Trăm năm văn miếu còn đây

10:09, 25/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong khuôn viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng hiện có một văn miếu, đó là miếu Chương Nghĩa. Đây là văn miếu thuộc hàng hiếm hoi trên đất Quảng Ngãi, bởi vẫn còn vẹn nguyên hình dạng vốn được xây dựng từ cách đây gần hai thế kỷ.
Gắn kết xưa và nay 
 
Như có một sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại khi văn miếu Chương Nghĩa hiện hữu ngay trong khuôn viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng thuộc tổ dân phố 6, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi). Điều này như để khẳng định một lẽ, sự học vẫn luôn được đề cao và càng thêm quý khi xưa và nay đều chọn “đây là đất văn vậy”.  
Văn miếu Chương Nghĩa.
Văn miếu Chương Nghĩa.
Miếu Chương Nghĩa ở phía sau khuôn viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Bức tường bê tông ở cạnh văn miếu có một cổng nhỏ. Cụ ông Lê Luận (83 tuổi), nhà ở gần đó là người giữ chìa khóa để hằng ngày đến miếu thắp hương. Cụ Luận bảo rằng: “Ông bà xưa gọi đây là miếu Tư Văn. Tôi lau dọn, trông coi hương khói tại văn miếu để bày tỏ lòng thành, mong người xưa phù hộ cho gia đình, dòng họ và quê hương, đặc biệt là sự học phát triển vốn rất được coi trọng ở vùng đất này”.
 
Ngày xưa, TP.Quảng Ngãi nằm trong địa bàn huyện Chương Nghĩa. Văn miếu Chương Nghĩa thuộc hàng huyện, lẽ ra phải được gọi là văn từ hay văn chỉ theo cách phân định của người xưa. Văn miếu là dùng để chỉ miếu hàng tỉnh do Nhà nước xây dựng. Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư lý giải: Có lẽ thời bấy giờ ở huyện Chương Nghĩa nền học vấn, khoa cử rất thịnh đạt, miếu được xây dựng khá đàng hoàng, nên được gọi là văn miếu.
“Vào cái thời Nho học độc tôn, người ta dựng văn miếu để thờ Đức Khổng tử và các bậc thánh hiền, đồng thời cũng là nơi tôn vinh sự học của một vùng đất. Sách Đại Nam nhất thống chí có viết, ở tỉnh Quảng Ngãi văn miếu hàng tỉnh nằm ở xã Phú Nhơn, huyện Bình Sơn (nay thuộc phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi), ở huyện có văn miếu huyện Chương Nghĩa, văn miếu huyện Mộ Đức, ở tổng thì có văn từ hai tổng huyện Bình Sơn, văn từ tổng Ca Đức (huyện Mộ Đức)”.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa CAO CHƯ
Nguyên vẹn kiến trúc xưa
 
Cổng văn miếu Chương Nghĩa có đắp nổi dòng chữ Hán: “Văn kỳ tại tư”, dịch nghĩa “đây có thể là đất văn vậy”. Trong miếu có một am thờ, dựng tấm bia khắc chữ Hán. Mặt trước bia có bốn chữ: “Văn kỳ tại tư” và ghi rõ niên đại dựng bia là ngày tốt, tháng năm, năm Thành Thái thứ 9, các bậc văn nhân ở huyện Chương Nghĩa kính khắc lại. Mặt sau bia ghi rõ: Vào thời Tự Đức, những bậc khoa cử đỗ đạt đầu tiên trong huyện kiến lập nên miếu thờ ở đây, sau đó sửa sang lại và thêm bia đá để phụng thờ lâu dài về sau. 
Cụ Lê Luận thắp hương tại văn miếu.               Ảnh: P.Lý
Cụ Lê Luận thắp hương tại văn miếu. Ảnh: P.Lý
Qua tìm hiểu thì được biết, người đứng ra xây dựng miếu trên cơ sở ngôi miếu đã có từ thời vua Tự Đức là ông Trần Thế Nghiệp. Ông Trần Thế Nghiệp thi đỗ tú tài. Thân phụ của ông Trần Thế Nghiệp là cụ Trần Giảng, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão năm 1867. Miếu được tạo lập để tôn vinh sự học của vùng đất Chương Nghĩa, khuyến khích con cháu, học trò trong vùng noi gương học tập. 
 
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, văn miếu vẫn giữ được hình dạng như xưa, chỉ khác là bề ngoài bong tróc do nắng mưa nên người nhà họ Trần và nhân dân đã trùng tu, quét vôi lại. Cụ Lê Luận cho hay: Trước đây hằng năm cứ đến rằm tháng bảy âm lịch tại miếu Chương Nghĩa diễn lễ tế rất trang nghiêm, tiếc là giờ đây không còn được duy trì. Còn chăng là đến tết Nguyên đán, dựng cờ phướn tại văn miếu.
 
Có lẽ nhiều người hiện vẫn chưa biết có một văn miếu lâu đời ngay trong khuôn viên một trường đại học của tỉnh. Văn miếu Chương Nghĩa không chỉ có giá trị về mặt tâm linh, kiến trúc cổ xưa, mà còn đề cao sự học vốn rất đáng quý dù trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào. Một điều đặc biệt như đã nói, ở đây như thể có một sự kết nối xưa và nay khi ở cùng một vị trí vốn là mảnh đất truyền lửa để kế tục, phát triển nền học vấn. Vì lẽ đó, di tích văn miếu Chương Nghĩa cần được phát huy giá trị, là một điểm đến để giáo dục ý thức học tập trong các thế hệ học sinh, sinh viên và trao truyền giá trị văn hóa qua các thế hệ.
 
Phương Lý
 
 

.