Hoài niệm mía đường

04:09, 20/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vậy là, từ ngày 1.12.2020, Nhà máy Đường Phổ Phong, nhà máy đường duy nhất còn sản xuất... đường ở Quảng Ngãi sẽ ngưng hoạt động. Có thể xem đây là dấu mốc cáo chung cho cả ngành mía đường có truyền thống hàng trăm năm trên đất Quảng Ngãi, và không quá sớm để nói về hoài niệm.
Tôi nhớ những năm 1990 của thế kỷ trước, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu từng viết một bài ký mang tiêu đề “Cây mía có thể là mũi nhọn?” Tôi đùa với ông: Bác khéo nói, ai tài nào mà vót cây mía thành mũi nhọn xem sao. Ông cười cười. Ông còn có bài ký về cây mì, hồi ức về kỹ sư không bằng kỹ mù.
 
Hồi đó Quảng Ngãi vẫn là tỉnh thuần nông nghèo khó, câu hỏi đầu tiên “trồng cây gì, nuôi con gì” được nêu ra, mà thiên hạ mỗi người có một lời đáp không giống nhau, từ đó còn đẻ ra chuyện tiếu lâm nữa. Thôi thì cứ “mía, mì” cũng là tốt. Cho đến khi KCN Dung Quất (sau này là KKT Dung Quất) được xây dựng, thì gần như mọi ánh mắt nhìn về nơi đây để mà hy vọng.
 
Trăm năm mía và đường
 
Không thể rõ từ thời nào cây mía được trồng nhiều trên đất Quảng Ngãi, nhưng ai đọc bộ sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (38 tập lần in đầu, nguyên văn chữ Hán, đã dịch và xuất bản nhiều lần) cũng đều thấy việc trồng mía và làm đường ở Quảng Ngãi đã rất thịnh từ thời các vua đầu triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng). Thời nhà Nguyễn, triều đình định lệ hằng năm mua đường ở Quảng Ngãi với một khối lượng rất lớn, đơn cử như năm 1842 mua đến 110 vạn cân.
 
Mua chi nhiều vậy? Vâng, đưa về triều đình để dùng và còn để tham gia xuất khẩu. Người Trung Quốc vốn rất giỏi nghề buôn, nên họ cũng đã đánh hơi thấy được nguồn lợi từ sản xuất đường ở Quảng Ngãi. Thế là tại Quảng Ngãi, cùng với người Việt sinh tụ tại chỗ, người Minh Hương đã ngược cửa Cổ Lũy lên định cư, hình thành phố Thu Xà. Phố Thu Xà kinh doanh rất nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là đường. 
 
Ông Đinh Minh Bốn, thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) là một trong rất ít các hộ dân còn giữ lấy nghề nấu đường muỗng một thời. Ảnh Thiên Hậu
Ông Đinh Minh Bốn, thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) là một trong rất ít các hộ dân còn giữ lấy nghề nấu đường muỗng một thời. Ảnh Thiên Hậu
Nói về Thu Xà (Thu Sa), sách Đại Nam nhất thống chí (bản tục biên đời vua Thành Thái) có chép: “Phố Thu Sa: Nơi đây nhà cửa trù mật, người Việt, người Tàu tụ hội buôn bán đông đúc giàu có, so với các hạt ở miền Nam, thì phố này kém thua phố Hội An ở Quảng Nam, mà thạnh hơn phố Tân Quan ở Bình Định, cũng gọi là chỗ đô hội vậy”.
 
Tài liệu Quảng Ngãi tỉnh chí, do quan Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác chủ biên, đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1933, có chép: “Xưa nay sự buôn bán rất thịnh lợi là thành phố Thu Xà vì món đại tôn xuất cảng ở Quảng Ngãi là đường, bọn hàng buôn đường là bọn khách trú, mà ở tại Thu Xà phần nhiều là khách trú cả. Thu Xà đã tiện lợi về đường sông, những đường duyên ngạn của sông Trà Khúc và sông Vệ đều có thể vận tải về Thu Xà được, mà muốn chở đường xuất cảng thì cũng phải do đàng Thu Xà chở ra cửa Cổ Lũy” (Nguyễn Bá Trác và NNK, Quảng Ngãi tỉnh chí, Nam Phong tạp chí, 1933. Bản sao đánh máy lưu tại Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi).
 
Như vậy, có thể thấy, đô thị đầu tiên ở Quảng Ngãi, đáng mặt là đô thị, là Thu Xà, đã được hình thành bởi động lực là món hàng mía đường, do người Việt trồng và sản xuất, trong khắp Quảng Ngãi. Có thể nói, Thu Xà là một đô thị cổ với đặc trưng của một trung tâm dân cư và buôn bán. Việc buôn bán của người Việt, người Hoa không chỉ hướng tới việc xuất khẩu đường, cũng không chỉ xuất đường bán ra trong Nam ngoài Bắc, mà còn hướng về thị trường tại chỗ và thị trường nội địa.
 
