôi dần thưa, rồi vắng hẳn. Song, dẫu khách thương hồ không còn ghé qua, thì những bến sông, những khu chợ, những địa danh từng gắn liền với một thời “sông nước” vẫn cứ lặng lẽ tồn tại qua tháng rộng năm dài. 
 
Trầu nguồn vẫn là sản vật được bày bán nhiều tại chợ Thạch An, dù rằng chợ đã không còn sầm uất “trên bến dưới thuyền” như ngày xưa.     Ảnh: Ý THU
Trầu nguồn vẫn là sản vật được bày bán nhiều tại chợ Thạch An, dù rằng chợ đã không còn sầm uất “trên bến dưới thuyền” như ngày xưa. Ảnh: Ý THU

 

Chẳng thế mà, dẫu những quán cơm bên bờ bắc sông Trà Khúc -  nơi từng lưu dấu chân của bao lượt khách thương hồ ghé lại nghỉ ngơi, ăn uống, trao đổi hàng hóa, từ lâu đã không còn nữa; nhưng về sau, dân gian vẫn lấy tên “đầu cầu Quán Cơm” để định danh cho cầu Trà Khúc - chiếc cầu được xây dựng tại vị trí bến sông có hàng quán bán cơm ngày xưa. Rồi dẫu trải qua gần trăm năm dâu bể kể từ ngày bến đò Giắt Dây tại sông Băng - một nhánh của sông Thoa, chảy qua làng Thi Phổ (nay là xã Đức Tân, huyện Mộ Đức) ngưng hoạt động. Song ngôi làng ngay cạnh bến đò đến nay vẫn được người làng gọi tên là “xóm Đò”. Xứ đồng nằm ngay bên cạnh bến đò, vẫn mang tên gọi là “xứ đồng Đầu Đò”... 

Ngược dòng Trà Bồng tìm về chợ Thạch An - ngôi chợ từng được mệnh danh là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược trên sông Trà Bồng. Ngày nay, ghe thuyền thưa vắng, nhưng tại bến sông ngay đầu chợ, vẫn còn đó một chiếc đò ngang neo ở đó từ sáng sớm đến tận trưa để chờ những bà, những mẹ sang sông.
 
Người lái đò tên Trần Hiếu (60 tuổi), quê ở xã Bình Minh (Bình Sơn), hỏi ra mới biết, cha ông là một thương hồ có tiếng, quê ở một làng chài dưới tận cửa Sa Cần. Trong những lần chèo ghe mang cá từ Bình Đông lên nguồn bán, ông đã phải lòng một cô gái quê ở Bình Minh rồi nên duyên vợ chồng từ đấy. “Sợ má dân nông không quen làm biển, nên ba tôi theo má lên đây. Từ khách thương hồ chèo thuyền dọc sông, ba tôi chuyển sang làm người lái đò ngang chở khách. Rồi khi tuổi già, sức yếu, ông lại tiếp tục truyền lại nghề cho tôi”, ông Hiếu say sưa kể.
 
Bến sông Thạch An và nhiều bến sông khác nữa, giờ đã “vắng người sang những chuyến đò”. Dẫu vậy, chuyện sông, chuyện đời vẫn đong đầy trong ký ức của những người từng gắn bó đời mình cùng sông nước quê hương...
 
Ý THU
 

 


.