(Báo Quảng Ngãi)- Người từng đi qua, từng biết về những năm tháng chiến tranh khói lửa, ít ai gọi ngôi làng anh hùng với 52 gia đình thì đã có 50 gia đình liệt sĩ, nằm ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức) bằng tên gọi hành chính Tân An. Mọi người thường gọi Tân An bằng cái tên thân thương là “xóm Mù U”, hoặc lấy mật danh trong kháng chiến chống Mỹ của làng là “Cây số 52” để gọi tên làng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngôi làng anh hùng
Đôi mắt đã không còn nhìn thấy được gì nữa, nhưng người thương binh Nguyễn Ngọc Độ (1956), ở làng Tân An vẫn đi phăm phăm ra nhà tưởng niệm của xóm để hương khói cho những người nằm xuống. Vừa thắp hương, ông Độ vừa bồi hồi kể: Gia đình tôi có 6 anh chị em, thì cả 6 người đều tham gia cách mạng. Một người hy sinh, 5 anh em còn lại đều là thương binh. Tôi là em út trong nhà, tham gia du kích từ năm 16 tuổi. Liền sau đó, tôi bị thương ở đầu, ở tay, chân trong một trận đánh, rồi mắt bị giảm thị lực, một thời gian sau thì mù hẳn.
Nhà tưởng niệm những người nằm xuống ở làng Tân An. |
Trong tấm bảng giấy treo trên tường nhà tưởng niệm là những dòng chữ thống kê: Sau ngày 30.4.1975, cả xóm Tân An có 52 gia đình, thì đã có 50 gia đình liệt sĩ và 2 gia đình còn lại có công với cách mạng. Một xóm nhỏ có 157 người, thì đã có 60 liệt sĩ, 39 thương binh, 11 người từng bị địch đày đi Côn Đảo.
Bước thấp, bước cao bên những hàng cây lưỡi hùm gai góc mọc dày đặc trên bãi biển Tân An, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Vụ (1937) kể rằng, xóm Tân An ngày ấy nhờ địa thế hiểm yếu và nhân dân đoàn kết một lòng, nên nơi đây đã trở thành vùng căn cứ cách mạng của khu Đông huyện Mộ Đức. Trong cuốn địa chí Mộ Đức ghi: "Ngay từ kháng chiến chống Pháp, nhân dân Tân An đã góp sức đắp lũy nhằm ngăn cản quân Pháp đổ bộ bằng đường biển. Lũy được đắp bằng đất cát chạy dọc theo xóm, cao khoảng 5m, mặt lũy rộng 4m, chạy song song với bờ biển. Tại lũy Tân An, ta đã dùng các loại vũ khí thô sơ để đánh địch, như lựu đạn nằm từ xa kéo dây, khi có địch đến mới giật nổ. Nhờ lũy Tân An và tinh thần dũng cảm, nhân dân Tân An đã ngăn chặn hiệu quả sự đột nhập, đánh phá của địch, góp phần giữ vững và ổn định vùng tự do".
Bước sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Tân An tiếp tục trở thành căn cứ cách mạng, đồng thời cũng trở thành nơi ghi dấu tội ác của quân xâm lược. Vào ngày 22.6.1966, hải quân Mỹ từ ngoài khơi dùng pháo hạm bắn vào bãi biển Tân An, làm chết và bị thương hơn 100 ngư dân thuộc các xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Lợi. Riêng xã Đức Phong có 49 người chết, 39 người bị thương...
Bị địch đánh phá liên tục nhưng 52 hộ dân nơi đây đều một lòng bám đất nuôi dấu các chiến sĩ cách mạng. “Hồi đó, những thanh niên mới lớn lên trong xóm tôi, ai cũng được cha mẹ cho đi du kích. Tôi và bạn bè tôi chờ đến 16 tuổi là xin đi du kích liền”, thương binh Nguyễn Ngọc Độ tự hào.
Những cái tên nhắc nhớ quá khứ
Người dân ở xóm nhỏ anh hùng Tân An bảo, những người từng trải qua, hoặc nghe kể về những năm tháng chiến tranh khói lửa nơi đây, ít ai gọi làng bằng tên hành chính. Mọi người vẫn thường gọi tên làng là “xóm Mù u” hoặc “Cây số 52”...
Đường về làng Tân An - ngôi làng từng là căn cứ địa cách mạng của khu đông Mộ Đức. |
Lý giải nguồn cơn tên gọi, ông Nguyễn Vụ cho hay: “Ngày trước, Tân An có 7 cây mù u cổ thụ to lắm, mỗi cây phải 2 - 3 người ôm mới xuể. Cái tên xóm Mù U là từ đấy mà ra. Còn “Cây số 52” chính là mật danh của căn cứ địa cách mạng Tân An trong kháng chiến chống Mỹ. Con số 52 chính là biểu tượng cho 52 hộ gia đình sống tại nơi này”.
Cũng theo ông Vụ, trong kháng chiến chống Mỹ, 7 cây mù u cổ thụ có từ thời lập làng đã bị quân địch giật mìn, san phẳng, nên chẳng còn lại dấu tích. “Cây số 52” cũng thôi không còn được quân và dân sử dụng làm “mật danh” khi hòa bình lập lại. Dẫu vậy, hai cái tên này vẫn được mọi người gọi và nhắc nhớ mãi đến ngày nay.
Năm 1999, trong lá thư gửi riêng cho nhân dân Tân An nhân dịp đầu năm mới, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ngày ấy, cũng đã thân thương gọi Tân An bằng tên gọi “xóm Mù U”. Trong lá thư “Kính gửi các cụ lão thành, các bác, toàn thể bà con, các đồng chí đảng viên, đoàn viên xóm Mù U, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi”, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhắn nhủ rằng: “Trước đây, tôi chưa có điều kiện tham gia hoạt động ở chiến trường Quảng Ngãi, nhưng tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần kiên cường, bất khuất, nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân Quảng Ngãi đối với lực lượng vũ trang là một tấm gương sáng cả nước đều biết. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhờ đồng bào ta thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ: “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi xóm làng là một pháo đài, cả nước một lòng, toàn dân chung sức nên kháng chiến đã thắng lợi trọn vẹn”...
Sau chiến tranh, người dân “xóm Mù U” vẫn tự hào kể cho con cháu nghe về truyền thống anh hùng ở làng quê mình. Kể về những cái tên, những di tích ở Tân An đã đi vào lịch sử, kể về lá thư đầy xúc động của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhắn nhủ các thế hệ mai sau ở Tân An “tiếp tục xây dựng quê hương yêu quý, xứng đáng với truyền thống anh hùng của "xóm Mù U”.
Bài, ảnh: Ý THU