Tại Thu Xà người ta mở tiệm thuốc Bắc, tiệm tạp hóa. Cũng tại Thu Xà, người ta mở xưởng chế biến đường. Đường được rút mật chế biến để có sản phẩm đường tinh chất, tạo ra các đường đặc sản: đường phèn, đường phổi, kẹo gương, các loại đường này bán ra nhiều nơi khác, còn mật như là thứ phẩm của nó lại bán cho những người quanh vùng mua về làm nguyên liệu tam hợp chất (vôi, cát, mật) để xây nhà, thuở chưa có xi măng. 
 
 Lò đường ông Trịnh Huệ, ở thôn Tiên Đào, xã Bình Trung  (Bình Sơn) đã giúp người dân trong vùng tiêu thụ mía mà nhà máy đường không thu mua.                       Ảnh: THIÊN HẬU
 
Lò đường ông Trịnh Huệ, ở thôn Tiên Đào, xã Bình Trung (Bình Sơn) đã giúp người dân trong vùng tiêu thụ mía mà nhà máy đường không thu mua. Ảnh: THIÊN HẬU
Lò đường ông Trịnh Huệ, ở thôn Tiên Đào, xã Bình Trung (Bình Sơn) đã giúp người dân trong vùng tiêu thụ mía mà nhà máy đường không thu mua. Ảnh: THIÊN HẬU
 
Tất nhiên cũng không chỉ Thu Xà mới xuất đường đi nhiều nơi trong nước, mà các nhà buôn khác cũng có thể tổ chức thu mua đường từ các chòi mía, rồi thuê ghe bầu chở đường ra Bắc, bán ở Nam Định, hay chở vào Nam, Phan Rang, Phan Thiết, Nam kỳ Lục tỉnh.
 
"Nhớ quê hương dâu xanh, mía ngọt"
 
Cho đến trước khi nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu viết bài ký “Cây mía có thể là mũi nhọn?”, thì các đồng mía ở Quảng Ngãi vẫn còn bạt ngàn. Đến khoảng tháng Chạp, người ta dựng các chòi đạp mía ở tại ngay các cánh đồng mía, để ép mía nấu đường. Trong không khí chuẩn bị Tết, làm bánh mứt, lại thêm mùi thơm mật mía phả lên trong khắp các làng quê.
 
Nông dân trồng mía tự tổ chức việc chặt mía, róc mía, lột lá mía, rồi vác từng bó mía về chòi, đưa mía vào che, ép lấy nước, để thợ nấu đổ vào các chảo, nấu lọc thành đường. Từ đó xuất hiện một ca dao Quảng Ngãi cũng trở thành một “đặc sản”: "Nước mía trong cũng thắng thành đường/ Anh thương em thì anh biết chớ thói thường ai hay".
 
Một hương vị mà người làng quê Quảng Ngãi cũng không thể quên đó là nước chè hai. Đi làm đồng mệt và nóng, mà ghé vào chòi ép mía, được người thợ múc cho một bát nước chè hai (nước mía đang sôi), thổi cho hơi nguội uống vào thì sự mệt và nóng như tan biến.
 
Thời chiến tranh, nhưng đồng mía vẫn được trồng nhiều. Mía với thân cây cao và mọc dày, trở thành chỗ ẩn núp khá thuận lợi cho cuộc chiến tranh du kích. Một chuyện kể trong chiến dịch Mậu Thân 1968, một đơn vị quân giải phóng đã ẩn núp ở đồng mía phía tây cầu Bàu Giang để đánh địch mà địch không thể phát hiện ra. Ở phía đông núi Thiên Ấn, đồng mía cũng khiến hai bên đối địch bị khuất mắt, quân lính hai bên cầm súng, nhưng không biết bắn đi đâu, chỉ biết đuổi nhau như chơi trò cút kiếm khi nghe tiếng lá mía lào rào. 
 
Ở quê tôi thời chiến tranh người dân xiêu dạt khắp nơi, có cánh đồng mía Ba Gò bỏ hoang, những bụi mía tự mọc, tự lụi tàn. Tôi nhớ có lần chiều tà đi bộ qua đây, người mệt lả, vào trong đồng bẻ vài cây mía ăn, người liền thấy khỏe lại. Không hẳn do bỏ hoang, giống mía xưa thường có thân nhỏ, nên dân gian hay gọi là “mía sặt”.
 
Thời Pháp thuộc người ta cũng đã đưa giống mía mới to cây về trồng. Thời chính quyền Sài Gòn thì có giống 310 trồng đại trà, mía to, năng suất cao, có giống mía Đài Loan thơm, thường dùng để xước ăn. Lại có giống mía da tím, gọi là mía mưng, đã vào ca dao với lời vừa như ngon ngọt vừa như đe dọa: "Nhà em có bụi mía mưng/ Có con chó dữ anh đừng lại qua!" 
 
