"Thủ phủ mía đường" Xuân Phổ, một thời đã xa

09:03, 07/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 40 năm trước, Xuân Phổ - tên gọi chung của hai thôn Xuân Phổ Đông và Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) được biết đến là thủ phủ mía đường. Điều đó được minh chứng khi trên khắp cánh đồng, trong khắp mọi nhà, đâu đâu cũng bạt ngàn mía, nhiều lò nấu đường đỏ lửa suốt mùa. Thế nhưng, hiện nay, nghề mía đường một thời huy hoàng ấy chỉ còn là dĩ vãng...
Xuân Phổ là vùng đất được tạo bởi phù sa bồi đắp của dòng sông Trà qua nhiều thế hệ. Do vậy, đất Xuân Phổ mềm xốp, màu mỡ, khác nhiều so với các vùng đất khô cằn của các làng xã lân cận. Nơi đây từng có những cánh đồng mía ngút ngàn và cũng là nơi tạm trú thích hợp nhất cho những loài chim mía nổi tiếng tụ tập hằng năm.
 
Người từng gắn bó với cây mía, mẻ đường, ông Phạm A (90 tuổi), ở thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ cho hay: Thời điểm nghề mía đường còn phát triển, người theo nghề hầu hết có cuộc sống sung túc, no đủ nhờ thu nhập cao, ổn định. Vào mùa, từ sáng sớm, các thương lái khắp nơi đã đổ về đây chờ mua từng mẻ đường bát mới ra lò mang đi bán. Người dân trồng mía chở mía về chòi tôi ép đường. Thậm chí, nhiều người phải “đặt hàng” trước để sắp xếp thứ tự ưu tiên. 
 
Ở Xuân Phổ, hình ảnh những ruộng mía xanh mướt hai bên đường làng chỉ còn trong ký ức.
Ở Xuân Phổ, hình ảnh những ruộng mía xanh mướt hai bên đường làng chỉ còn trong ký ức.
 
Cũng theo ông A, thời huy hoàng đó tại Xuân Phổ có hơn chục hộ dựng chòi nấu đường. Nguồn mía cũng được người dân địa phương trồng trên hầu hết các cánh đồng. Mùa thu hoạch mía, những chòi mía mọc lên khắp nơi. Đi đến đầu làng đã nghe mùi đường, mùi chè hai thơm lừng trong gió. Đường muỗng, đắp bùn, đắp chuối, đường cục, đường cáu, đường dẻo, đường trứng cá, đường đáy, đường mật, đường sệt, chè hai, khoai ngào... Cả thôn, rộn ràng tấp nập những con buôn, những trai đinh gánh gồng, xen lẫn tiếng nghé ọ của bầy trâu kẽo cà kẽo kẹt đi quanh trong những vụ thu hoạch.
 
Trước đây, có được một bộ che mía là niềm mơ ước của biết bao gia đình trồng mía, thậm chí là niềm mong mỏi của cả làng. Những gia đình giàu có hoặc ba bốn gia đình trồng mía khá giả trong làng chung lại mới có thể sắm được một bộ che để ép mía. Trâu, bò kéo che thì do những gia đình trồng mía lo liệu, người chủ che ít khi dắt trâu bò theo. Họ chỉ chịu trách nhiệm vận hành và sửa chữa che mía khi gặp sự cố.
 
Những chủ mía lo việc ăn ở, cơm nước cho chủ che, trả công hao mòn che và chi phí thuê mướn cho chủ che bằng tiền hoặc bằng đường, tuỳ theo thoả thuận của đôi bên. Cứ mỗi mùa thu hoạch ép mía, chủ che có thể kiếm được một số tiền kha khá nhờ vào việc cho thuê che. Một phần số tiền này được dùng vào việc sửa chữa, nâng cấp bộ che để tiếp tục cho thuê vào những vụ thu hoạch mía sau...
 
“Trưa nắng những người thợ chặt mía, gánh mía về bụng thì đói, miệng khát nước mà uống bát nước chè hai, người sẽ khỏe ngay. Vị ngọt thanh thanh của nước chè hai, vị ngọt lịm của chén đường non đã đi vào lòng người và được ví von với những món ăn vừa dân dã, vừa sang trọng của ông, cha ta ngày ấy”, ông Nguyễn Minh Hải, ở thôn Xuân Phổ Tây, nhớ lại.
 
Gần đến tháng Chạp, những đàn chim di trú tập trung về đây. Những con chim chéo, chim én, chim dồng dộc, ổ già, se sẻ... chiều chiều bay lượn mãi lên tận xóm Buồng, xóm Bãi. Làng xóm xôn xao những cuộc đuổi chim, đánh rập ủ, đánh sào, đánh vó... càng làm đậm đà cái hồn quê của một làng mía đường Trung Bộ. Và cũng vì vậy, nơi đây nổi tiếng một thời với đặc sản "chim mía Xuân Phổ".
 
Dần dà, nhiều người dân bỏ nghề trồng mía. Bởi, vốn là nghề thủ công nên tốn nhiều sức lao động nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. "Trồng mía cũng lắm chông gai, bấp bênh, khi được, khi mất, vì thời tiết không phải năm nào cũng thuận lợi. Cả thôn hiện chỉ còn vài ba hécta mía, nhiều lò đã đóng cửa. Cả đời làm mía, ép đường, vị ngọt đã thấm vào da thịt, nên khi không làm cũng nhớ, cũng chua chát lắm nhưng biết sao được. Thứ gì rồi cũng có lúc thịnh, lúc suy, nhưng khi không còn thì thật ai cũng luyến tiếc, ngậm ngùi", Trưởng thôn Xuân Phổ Đông Võ Văn Thanh luyến tiếc.
 
Ngày nay, thoảng đâu đó ở những miền quê xứ Quảng vẫn bắt gặp hình ảnh ruộng mía xanh mướt, với những bông mía trắng phau phất phơ trong gió. Nhưng cái cảm giác được đi trên những con đường làng hai bên bã mía phơi dày đặc, hít hà cái không khí thơm ngát mùi đường non trong mùa ép mía làm đường bát đã lùi vào dĩ vãng. Dù vậy, người dân địa phương vẫn thường kể nhau nghe một thời huy hoàng của nghề mía đường để nhắc nhớ con cháu về cái nghề "vàng son một thuở" của cha ông.
 
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
 
 
 

.