Lại nói về tên gọi Cổ Lũy

02:03, 13/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, có một vài người viết về địa danh Cổ Lũy hoặc về thắng cảnh "Cổ Lũy cô thôn" dưới các góc độ khác nhau. Bài viết này góp thêm một góc nhìn và bổ sung thêm tư liệu về địa danh này, từ một vài trang sử liệu, nhân nhiều người đang có ý kiến khác nhau về việc dự định đổi tên cây cầu vừa được xây dựng, có tên là cầu Cửa Đại, ở vùng cửa biển này.
Tên gọi Cổ Lũy đầu tiên
 
Qua những trang sử liệu mà chúng tôi tiếp cận được, thì tên gọi Cổ Lũy xuất hiện lần đầu tiên trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư do nhiều nhà sử học thuộc các triều đại biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời nhà Trần, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy... đời vua Lê Hy Tông (1663 - 1716). Đây là bộ lịch sử đồ sộ bao quát lịch sử Việt Nam từ thời đại họ Hồng Bàng, mở đầu năm 2879 trước Công nguyên, đến hết năm 1675 thời nhà Lê Trung hưng. Trong bộ sách này, tên Cổ Lũy được nhắc đến khi các sử gia viết về sự kiện vào tháng 6 năm Quý Tỵ - 1353, vua Trần Dụ Tông cử đại binh đi chinh phạt Chiêm Thành, nhưng khi "đến Cổ Lũy thì quân thủy chở lương, gặp trở ngại phải quay về". 
 
Về sự kiện này, cũng như tên gọi Cổ Lũy, được nhắc lại khá kỹ trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục (gọi tắt là Cương mục), phần chính biên, quyển V, tờ 5, được làm từ thời Tự Đức, và khắc in vào năm Kiến Phúc thứ nhất (1884).
 
Còn trong cuốn sách Vương quốc Chàm (Le Royaume de Champa) của Georges Maspero xuất bản ở Pháp năm 1914, tên gọi Cổ Lũy cũng được đề cập đến khi tác giả viết về chuyện hoàng tử của Chiêm Thành là Chế Mỗ lánh nạn ở Đại Việt từ năm 1346; đến năm 1353 thì quân của Đại Việt mạo hiểm đưa Chế Mỗ về giành lại vương quyền vốn đã bị mất vào tay Trà Hoa Bố Để, nhưng đến Cổ Lũy vì hết lương thực và quân nhu, nên phải rút quân về.

 

Cuối đường bờ nam sông Trà Khúc là thắng cảnh Cổ Lũy cô thôn nay vẫn còn giữ nguyên nét mộc mạc, thuần phát.
Cuối đường bờ nam sông Trà Khúc là thắng cảnh Cổ Lũy cô thôn nay vẫn còn giữ nguyên nét mộc mạc, thuần phát.
Có lẽ Quốc sử quán triều Nguyễn, lẫn Georges Maspero, khi viết về sự kiện đưa Chế Mỗ về Chiêm Thành, có liên quan đến địa danh Cổ Lũy, đều dẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng tên Cổ Lũy nêu ở trên là tên vùng đất hay tên một cửa sông - nơi con sông Trà và sông Vệ cùng đổ về?
 
Cổ Lũy - tên gọi vùng đất
 
Trong sách Cương mục, Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn lúc này là Phan Thanh Giản và các sử quan triều Nguyễn khi viết về sự kiện đưa Chế Mỗ về Nam, gắn với sự xuất hiện tên gọi Cổ Lũy, đã chú giải: "Cổ Lũy, xưa thuộc địa phận quận Nhật Nam; từ đời Đường trở về sau là đất Chiêm Thành; nhà nhuận Hồ lấy đất ấy đặt làm châu Tư và châu Nghĩa; nhà Lê hợp lại làm một, gọi là phủ Tư Nghĩa; bây giờ là tỉnh Quảng Ngãi" (bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tập I, tr.627). Từ chú giải này, ta có thể hiểu, Cổ Lũy là tên gọi của một vùng đất.
 
Lâu nay, những sách viết về lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử hình thành vùng đất Quảng Ngãi, hầu hết đều dẫn theo các bộ sách sử có biên soạn riêng về tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt là bộ Đại Nam nhất thống chí và bộ Đồng Khánh địa dư chí. Liên quan đến địa danh Cổ Lũy, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: Tỉnh Quảng Ngãi, "xưa là đất Việt thường thị; đời Tần thuộc Tượng quận; đời Hán là bờ cõi quận Nhật Nam; đời Đường thuộc Lâm Ấp; đời Tống là đất Cổ Lũy của Chiêm Thành; nhà Hồ lấy đất này đặt hai châu Tư và châu Nghĩa" (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển VII, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tập II, tr.351, 352). Trong Đồng Khánh địa dư chí, khi viết về phủ Tư Nghĩa, các tác giả Quốc sử quán triều Nguyễn cũng nêu: "Xưa là đất Lư Dung đời Hán, Chiêm Thành là đất động Cổ Lũy, đời nhuận Hồ lấy được chia làm hai châu Tư và Nghĩa. Đời Lê sơ gọi là châu Cổ Lũy, sau đổi làm phủ Tư Nghĩa" (người dịch Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, bản ebook của Viện Viễn đông Bác cổ, tr. 1509, 1510).
 
