(Báo Quảng Ngãi)- Đó là câu chuyện về Ân Quang hầu Trần Công Hiến. Chuyện bắt đầu từ mộ chí của người xưa ở thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương (Bình Sơn).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mộ chí đầu thời Nguyễn duy nhất ở Quảng Ngãi
Trải qua hơn 200 năm, mộ chí Ân Quang hầu Trần Công Hiến rêu phong phủ mờ. Ngôi mộ như có sức hút kỳ lạ, thôi thúc những cán bộ làm công tác bảo tàng tìm hiểu cho bằng được những gì chưa rõ từ lịch sử xa xưa. Theo chị Tạ Thị Di Hà - cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, mộ xây dựng năm 1817, không chỉ là nơi yên nghỉ của bậc anh tài, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị thẩm mỹ về kiến trúc nghệ thuật mộ chí thời Nguyễn đặc sắc và duy nhất ở Quảng Ngãi, cùng nhiều hiện vật, tài liệu Hán Nôm quý giá.
Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh làm rõ câu đối ở mộ chí Ân Quang hầu Trần Công Hiến, ở xã Bình Dương (Bình Sơn). ẢNH: Di Hà |
Mộ được xây dựng bằng các chất liệu gạch đá ong, vôi vữa tam hợp. Để đi vào mộ, phải đi qua bình phong tiền, trụ biểu và cổng mộ, tất cả đều được điêu khắc, chạm trổ tinh xảo. Hai bên bình phong là trụ biểu, đỉnh trụ trang trí hai con lân. Trên trụ biểu và trụ cổng có đôi câu đối nhưng dòng chữ bị mờ, từ lâu chẳng ai biết trên đó viết gì. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã làm phát lộ chữ viết của người xưa, đó là câu đối ca ngợi công đức, thể hiện lòng tiếc thương của triều đình, nhân dân về một danh thần tài ba, dịch nghĩa là: “Trường thành vạn dặm vừa được (triều đình) trông cậy/ Bảo kiếm (Trần Công Hiến) trăm năm sao vội tắt hào quang”.
Phần bia mộ có chất liệu đá xanh được đặt trên lưng rùa, chạm khắc tinh xảo. Phía sau văn bia là mộ có dạng hình mai rùa. “Mộ chí Ân Quang hầu Trần Công Hiến có quy mô và kiến trúc đặc biệt, cho thấy sự ngưỡng mộ, tri ân của triều đình và nhân dân trước những công lao to lớn của ông đối với đất nước”, chị Hà cho biết. Cách mộ chí Trần Công Hiến khoảng 5m có một mộ nhỏ, các bậc cao niên trong dòng họ Trần ở thôn Mỹ Huệ cho hay, đây là mộ của con chiến mã theo ông trong các trận đánh trên binh trường. Khi ông hy sinh, chiến mã đã vượt ngàn dặm đường đưa ông về quê ngoại để an táng. Sau đó, chiến mã cũng theo ông nằm tại chốn này.
Ngưỡng mộ bậc anh tài
Chị Tạ Thị Di Hà nhận định, sử sách đã lưu danh Ân Quang hầu Trần Công Hiến như một niềm tự hào của Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Trần Công Hiến tên thụy là Cương Nghị, sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Vạn An, tổng Trung, huyện Chương Nghĩa (nay là thôn Vạn An 1, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa).
Cha mất sớm, ông theo mẹ về sống ở quê ngoại - làng Mỹ Huệ, tổng Bình Hà, phủ Bình Sơn (nay là thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn). Võ tướng Trần Công Hiến đã đóng góp nhiều công trạng lớn cho triều đình và đất nước, nên vua Gia Long đã ban sắc thăng chức Trấn thủ Hải Dương kiêm Khâm sai Chưởng cơ và tước Ân Quang hầu vào năm 1803.
Trấn Hải Dương là một miền đất rộng lớn nằm ở phía đông, cách kinh thành Huế khoảng 1.078 dặm, trong thời gian trấn nhậm tại đây, Trần Công Hiến đã có những sách lược, chủ trương đúng đắn trên mọi phương diện. Ông cùng các quan Bắc Thành dâng sớ trình bày tình hình chiếm đoạt ruộng đất của bọn địa chủ, nạn kiện tụng trộm cướp khắp nơi và đề nghị vua Gia Long chia ruộng, cấp đất và cấp tiền cho dân nghèo. Sau đó, ông lập nhà chẩn tế ở cửa trấn, cho nông dân vay thóc giống để mở mang sản xuất, ổn định đời sống.
Về quốc phòng, ông cho khảo sát, vẽ địa đồ đường sá, bến đò, hình thái núi sông để dâng lên triều đình, cho đào hào, xây đồn... với mục tiêu trấn thành bảo vệ vùng biên hải. Để khích lệ tinh thần hiếu học trong toàn dân, ông cho tu sửa, tôn tạo Văn miếu Mao Điền được dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV), rồi hợp nhất với Trường thi Hương trấn Hải Dương làm nơi đào tạo và tôn vinh các tiến sĩ, nho sĩ hàng đầu cả nước. Ông còn đặc biệt quan tâm đến việc sưu tầm và bảo tồn di sản văn hóa, sự nghiệp văn chương của dân tộc. Ông đã sáng lập nhà in Hải Học đường, có nhiều bộ sách quý được sưu tầm, biên tập, biên soạn, in ấn lưu dấu Hải Học đường. Trần Công Hiến còn được nhân dân ca tụng là một vị quan thanh liêm, công minh trong xét án.
Năm Đinh Sửu (1817), Ân Quang hầu - Trần Công Hiến mất tại trấn sở trong cuộc truy đuổi giặc biển Tàu Ô. Ông được triều đình phong tặng Tráng liệt công thần Vũ huân Tướng quân, được thờ chung với các danh thần có công dưới triều Gia Long ở đền Trung Nghĩa. Thi hài ông được đưa từ Hải Dương về quê ngoại an táng.
Lập hồ sơ đề nghị di tích lịch sử cấp tỉnh
Để bày tỏ lòng tri ân đối với bậc tiền nhân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, huyện Bình Sơn vừa quyết định đầu tư tôn tạo, nâng cấp khu mộ Ân Quang hầu Trần Công Hiến, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Ngành văn hóa đang lập hồ sơ đề nghị công nhận Mộ chí Ân Quang hầu Trần Công Hiến là di tích lịch sử cấp tỉnh.
|
PHƯƠNG LÝ