(Báo Quảng Ngãi)- Don Quảng Ngãi là món ẩm thực độc đáo của miền quê sông nước núi Ấn - sông Trà đã đi vào thơ ca, sử sách. Trong bát don là chút hồn quê để người ở gần yêu thích, người đi xa chẳng hề quên khi nhớ thương, trông về quê nhà, người thân. Chuyện trò với những người sống lâu năm ở TP.Quảng Ngãi, tôi hiểu thêm một điều: Tô don đã góp phần làm nên hương vị của xứ Quảng.
[links()]
Non nửa thế kỷ trước, người ta thưởng thức tô don vào buổi sáng, là món điểm tâm cho ấm bụng trước khi đi học, đi làm. Còn bây giờ, ở TP.Quảng Ngãi người ta có thể thưởng thức món don cả ngày. Món don cũng có mặt ở hầu khắp các thị trấn, thị tứ trong tỉnh, thậm chí còn lên tận vùng cao cũng có thể thưởng thức món don.
Món don được thực khách ưa chuộng nên cụ Nguyễn Thị Bích Mai luôn chuẩn bị sẵn nguyên liệu. |
Bà Nguyễn Thị Bích Mai (80 tuổi), quê ở xã Nghĩa Hà, nơi người dân sinh sống bằng nghề sông nước, hiện là chủ quán don Cổ Lũy, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi), nhớ lại: Hồi đó, cứ sớm tinh mơ từ bến Hiền Lương, thiếu nữ trong làng mua don về nấu, rồi gánh lên thị xã để bán. Mỗi tốp thường 8 - 10 cô gái, người mẹ, người chị trong bộ quần áo bà ba, đầu đội nón lá gánh don, một đầu là chiếc uôi, một đầu là chồng bánh tráng; người thì đi trên đường Trần Hưng Đạo, đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Nghiêm) để bán don. Có người còn quảy thêm chiếc ghế xếp nhỏ để cho người ăn don ngồi. Họ quảy đi trong phố với những bước đi thật nhẹ nhàng và luôn miệng “Ai... don...!”.
Muốn món don ngon người chế biến cần phải tỉ mẫn từng công đoạn nấu, đãi, gia vị... |
Ăn hàng nhiều năm, có cảm giác thực khách và người bán don quen vị, quen giờ. Cứ sáng sớm, chừng độ canh giờ ấy là cô bán don đi ngang nhà mình, nên khách chờ sẵn. Còn người bán don lâu năm, nên quen mặt thực khách.
Bà Mai chia sẻ: “Ngày đó ai cũng thuộc câu ca dao địa phương: “Nghèo nghèo, nợ nợ. Cũng ráng cưới con vợ bán don/ Mai sau nó chết cũng còn cặp uôi”. Bởi, ai bán don cũng có cuộc sống khấm khá”.
Người bán don, xe ngựa chạy trên phố, một thời làm nên dấu ấn của thị xã tỉnh lỵ xưa. Đọng lại trong ký ức của nhiều người, nên người xứ Quảng xa quê đều nhớ về món don và ca tụng chẳng khác nào những món ngon như phở, bánh khảo, kẹo lạc mà nhà văn Thạch Lam viết trong Hà Nội 36 phố phường.
Đất nước thống nhất, thị xã Quảng Ngãi trở mình thành đô thị loại III, rồi lên thành phố. Những chiếc cầu bắc qua sông Trà Khúc ngày càng nhiều. Đô thị mở rộng xuống tận cửa biển Sa Kỳ, dòng sông Trà xưa nằm ven giờ nằm giữa lòng thành phố. Những người làm nghề nhũi don xưa ở huyện Tư Nghĩa giờ cũng đã là người thành phố. Những cô gái mặc áo bà ba, đầu đội nón, gánh don bằng chiếc đòn gánh xưa giờ không còn nữa, mà thay vào đó bằng những quán don ở phố.
Bây giờ, những người sành ăn và muốn ăn don đúng vị, họ sẽ về các xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hà hay xuống Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) để thưởng thức. Thế nhưng, cũng con don nấu thành nước trắng đục ấy, nhưng nhiều người cho rằng don nấu bây giờ không ngon bằng thời don đựng trong uôi đất. Không chỉ nói chuyện dở ngon, nhiều người còn nhắc đến những cô bán don mặc áo bà ba với gánh don mềm mại. Hóa ra ngày xưa người ta thưởng thức don không chỉ là hương vị mà hơn thế nữa, món don đã nâng thành một nét đẹp văn hóa ẩm thực của xứ Quảng.
Món don từ lâu đã trở thành văn hoá ẩm thực của miền đất Ấn - Trà. Ảnh: Ánh Nguyệt |
Ngày nay, nhiều người hấp don trong nồi đưa vào đông lạnh rồi gửi theo những chuyến xe khách chuyển vào tận TP.Hồ Chí Minh hoặc đem lên các huyện miền núi của Quảng Ngãi để bán. Món don cô đặc ấy cũng có hương vị của xứ Quảng, nhưng thực tế không ngon bằng món don ở quê nhà.
TRẦN ÁNH NGUYỆT