Từ những sử liệu trên, ta có thể thấy, tên gọi vùng đất Quảng Ngãi xưa kia là động Cổ Lũy, hay châu Cổ Lũy. Tên gọi động Cổ Lũy, hay Cổ Lũy động, hoặc châu Cổ Lũy, còn được nhắc lại nhiều lần trong các bộ sách này, lẫn các bộ sách khác khi viết về chuyện nhà Hồ tiến quân vào cửa Cổ Lũy, lấy vùng đất này vào năm 1402, lập nên hai châu Tư, Nghĩa, giao Chế Ma Nô Đà (Đồ) Nan - con trai của vua Chiêm Thành trước đó là Chế Bồng Nga -  làm Cổ Lũy huyện thượng hầu, hoặc khi vua Lê Thánh Tông giao Lê Ỷ Đà làm đồng Tri châu cai quản quân dân châu Cổ Lũy vào năm 1471.
 
Cổ Lũy - tên gọi cửa biển
 
Không biết một số người gọi cửa biển nơi con sông Trà và sông Vệ cùng đổ về là cửa Đại có từ bao giờ. Có lẽ đây là cách gọi tắt tên một cửa biển, vốn phải được gọi là cửa Đại Cổ Lũy không?
 
Trong Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quý Đôn có nhắc đến tên cửa Đại Cổ Lũy khi viết về việc thu thuế ở các tấn sở nằm bên các cửa biển ở xứ Đàng Trong. Sách này cho biết: Số tiền thuế đã đóng cửa Đại Cổ Lũy là 150 quan, cửa Sa Kỳ là 560 quan, cửa Thái Cần là 84 quan 5 tiền... (Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.219).
 
Trong Đại Nam nhất thống chí (viết thời Tự Đức, khắc in thời Duy Tân), lẫn Đồng Khánh địa dư chí (viết từ thời vua Đồng Khánh và hoàn thành thời Thành Thái) khi viết về hai dòng sông lớn trong tỉnh Quảng Ngãi đều viết: Cả hai dòng sông Trà Khúc và sông Vệ đều đổ ra cửa Đại Cổ Lũy (Đại Nam nhất thống chí, tlđd, tr. 371; Đồng Khánh địa dư chí, tlđd, tr.1506, 1507).
 
Trong Đại Nam thực lục (được soạn từ năm 1821- năm Minh Mạng thứ hai, sau 88 năm, đến năm 1909 mới cơ bản hoàn thành phần tiền biên và 6 kỷ đầu phần chính biên), có nhắc đến sự kiện liên quan đến cửa Cổ Lũy, như: Chuyện tướng Trần Viết Kết nhà Tây Sơn mang hơn trăm chiến thuyền vào cửa Sa Huỳnh để tiến đánh quân Nguyễn Ánh, nhưng sau đó bị gió bão, nhiều thuyền bị đắm chìm nên phải lui về cửa Cổ Lũy; chuyện tướng Lê Văn Lợi, cũng của nhà Tây Sơn, đem một nghìn quân và 20 thớt voi đánh bảo Mân Khê, nhưng không thành, phải lui về Trà Câu. Nguyễn Ánh nghe tin thắng trận cho thưởng tướng sĩ 1.000 quan tiền. Khi viết về các sự kiện này, các tác giả sách này còn chú giải: Sa Huỳnh, Cổ Lũy đều là tên cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, đệ nhất kỷ, quyển XI, bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.391). Cũng trong Đại Nam thực lục, ở quyển XIII, đệ nhất kỷ, còn ghi về chuyện tướng Nguyễn Văn Trương của Nguyễn Ánh đem thủy binh tiến vào cửa Cổ Lũy ở Quảng Ngãi, đánh phá cả kho Trà Khúc (Đại Nam thực lục, tlđd, tr.431).
 
