(Báo Quảng Ngãi)- Là địa phương nằm ở đồng bằng, nhưng huyện Mộ Đức lại là nơi có rất nhiều cấm rừng nằm xen kẽ ngay giữa ruộng đồng, làng xóm, được người dân đồng lòng gìn giữ suốt mấy trăm năm. Đáng tiếc là, dần dà về sau, phần vì chiến tranh tàn phá, phần vì lơi lỏng trong công tác bảo vệ, khiến các cấm rừng năm xưa, giờ chỉ còn trong ký ức.
Người Mộ Đức xưa từng lập nên các cấm rừng và đưa ra nhiều cấm kỵ như: Không được chặt cây, khai thác lâm sản, chăn thả gia súc... để bảo vệ rừng. Những “cấm rừng” nhờ thế hình thành và trở thành “lá phổi xanh” của biết bao xóm làng nơi đây. Như cấm rừng Sa Voi, Văn Bân, Phước Lai (Đức Chánh), cấm rừng núi Vom (Đức Hiệp), cấm rừng ở núi ông Đọ (Đức Phong), rồi cấm Mã Gia (Đức Thạnh), cấm Gò Da, ông Thao (Đức Hòa), cấm Gò Né (Đức Tân)...
Cấm ông Thao - một trong những cấm rừng hiếm hoi tồn tại hàng trăm năm qua tại xã Đức Hòa (Mộ Đức). |
Những cấm rừng này, hoặc có diện tích lên đến vài hecta nằm ở khu vực núi cao ít người lui tới, hoặc có khi chỉ là một khoảnh nhỏ ngay trên vùng đất gò, đồi nằm giữa làng, giữa xóm... Song, theo lời kể của các bậc cao niên ở huyện Mộ Đức, tuy diện tích từng cấm có khác nhau, nhưng tấm lòng kính cẩn bảo vệ rừng của người dân, thì trăm nơi như một.
Lần giở bản trích lục địa đồ đã ố vàng theo thời gian, ông Lê Chí Hải (65 tuổi), ở thôn Phước Mỹ, xã Đức Hòa, cháu đời thứ 4 của ông Lê Thao, tự hào chia sẻ: “Theo lời cha ông tôi kể lại, cấm rừng của gia đình tôi nằm trên núi Long Hồi. Đây là ngọn núi có diện tích gần 20ha, nhưng dần dà theo thời gian, người dân phá rừng lấy củi làm nhà. Duy chỉ có ông cố tôi là vẫn quyết tâm giữ lại khoảnh rừng hơn 1ha nằm ở sườn núi phía bắc và kiên quyết bảo vệ, không cho ai chặt phá. Cũng vì lý do đó mà sau này, người ta quen gọi khoảnh rừng này là cấm ông Thao”.
Quyết tâm gìn giữ “cấm rừng” của ông cha thuở trước, các thế hệ con cháu của ông Lê Thao tiếp tục nhắc nhớ nhau giữ lấy rừng. Nhờ sự tiếp nối ấy, mà cấm rừng với hệ sinh thái phong phú gồm nhiều loại cây bản địa quý như huyết cẩu, nhụ, muồng... vẫn được gìn giữ vẹn nguyên đến tận ngày nay.
“Từ đời ông cố Thao đến nay, ngoại trừ một cây sanh (5 - 6 người ôm không xuể - PV) bị sét đánh gãy cách đây 20 năm, còn lại, tất thảy các loại cây trên rừng đều được các thế hệ trong gia đình giữ lại nguyên vẹn. Có cần cây để làm nhà, thì chúng tôi đi mua, chứ không đụng vào cây trên cấm”, ông Hải tâm sự.
Trên địa bàn huyện Mộ Đức, cấm ông Thao là cấm rừng hiếm hoi mà người dân địa phương còn giữ lại được cho đến ngày nay. Những cấm rừng khác như cấm Gò Da ở gần Quốc lộ 1, đoạn chạy ngang qua xã Đức Hòa, cấm Gò Né (Đức Tân), cấm ông Đọ (Đức Phong), cấm Sa Voi, Văn Bân, Phước Lai (Đức Chánh), cấm Mã Gia (Đức Thạnh)... đến nay đều bị “xóa sổ”.
Những cây gỗ quý trong cấm ông Thao được 4 đời nhà họ Lê gìn giữ đến hôm nay. |
Theo tư liệu trong quyển Địa chí huyện Mộ Đức: “Bước vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho phá rừng với lý do “phát quang” nhằm chống “Việt cộng nằm vùng” ẩn núp; cộng với chính quyền ở các xã ấp chặt phá lâm cấm có từ nhiều đời để bán lấy tiền. Do vậy, rừng cấm Sa Voi, Văn Bân, Phước Lai (Đức Chánh), cấm ông Đọ (Đức Phong), cấm Mã Gia (Đức Thạnh) đều bị chặt trụi trong thời gian này”.
Một số cấm rừng còn lại như cấm Gò Da (Đức Hòa), Gò Né (Đức Tân)... tuy may mắn tồn tại qua những năm tháng chiến tranh khói lửa, nhưng về sau lại bị người dân chặt phá để lấy gỗ, nên cũng dần trơ trụi. Đến nay, người dân địa phương đã dần trồng lại được ngót nghét 40ha rừng, nhưng phần lớn đều là bạch đàn và keo lai phục vụ sản xuất, chứ không còn là rừng tự nhiên với hệ thực vật phong phú như ngày xưa.
Đưa mắt nhìn xa xăm vào khoảnh đất trên núi Long Hồi (Đức Hòa), nơi từng một thời là rừng tự nhiên, về sau đã bị người dân tàn phá để trồng mì, keo lai, ông Trần Như Tưởng (70 tuổi) trầm ngâm: “Người Mộ Đức xưa từng lưu truyền câu: “Cấm tan thì làng mạt”, ý muốn nhắc nhở con cháu rằng, hễ cấm rừng mà mất đi, thì xóm làng chẳng thể nào “phất” lên được. Song, sau này đâu còn mấy ai nhớ đến lời nhắn gửi chất chứa mong muốn bảo vệ rừng ấy của những người đi trước. Các cấm rừng vì vậy, mà dần dần bị tàn phá, chẳng còn lại bao nhiêu”.
Bài, ảnh: Ý THU