(Baoquangngai.vn)- Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, phát nguyên từ cao nguyên Đak Tơ rôn (Kon Tum) hợp lưu từ 4 con sông nhỏ (sông Tang, sông Xà Lò, sông H're, sông R'hin) nằm trên địa bàn khắp 5 huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi, chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi trước khi đổ ra Biển Đông qua cửa Đại Cổ Luỹ, còn có tên gọi khác là cửa Đại, cửa Đợi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong mắt người bình dân Quảng Ngãi, cửa Đại đẹp và nên thơ với núi, sông, làng mạc, bãi cát, ghềnh biển như quần tụ bên nhau:
Tư Nghĩa, cửa Đại là đây
Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa
Dưới thời bông súng nở đua
Ngó lên trên chùa đá dựng kiểng giăng
Ngó qua bên xóm Trường An
Ngó xuống hòn Sụp cát vàng soi dương
(Ca dao Quảng Ngãi)
Tên gọi cửa Đại, là cách người Quảng Ngãi gọi tắt địa danh Đại Cổ Luỹ, phân biệt với cửa Đại Chiêm (cũng gọi là tắt là cửa Đại), cửa sông Thu Bồn (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam)- “hải cảng quan trọng bậc nhất của Chăm cổ đại.” (Trần Quốc Vượng. 1985)
Cách đây chừng nửa thế kỷ, trong dân gian, cửa Đại còn được gọi là cửa Đợi. Đợi là một biến âm của Đại (大), từ Hán Việt, có nghĩa là lớn, to (thể tích, diện tích, dung lượng, số lượng, cường độ, lực lượng). Tính từ đại, được danh từ hoá khi kết hợp với danh từ cửa (cửa sông, chỉ lối thông tự nhiên ra biển của một dòng sông) để thành một từ chỉ địa danh: Cửa Đại.
Cổ Luỹ cô thôn |
Trong thư tịch chính thống Việt Nam, tập Dư địa chí của Nguyễn Trãi là tài liệu khá sớm ghi chép về cửa Đại Cổ Luỹ, bằng tên gọi Chiêm Luỹ lịch môn. Chiêm Luỹ là tên vùng đất Quảng Ngãi từ thời nhà Hồ. Theo GS Hà Văn Tấn, chữ Chiêm (占), trong Chiêm Luỹ đã bị đọc nhầm tự dạng ra chữ Cổ (古), thành Cổ Luỹ lịch môn hay Cổ Luỹ môn, nghĩa là cửa Cổ Luỹ. Người viết bài này cho rằng, không phải đọc nhầm, mà là các nhà cai trị, nhà viết sử của các triều đại phong kiến Việt Nam đã cố tình viết và đọc chệch đi, có dụng ý.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Quyển thứ X – tỉnh Quảng Ngãi, mục Cửa quan và tấn sở, sách nầy chép: “Tấn Đại Cổ Lũy: Ở cách huyện Chương Nghĩa 17 dặm về phía đông bắc, của biển rộng 230 trượng, thủy triều lên sâu 14 thước, thủy triều xuống sâu 10 thước, phía nam là cửa biển lớn; nước sâu, cạn tàu thuyền đều do đấy; phía bắc là cửa biển nhỏ, tàu thuyền không thông. Có đặt thủ ngự và hiệp thủ, lại lấy dân phụ lũy sung việc trú phòng. Lại thôn Cổ Lũy, phía đông bắc dựa ven bờ biển, phía tây nam là giáp chỗ giao lưu của sông Vệ và sông Trà, cách xa làng xóm, trông như ở trong khói nước lờ mờ, là một trong “Mười cảnh Quảng Ngãi” đề là “Cổ Lũy cô thôn”. Dân địa phương làm nghề dệt chiếu và đánh cá.” (Đại Nam nhất thống chí; nxb Thuận Hóa; 1992; trang 433).
Liên quan đến cửa Đại- Đại Cổ Luỹ, có 2 địa danh nằm ở hai bên bờ sông Trà Khúc. Bên hữu ngạn là thôn Cổ Luỹ (thuộc xã Nghĩa Phú), TP.Quảng Ngãi, nay chia tách thành 3 thôn: Cổ Luỹ Bắc (Vĩnh Thọ), Cổ Luỹ Nam và Cổ Luỹ Làng Cá. Bên tả ngạn là thôn Cổ Luỹ, một trong 4 thôn của xã Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi). Nhân đây cũng thưa lại cho rõ: xã Tịnh Khê không hề có thôn nào mang tên Cổ Luỹ Bắc như nhầm lẫn của các tác giả trong nhiều bài viết gần đây.
Thôn Cổ Luỹ (xã Nghĩa Phú) nằm cách chân núi Phú Thọ (Thạch Sơn) một dòng sông nhỏ (sông Phú Thọ), mang vẻ đẹp cô liêu trầm mặc, màu nước lẫn màu trời trong bàng bạc sương khói lúc hoàng hôn, nên được ca ngợi là “Cổ Luỹ cô thôn”, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.
Cổ Luỹ Tịnh Khê |
Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), ông quan văn võ song toàn, từng là Tuần phủ Quảng Ngãi, có bài thơ nôm ca ngợi Cổ Luỹ cô thôn, được người đời truyền tụng:
Giặc giã đời mô đã dẹp rồi
Lũy xưa còn đắp xóm mồ côi.
Đá xây quanh quất theo bờ biển,
Người ở cheo leo dưới cửa lồi.
Trông thấy thuyền tình ba bốn phía,
Vẳng nghe trống giục một đôi hồi.
Hỏi thăm tạo hóa bao giờ đó
Thạch trận về đây mới đắp bồi..
Trở lại với tên gọi cửa Đại. Trên đất nước ta, không ít của sông có tên gọi là cửa Đại. Như trường hợp cửa Đại ở Hội An (Quảng Nam), cửa Đại (một trong 9 cửa của hệ thống sông Mê Công – Cửu Long) ở Nam Bộ.
Vậy nên, khi viết hoặc nói bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, có diện phổ biến rộng, để tránh hiểu nhầm người ta thường thêm vào các định ngữ để phân biệt, như cửa Đại Hội An (Quảng Nam), cửa Đại Bình Đại (Bến Tre), cửa Đại Quảng Ngãi. Tất nhiên, khi viết (hay nói) “cửa Đại Cổ Luỹ” thì đó là địa danh duy nhất xuất hiện ở Quảng Ngãi và không thể nhầm lẫn được.
Lê Hồng Khánh