Mất dấu An Tân

09:08, 19/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ai là người Quảng Ngãi từng sống trong những năm 1945 - 1954 đều nghe hoặc biết đến An Tân, dù nó là địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam. Vì sao?
 
Khoảng 40 năm trước, lúc còn học ở Huế, tôi hay đi tàu lửa. Từ Quảng Ngãi ra Huế có rất nhiều ga, có thể “cho qua” tất cả các ga, nhưng mỗi khi tàu qua ga An Tân thì bao giờ tôi cũng “dừng lại” để quan sát xem thử có bắt gặp một chút ký ức nào của cha tôi và những người cùng thời với ông ở cái ga xếp ấy không? Dĩ nhiên là không rồi. Thế nhưng, mỗi lần ngang qua địa danh ấy, lòng tôi lại dậy lên một cảm giác khó tả. Địa danh ấy nó gợi nhắc một thuở cơ hàn của người dân vùng kháng chiến ở Quảng Ngãi. Để kiếm cái ăn, họ đã phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mình. 
 
An Tân, giới tuyến một thời
 
Có bài vè mà những người từng sống thời kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) ai cũng thuộc. Tôi cũng thuộc qua giọng đọc ngồ ngộ của cha tôi, dù tôi không sống trong thời kỳ đó: “Đầu phồng đá lửa/ ruột chửa kaki/ chửa tận Tam Kỳ/ vô Bồng Sơn đẻ”.
 
Tôi thuộc mà không hiểu gì, mãi sau này, khi những bài học về lịch sử chống Pháp bắt đầu “ngấm” trong tôi, cha tôi mới giải thích: “Bài vè trên để chỉ việc “buôn lậu” thời chống Pháp đấy. Mấy bà đi buôn “đường dài” hay nhét đá lửa trong đầu tóc búi thật cao nhằm che mắt lực lượng kiểm tra ở các trạm gác vùng kháng chiến. Có bà thì quấn vải quanh bụng thật khéo, giả chửa để qua mắt các chốt kiểm soát. Hàng cấm ấy mua tận Tam Kỳ rồi mang vô Bồng Sơn - nơi được coi như “thủ đô kháng chiến Nam Trung Bộ” để bán kiếm lời”.
 
Cha tôi nói thêm: “Thực ra không phải ra tận Tam Kỳ đâu, mà mua ngay chỗ An Tân thôi. Vì sau ngày toàn quốc kháng chiến, thực dân Pháp đã lấn chiếm đến tận bờ sông An Tân, cách ga An Tân chưa đầy cây số về phía bắc. Con sông nọ vô tình trở thành “giới tuyến” giữa vùng tự do và vùng Pháp kiểm soát thời ấy”. 
 
An Tân bây giờ chỉ còn là tên gọi của một dòng sông và cây cầu.
An Tân bây giờ chỉ còn là tên gọi của một dòng sông và cây cầu.
 
Sau ngày 19.12.1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ buộc phải rút lên Việt Bắc để “trường kỳ kháng chiến”. Ở khu vực Trung Bộ, Pháp tái chiếm Đà Nẵng và gần như “nuốt” trọn tỉnh Quảng Nam. Việt Minh chỉ kiểm soát các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và một phần phía bắc Khánh Hòa. Chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” đã cản bước chân xâm lược của thực dân Pháp khá hiệu quả, nhưng nó cũng làm cho nền kinh tế kiệt quệ vì toàn bộ đều “tự sản, tự tiêu”. 
 
Nền kinh tế phải tự túc hoàn toàn, nên đến viên đá lửa cũng phải đi mua của... địch. Vải kaki dưới thời Việt Minh không thể dệt được nên lại đi mua lậu. Ngay cả như Bí thư Khu ủy, kiêm Tư lệnh Khu 5 Nguyễn Chánh cũng phải thường xuyên mặc vải tự dệt, tức “hàng nội hóa”. Có cả một bài vè thật dài để phê phán tâm lý “sính ngoại” thời đó và cổ vũ cho việc dùng hàng nội. 
 
Gánh gạo đi An Tân 
 
Để tránh máy bay của Pháp thường xuyên ném bom vào vùng Việt Minh kiểm soát, tất cả các hoạt động của người dân vùng kháng chiến đều diễn ra ban đêm. Chợ An Tân cũng không ngoại lệ. Tôi không rõ là chuyện ngăn sông cấm chợ hồi ấy đã có rồi, như việc bắt “hàng lậu” là đá lửa hoặc vải kaki, nhưng tại sao chuyện buôn gạo lại vẫn diễn ra tại chợ An Tân?
 
Cha tôi kể rằng, ăn cơm chiều xong, khi đêm bắt đầu xuống thì cũng là lúc “gánh gạo ra An Tân” để bán. Những người phụ nữ của làng tôi (và của cả vùng phía bắc sông Trà) đi mua lúa gom về rồi tự xay giã thành gạo. Những người đàn ông trai trẻ gánh số gạo ấy ra chợ An Tân. Quãng đường gánh gạo từ ga Đại Lộc (Sơn Tịnh) đến ga An Tân dễ có đến 30km, nhưng đầy đá dăm đường tàu.
 
“Dép” của người gánh gạo được làm bằng mo cau. Mỗi chuyến đi An Tân là “bay” một đôi dép. Mỗi chuyến gánh khoảng 30kg gạo, lời được khoảng 5 - 7 lon. Trên chặng đường 30km ấy, người gánh gạo phải chạy làm sao đó một cách nhanh nhất, tới nơi vẫn bán được gạo trong đêm để tránh máy bay Pháp.
 
Đó là chưa kể có những hôm, “tàu bay khu trục” bất ngờ xuất hiện lúc chạng vạng hay tờ mờ sáng, chúng sẵn sàng cắt bom xuống bất cứ một bóng người di động nào! Những lon gạo lúc ấy được đánh đổi bằng máu của những người nông dân.
 
Tưởng vọng An Tân
 
Sau năm 1954, đường sắt được khôi phục lại. Có lẽ ga An Tân được định danh từ bấy cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi huyện Núi Thành được tách ra từ huyện Tam Kỳ năm 1983. Ga An Tân giờ được đổi thành ga Núi Thành từ đấy. Địa danh An Tân không phải là đơn vị hành chính của một xã, cũng không phải là thôn, nhưng lại “trường tồn” với thời gian. Lạ thế.
 
Trong những năm sống trên đất Bắc, nhạc sĩ Trương Quang Lục tưởng vọng quê mình bằng một ca khúc “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường” trong đó có nhắc đến địa danh An Tân: “Quảng Ngãi ơi còn nhớ chăng những ngày thu rực rỡ/ Tỏa bóng cờ từ An Tân đến Sa Huỳnh lộng gió”. Có lẽ hai tiếng An Tân thuở còn gánh gạo đi buôn 9 năm kháng chiến đã khắc vào tâm khảm của người nhạc sĩ này, để ông quên luôn ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi chăng?
 
Ngày nay, nhắc đến An Tân, người ta chỉ biết nó là tên gọi của một con sông chảy xuyên qua thị trấn Núi Thành và tên gọi của một ngôi chợ ở vùng này. Riêng những người 80, 90 tuổi ở Quảng Ngãi, thì An Tân chỉ còn là tưởng vọng xa mờ trong ký ức.
 
 Bài, ảnh: TRẦN ĐĂNG
 
 
 

.