Từ đường cát, người ta làm ra đường phèn, đường phổi, kẹo gương.             Ảnh: Cao Chư
Từ đường cát, người ta làm ra đường phèn, đường phổi, kẹo gương. Ảnh: Cao Chư
 
Sau chiến tranh, nghề trồng mía nấu đường thịnh đạt lại, đến mức nơi nào trồng được nhiều mía, làm được nhiều đường là nơi ấy có mức sống khá hơn nơi chỉ trồng lúa. Ở Quảng Ngãi nơi nào cũng có mía, có đường, nhưng người ta nhắc nhiều đến vùng mía xã Bình Trung, phía tây huyện Bình Sơn thì có đường Thạch An, ở Nghĩa Hành thì có mía đường xã Hành Phước, ở Tư Nghĩa thì có đường Nghĩa Trung...
 
Đến những năm 1990 thế kỷ XX, từ đồng bằng cây mía được trồng trên gò đồi thấp ở huyện Sơn Hà. Mía ở đây cũng được trồng bạt ngàn, nhưng khác với đường ở miền xuôi, người Hrê ở đây trồng để cân mía cho Nhà máy Đường Quảng Ngãi.
 
Cần nhớ rằng từ năm 1962, chính quyền Sài Gòn đã hợp tác với Nhật xây dựng nhà máy đường Thu Phổ (ở ngay vị trí Công ty Đường Quảng Ngãi hiện nay), sản xuất đường theo lối công nghiệp. Nhưng bất chấp công nghiệp đường ra đời, người nông dân Quảng Ngãi vẫn trồng mía, nấu đường theo lối cổ truyền, kể cả sản xuất các loại đường đặc sản nổi tiếng, gồm đường phèn, đường phổi, kẹo gương, cũng bằng lối cổ truyền. “Dòng” cổ truyền dường như không tách rời nhau; một người thợ nấu đường có lần nói với tôi rằng, đường nhà máy có thể nấu ra đường phổi, nhưng không bằng được đường muỗng.
 
Có thể đồng ruộng thường xuyên thiếu nước, lóc chóc gò đồi, khiến khi xưa người nông dân Quảng Ngãi nghĩ đến cây trồng thích hợp hơn là lúa, từ ấy mía loang rộng, dẫn đến truyền thống trồng mía làm đường, để nhớ đến Quảng Ngãi, người ta phải nhớ là xứ mía đường. Cũng có thể thổ nhưỡng, khí hậu ở Quảng Ngãi thích hợp với cây mía. Nếu sự “đến” của cây mía thuở xa xưa chắc không ai dự liệu hay quy hoạch gì gì, nhưng lại làm nên truyền thống canh tác của vùng đất; thì sự “đi” của nó cũng khá bất ngờ và luyến tiếc.
 
“Nhớ quê hương dâu xanh, mía ngọt/ Mai đường thơm chiều óng ánh tơ vàng” (Tế Hanh), người ta có thể giải thích hiện tượng này bằng yếu tố năng suất, chất lượng. Chẳng hạn một ha mía ở xứ khác có thể cho 100 tấn mía cây trở lên thì ở xứ này chỉ đạt hơn một nửa con số đó. Chẳng hạn người ta có loại máy móc hiện đại để chế biến đường, làm ra được sản phẩm với giá thành thấp, thì ta chưa có; hay ta bị cạnh tranh quá quyết liệt, sản lượng đường trên thế giới cung đã vượt cầu quá xa. Người ta cũng có thể giải thích sự “lấn sân” của các cây trồng khác, như cây mì, cây keo...
 
Mỗi người có thể có cách cắt nghĩa khác nhau, nhưng cắt nghĩa để làm gì khi ngành mía đường coi như đã hết thời. Giờ trên đất Quảng Ngãi, cây mía người ta cũng chỉ trồng đủ để bán cho người bán nước mía. Nghề trồng mía, nấu đường đã không được “tiếp biến” để thích ứng với đời sống hiện đại. Tiếc thay!
 
Sự giàu có "nằm trong việc trồng mía"
 
Năm 1925, Công sứ Pháp ở Quảng Ngãi A. Labord viết trong tập biên khảo về Quảng Ngãi của ông, trong đó ghi rằng: “Sự giàu có và phong phú của tỉnh này cũng nằm trong việc trồng mía. Những người sở hữu chủ về đất ruộng có những đồng ruộng gọi là ruộng cao, thì họ thích trồng mía trong vùng đất ruộng của họ hơn, việc trồng mía hiếm khi chịu tác hại bất thường của tự nhiên và việc thu hoạch mía đã tìm được lối ra thường xuyên từ phía người Hoa ở Thu Xà, họ sẽ xuất cảng đường mật sang Hồng Kông (...). Họ đã xuất khẩu cho đến 12.000 tấn hằng năm” (A. Laborde: Quảng Ngãi; Hà Xuân Liêm dịch, trích từ tập Những người bạn của cố đô Huế, tập 12 (1925), NXB Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 179-180).
 
Cao Chư
 
 
 
 
 
 
 

.