Về thăm địa đạo Hiệp Phổ Nam

02:09, 13/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đã 55 năm trôi qua, nhưng trong lòng nhân dân xã Hành Trung (Nghĩa Hành) vẫn luôn nhớ về địa đạo Hiệp Phổ Nam. Đây là nơi đã che chở, bảo vệ cán bộ, nhân dân trong cuộc chiến không cân sức với quân Mỹ ngụy diễn ra ngày 3.8.1965.
Những ngày tháng 9 lịch sử này, chúng tôi về thăm địa đạo Hiệp Phổ Nam để hiểu hơn cuộc chiến đấu ngoan cường, tinh thần bất khuất của quân và dân ta.
 
Cuộc chiến đấu kiên cường
 
Từ trung tâm TP.Quảng Ngãi, theo Tỉnh lộ 624 đến nút giao thông vòng xoay ở trung tâm thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), rẽ trái theo Tỉnh lộ 628 về hướng đông, đến ngã tư Bà Viện rẽ trái theo hướng tây bắc, đi thêm 500m là đến di tích địa đạo Hiệp Phổ Nam. 
Bia tưởng niệm, khắc tên những người bị quân Mỹ ngụy giết hại ở địa đạo Hiệp Phổ Nam.               Ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
Bia tưởng niệm, khắc tên những người bị quân Mỹ ngụy giết hại ở địa đạo Hiệp Phổ Nam. Ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
Tại đây chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Chí, là Trung đội trưởng đội du kích tham gia trận đánh địch tại địa đạo Hiệp Phổ Nam ngày 3.8.1965. Đã gần 80 tuổi, ông Chí vẫn rành mạch kể cho chúng tôi những câu chuyện mà ông cùng đồng đội, nhân dân xã Hành Trung đã trải qua ở địa đạo này ngày ấy.
 
Trong làn khói hương, ông Chí nhìn lên tấm bia khắc tên những người đã hy sinh trong cuộc càn quét của địch ngày 3.8.1965, rồi bồi hồi kể: "Tinh thần cách mạng của nhân dân Hành Trung rất cao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng bộ tỉnh, huyện, lực lượng du kích vận động nhân dân địa phương đào địa đạo. Vị trí địa đạo nằm ở vùng đất cao và được lũy tre làng che chắn. Chúng tôi tranh thủ đào vào ban đêm. Ngày đó tuy vất vả, dụng cụ đào rất thô sơ như cuốc vố, rựa bờ, nhưng tinh thần nhân dân rất khí thế".
 
Sau hơn 2 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7.1965), địa đạo Hiệp Phổ Nam hoàn thành với chiều dài 165m, rộng 2m, sâu 3m. Bên trong có nhiều ngách và cứ mỗi quãng có một lỗ thông hơi giữa những rặng tre, là nơi để nhân dân trong thôn trú ẩn bom, đạn, vừa là “căn cứ địa” của lực lượng du kích, bộ đội địa phương và đội công tác huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa.
 
Do chỉ cách trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành 3km, nên địa đạo Hiệp Phổ Nam trở thành cái gai trong mắt địch. Thế nên, mờ sáng ngày 3.8.1965 địch mở cuộc hành quân càn quét, với quy mô lớn theo 3 hướng nhắm vào xã Hành Trung. Liên đoàn thủy quân lục chiến từ sông Vệ, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) đánh lên; Tiểu đoàn Cộng hòa từ xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) đánh vào; từ quận lỵ Nghĩa Hành đánh xuống có đại đội bảo an, dân vệ, biệt kích, thám báo cùng đoàn cảnh sát, với sự yểm trợ của pháo binh, 18 máy bay, 5 xe bọc thép chia làm ba cánh quân càn vào.
 
Trước sự tấn công của địch, lực lượng du kích đã bố trí chặn đánh từ sáng sớm đến 12 giờ trưa, tiêu diệt 25 tên và làm bị thương một số khác. Tuy nhiên, do chênh lệch về phương tiện chiến đấu, lực lượng du kích hết đạn, đã cùng đồng bào lui vào địa đạo trú ẩn. Quân địch đã dùng chất độc phun xuống giết hại chiến sĩ, đồng bào ẩn nấp trong địa đạo. “Chất độc hóa học rất nồng. Chúng tôi phải dùng nước tiểu thấm ướt áo để bịt mũi. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, địch rút. Có 91 người trong địa đạo vĩnh viễn nằm xuống, chỉ còn tôi cùng 6 người sống sót”, ông Chí nhớ lại.
 
Địa chỉ đỏ về tinh thần yêu nước
 
Địa đạo Hiệp Phổ Nam như ngôi mộ tập thể của hàng chục du kích và đồng bào bị Mỹ ngụy sát hại. Sau vụ thảm sát, đến nay đã tìm được hài cốt, xác định danh tính của 70 người. Trong số này có 58 người được công nhận liệt sĩ, 21 người vẫn còn nằm trong lòng địa đạo, chưa tìm được thi thể. 
Nhà trưng bày hiện vật ở địa đạo Hiệp Phổ Nam.         Ảnh: Đ SƯƠNG
Nhà trưng bày hiện vật ở địa đạo Hiệp Phổ Nam. Ảnh: Đ SƯƠNG
Bí thư Xã đoàn Hành Trung Võ Văn Lộc cho biết: Cuộc chiến khốc liệt diễn ra ngày 3.8.1965 tại địa đạo Hiệp Phổ Nam đã lùi xa. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ nhắc nhở thế hệ trẻ về tinh thần kiên trung, bất khuất, bám trụ bảo vệ quê hương của quân và dân ta. Để phát huy giá trị di tích, UBND xã Hành Trung đã thành lập ban quản lý và phân công nhiệm vụ quản lý, chăm sóc để di tích trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu.
 
“Hằng năm, vào các dịp Tết, ngày kỷ niệm, đoàn thanh niên các trường học ở nhiều địa phương đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu về địa đạo. Những chuyến đi về nguồn, đến địa đạo Hiệp Phổ Nam đã truyền lửa, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc, tinh thần anh dũng, kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước của quân và dân ta. Qua đó, giáo dục các em sống có trách nhiệm, cống hiến công sức xây dựng quê hương trong thời bình”, anh Lộc chia sẻ.
Công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh
 
Năm 2012, để tưởng nhớ sự hy sinh của quân và dân ta, di tích địa đạo Hiệp Phổ Nam được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 786m², với các hạng mục nhà trưng bày, nhà bia tưởng niệm, sân vườn, đường nội bộ, tường rào, cổng ngõ... Tổng kinh phí xây dựng 1,2 tỷ đồng. Vào tháng 7 vừa qua, địa đạo Hiệp Phổ Nam được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
 
ĐĂNG SƯƠNG
 
 

.