Lần giở thêm những trang sử liệu trong các sách khác, như: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (hoàn thành 1821), Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng (1883), Quảng Ngãi tỉnh chí của Nguyễn Bá Trác và các tác giả (1933)... kể cả các cuốn lịch sử Việt Nam của nhiều học giả sau này, khi nói đến một cửa lớn ở Quảng Ngãi đều viết là cửa Đại Cổ Lũy hay cửa Cổ Lũy. Ngay cả trong bài viết "Tỉnh Quảng Ngãi" của một quan Chủ sự hành chánh người Pháp là A.Laborde,  in trên tập san "Association et Bulletin des Amis du Vieux Hué" (AAVH & BAVH - Hội những người bạn cố đô Huế) vào năm 1925, cũng có nhắc nhiều đến tên cửa Cổ Lũy, đồn Cổ Lũy, kinh thành Cổ Lũy, thành Cổ Lũy, trong đó có nêu cả sự kiện về chuyện viên quan thuế ở cửa Cổ Lũy là  Regnard bị quân khởi nghĩa giết chết vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng 12 năm 1894 (xem: Những người bạn của cố đô Huế, tập XII, 1925, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2002).
 
Như vậy, cái cửa biển mà nước sông Trà, nước sông Vệ cùng đổ về, theo sử cũ, hay một cách hiểu khác, là theo cách gọi trước đây, chỉ có tên là cửa Đại Cổ Lũy, hoặc cửa Cổ Lũy (chứ không ai gọi là cửa Đại cả!)
 
Cổ Lũy - tên gọi các thôn, xã
 
Trong Đồng Khánh địa dư chí, ở mục viết về huyện Chương Nghĩa (là vùng đất nằm gọn giữa đôi bờ sông Trà, sông Vệ, từ cửa Cổ Lũy đến hết huyện Nghĩa Hành) có nêu tên xã Cổ Lũy, thuộc tổng Nghĩa Hà. Có lẽ xã Cổ Lũy thời Đồng Khánh, đã thành thôn Cổ Lũy sau năm 1945, thuộc xã Phú Thọ, huyện Tư Nghĩa (nay thuộc TP.Quảng Ngãi). Khi vào làm Tuần vũ Quảng Ngãi năm 1750, Nguyễn Cư Trinh có làm bài thơ vịnh về thắng cảnh "Cổ Lũy cô thôn" (một trong mười bài vịnh cảnh đẹp ở Quảng Ngãi), chính là viết về sự cô quạnh của thôn Cổ Lũy này (nay thôn Cổ Lũy "cô thôn" lại được chia thành 3 thôn: Cổ Lũy Bắc, Cổ Lũy Nam và Cổ Lũy Làng Cá).
 
Ở phía bờ bắc cửa Đại Cổ Lũy lại có một thôn Cổ Lũy nữa, một phía giáp biển, phía giáp sông Kinh, nay thuộc xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Thôn này có tên là Cổ Lũy lúc nào không rõ. Có lẽ cần phải tiếp tục tìm hiểu thêm. Theo một số người, câu ca dân  gian: "Ai về Cổ Lũy xóm Câu/ Nhớ mua đôi chiếu rước dâu về làng", còn lưu truyền đến giờ, chính là nói về thôn Cổ Lũy ở phía bắc cửa Cổ Lũy. Tuy nhiên, để khẳng định được điều đó còn cần phải tìm những nguồn tài liệu khác, cũng như phải khảo sát thêm từ thực địa.
*
Về chuyện đặt tên cầu, việc đặt tên gì, là Cổ Lũy, hay Thiên Mã, hoặc tên gì đó khác, thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Nhưng dẫu sao cũng cần cân nhắc: Tên một công trình công cộng nên gợi thêm về chiều sâu cội nguồn lịch sử, văn hóa. Âu cũng là cách để các thế hệ mai sau có dịp ôn lại lịch sử, văn hóa của nước nhà nói chung và của Quảng Ngãi nói riêng vậy.
 
Còn nhiều gợi mở thú vị về Cổ Lũy
 
Vẫn còn bỏ ngỏ bao câu chuyện gợi mở đầy thú vị, mà những ai quan tâm, có thể còn tiếp tục nghiên cứu thêm, như: Tên núi Kỳ Lân ở vùng hạ lưu phía hữu ngạn sông Trà cũng còn có tên gọi là núi Cổ Lũy; tên gọi Cổ Lũy (古壘), có phải từ Chiêm Lũy (占壘) mà ra không; hay từ những thành lũy cổ có ở vùng đất này? Ở một khía cạnh khác, phải chăng tên gọi cửa Cổ Lũy có phải là một từ cổ được gọi trại ra, tương tự như cách gọi những nơi có cửa sông ở nước ta như tên gọi Cửa Lò, Cổ Loa...? Hay tên gọi này có nguồn gốc từ cách gọi vùng cửa sông trong ngôn ngữ Malayo - Polinesian, mà một số người đã từng giải thích về tên gọi Cửa Lò? Và có thể, còn một vấn đề nữa, cũng nên đặt ra: Trước khi người Việt đến đây thì người Chăm (Chiêm Thành) gọi là cửa sông này tên là gì, qua các thư tịch, các văn bia Chăm hiện còn?...
 

 

 TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 

.