Nhớ về dầu phụng, dầu dừa

10:09, 14/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dầu phụng, dầu dừa cho đến nay người dân ta vẫn còn sản xuất và sử dụng, song việc sử dụng dầu phụng, dầu dừa xưa kia có khác.
 
Ở Quảng Ngãi, dầu phụng phổ thông hơn dầu dừa, là bởi lẽ cây đậu phụng được trồng nhiều hơn. Ngày nay, có rất nhiều loại dầu ăn sản xuất theo lối công nghiệp, nhưng dầu phụng ép theo kiểu thủ công cổ truyền vẫn được ưa chuộng trong việc chế biến thức ăn, vì dầu phụng thơm đậm đà.
 
Người xưa còn dùng dầu phụng để thắp sáng. Thời Pháp thuộc, những chiếc đèn “Huê Kỳ” đã khá phổ biến, thắp dầu hỏa do người Pháp bán, nhưng việc dùng đèn dầu phụng còn phổ biến hơn trong dân chúng. Ngoài Bắc cũng vậy và gọi là “dầu lạc” (lạc là cách gọi ngoài Bắc về cây đậu phụng). Người ta gọi là “đĩa đèn dầu lạc” tức là việc thắp sáng đèn dầu lạc khác với cách thắp sáng đèn Huê Kỳ (dầu hỏa). 
 
Đơn giản là người ta đổ dầu phụng vào cái đĩa, cắt mấy miếng vải nhỏ làm bấc đèn (mấy bấc tùy ý), đặt các bấc ấy từ giữa đĩa nhô đầu lên thành đĩa là thành đèn và thắp sáng được. Cách thắp ấy nếu áp dụng cho dầu hỏa sẽ rất nguy hiểm: dầu hỏa nhẹm lửa hơn dầu phụng, nếu để dầu tràn trên đĩa lửa sẽ cháy toàn mặt đĩa, gây hỏa hoạn. Dầu phụng ít nhẹm lửa hơn nhiều, nên khi bấc đèn cháy sáng, khói đục, ánh sáng yếu ớt.  
Máy ép dầu phụng.  ẢNH: CAO CHƯ
Máy ép dầu phụng. ẢNH: CAO CHƯ
Thế nhưng, trước khi thực dân Pháp cai trị nước ta, người xưa không có thứ nào khác là phải thắp đèn dầu phụng. Ở miệt nguồn còn có loại mủ cây chay cũng có thể thắp sáng, nếu mua về dùng cũng tốt, nhưng lượng ánh sáng cũng yếu ớt. Dầu phụng cũng có khi được phụ nữ thoa lên tóc. Nông dân không phải ai cũng trồng đậu phụng, ép dầu, nên có những người gánh dầu đi bán ở các làng quê.
 
Ngày nay người ta vẫn còn dùng nhiều đậu phụng, nhưng đến mùa đậu phụng xưa có khác. Đậu phụng khi lên xanh tốt che kín đất, thường có cút hoang vào ở. Người ta hay đi hù bắt cút. Đơn giản là người ta giăng lưới ở một đầu mảnh đất, mấy người đi theo hàng ngang theo luống đậu, vừa đi vừa hù, cút sợ chạy đến cuối mảnh đất và mắc lưới.
 
Ở Quảng Ngãi, việc trồng dừa tuy không quá nhiều, nhưng cũng sản xuất dầu dừa, bên cạnh các sản phẩm khác của dừa, như xơ dừa thì đánh thành dây thừng, đan võng, cơm dừa già thì làm mứt dừa, các vật liệu thừa thãi từ dừa thì làm củi đun. Xưa kia, người phụ nữ dùng dầu dừa để vuốt lên tóc, gọi là để nuôi cho tóc tốt. Tôi không rõ dầu dừa giúp tóc khỏe đẹp như thế nào, nhưng quả thực thuở xưa có nhiều chị có mái tóc óng mượt, rất dày, rất đẹp. Ngày nay phụ nữ có rất nhiều loại dầu để chăm sóc mái tóc, nhưng biết đâu đấy, có khi lại không tác dụng bằng các loại dầu thuở xưa.
 
Xưa dầu dừa, dầu phụng là những thứ hết sức gần gũi, thân thiết trong từng nhà. Ở Quảng Ngãi xưa nhiều nơi chân đất cao không cấy lúa được, thì người ta trồng đậu phụng. Như xứ đồng Tú Sơn trồng nhiều lúa trì trì chịu hạn và trồng nhiều đậu phụng, ép dầu. Nên ca dao xưa có câu: "Con gái Tú Sơn đầu trơn như mỡ/ Gạo trì trì nứt nở như ươi!".
 
Chính là phản ánh thực tế đó. Một câu ca dao cũng phản ánh vùng Đồng Huân (thuộc xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành ngày nay) là nơi trồng nhiều đậu phụng: "Củ lang Đồng Ngổ/ Đỗ phụng Đồng Huân/ Chàng bòn thiếp mót/ Đổ chung một gùi".
 
Nơi trồng nhiều đậu phụng, trồng nhiều dừa cũng chính là nơi làm dầu phụng, dầu dừa. Có dịp đến đất đồng khởi Bến Tre nhiều dừa, thấy người dân sản xuất ra nhiều lọ dầu dừa để bán, lại nhớ về dầu dừa ở quê.
 
Dù việc sử dụng có thu hẹp hơn, nhưng dầu phụng, dầu dừa gắn với thực phẩm, với đời sống hằng ngày, nên vẫn được sử dụng. Ngày nay người ta còn có loại máy ép dầu phụng, đỡ tốn công sức người ép dầu rất nhiều, đã thấy xuất hiện đây đó ở các làng quê.
 
CAO CHƯ
 
 
 

.