KỶ NIỆM 75 NĂM KHỞI NGHĨA BA TƠ (11-3-1945 - 11-3-2020)
Phạm Kiệt- Nhà quân sự tài ba, đức độ

11:03, 11/03/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Nghiên cứu, tìm hiểu, đọc, suy ngẫm về một vị tướng đức độ và tài năng, thao lược, mỗi chúng ta càng tôn kính, ngưỡng mộ ông- một cán bộ lãnh đạo, một nhà chỉ huy quân sự tài giỏi, gắn liền với các sự kiện lịch sử- sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta và quê hương Quảng Ngãi.

 

TIN LIÊN QUAN

Đồng chí Phạm Kiệt (tức là Phạm Quang Khanh), bí danh Tê Đơ (T2), sinh ngày 10-01-1910 tại xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Phạm Kiệt là con thứ mười trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Cụ thân sinh ra đồng chí Phạm Kiệt là Phạm Quang Đình, một nông dân yêu nước, tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp từ rất sớm. 

Mẹ đồng chí là bà Võ Thị Vàng, một phụ nữ trung hậu, đảm đang, luôn tạo mọi điều kiện thuận tiện cho chồng con tham gia cách mạng.

Cả bốn anh em trong gia đình cách mạng này đều tham gia hoạt động bí mật cho Đảng, mặc dù bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung kiên với cách mạng.     

Đồng chí Phạm Ngọc Trân, anh ruột đồng chí Phạm Kiệt (sau đây viết là Phạm Kiệt) làm Trưởng Ty Công an Quảng Ngãi sau Cách mạng Tháng Tám-1945.
 
Đồng chí Phạm Thị Trinh, em gái Phạm Kiệt, sớm tham gia cách mạng, vào Đảng từ khi mới 16 tuổi (1930), nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên khu V trong các năm 1946-1954, Thường trực phụ vận Trung ương Hội, Trưởng Ban Tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong các năm 1955-1976, Đại biểu Quốc hội khóa II, III. Đồng chí Phạm Thị Trinh là vợ đồng chí Nguyễn Chánh, quê quán xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Chủ nhiệm Tổng Cục cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam.               
     
Quê hương xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh mang vẻ đẹp hữu tình của non nước núi Ấn-sông Trà. Đó là một vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng, được hun đúc từ bao đời và đã sản sinh ra vị tướng lĩnh tài ba, đó là người con ưu tú Phạm Kiệt. Khi bước vào tuổi 15, ông bắt đầu có những hoạt động yêu nước, tích cực tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến, tay sai.
     
Năm 1928, Phạm Kiệt cùng một số đồng chí của mình đứng ra thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở huyện Sơn Tịnh, đến năm 1930, ông phụ trách Công hội đỏ và Xích vệ đỏ ở địa phương. Ngày 17-01-1931, đồng chí được kết nạp vào Đảng, cùng các đồng chí của mình tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh.
 
Tháng 6-1931, bị mật thám Pháp bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi, rồi đưa ra nhà lao Lao Bảo, Quảng Trị. Thực dân Pháp xác định Phạm Kiệt là một trong những người hoạt động cách mạng quan trọng, do đó nhanh chóng chuyển về nhà tù Buôn Mê Thuột, nơi giam giữ những nhà cách mạng quan trọng của Đảng như: Nguyễn Chí Thanh, Trương Quang Giao...
     
Trong thời gian bị thực dân Pháp giam cầm, Phạm Kiệt cùng với các đồng chí của mình tích cực xây dựng tổ chức chi bộ trong nhà tù, bí mật tập huấn, hướng dẫn, trang bị kiến thức về lý luận, kỹ năng cũng như phương pháp vận động quần chúng cho các đảng viên mới. Đặc biệt, ông là một trong những người đề xuất và nêu cao quyết tâm tổ chức vượt ngục thành công cho một số nhà cách mạng của Đảng, tù nhân chính trị, trong đó có Nguyễn Chí Thanh. 
     
Cuối năm 1943 sau khi mãn hạn tù, thực dân Pháp chuyển đồng chí và một số tù chính trị khác về Căng an trí Ba Tơ. Tại đây, Phạm Kiệt tích cực tham gia Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 12-1944, cùng với các đồng chí: Trương Quang Giao, Trần Qúy Hai, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn ... bí mật thành lập Tỉnh ủy Quảng Ngãi lâm thời, do đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư.
     
Tối ngày 10, rạng sáng 11-3-1945, được sự phân công của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lâm thời, Phạm Kiệt làm Đội trưởng, Nguyễn Đôn làm Chính trị viên, Nguyễn Khoách làm Đội phó là các thành viên của Ban lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ, trực tiếp chỉ huy 17 thành viên cùng đồng bào các dân tộc anh em ở Ba Tơ đánh chiếm đồn Ba Tơ, đánh đổ chính quyền của thực dân Pháp, khẩn trương thành lập chính quyền cách mạng của địa phương.   

 

Trung tướng Phạm Kiệt (ở giữa) nghe Ban chỉ huy đồn biên phòng 34 báo cáo tác chiến (nguồn: Internet)
Trung tướng Phạm Kiệt (ở giữa) nghe Ban chỉ huy đồn biên phòng 34 báo cáo tác chiến (nguồn: Internet)

 

Tháng 8-1945, đồng chí Phạm Kiệt là ủy viên Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Ngãi, chỉ huy Đội Du kích Ba Tơ nổi tiếng, đánh chiếm những địa bàn trọng yếu của tỉnh trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám, năm 1945 ở Quảng Ngãi.            

Tháng 9-1945, đồng chí được phân công làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ, trực tiếp chỉ huy các mặt trận Nha Trang, Khánh Hòa, cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Phạm Kiệt còn được giao nhiệm vụ là Ủy Trưởng Quốc phòng Nam Trung bộ (gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên).
 
Với tài năng của nhà quân sự nhạy bén, linh hoạt, mưu lược,  đồng chí Phạm Kiệt đã chỉ huy nhiều trận nổi tiếng ở các tỉnh như Chiến dịch Ma-Đrắc, mặt trận Phú Yên, nhất là mặt trận phòng thủ Nha Trang 101 ngày đêm.
       
Tháng 1-1946, lần đầu tiên, đồng chí Phạm Kiệt gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ cử vào kiểm tra các địa phương ở phía nam tại đình Xuân Hòa, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Cuối năm 1946, Phạm Kiệt là Đại Đoàn trưởng Đại Đoàn 31, Quân khu 5; trực tiếp làm Trung đoàn trưởng nhiều trung đoàn chủ lực, phụ trách mảng quân sự của Trường Trung học Quân sự Khu 5 tại Quảng Ngãi.
       
Từ cuối năm 1949, đồng chí Phạm Kiệt được Trung ương điều động ra Việt Bắc, trực tiếp tham gia các chiến dịch Biên giới, Hòa Bình. Năm 1952, là Cục phó Cục Bảo vệ, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Hiệu phó Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.
 
Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, giữa lúc tình hình chiến trường vô cùng căng thẳng; quân và dân ta háo hức chờ lệnh chỉ huy nổ súng tấn công. Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại vì lực lượng pháo phòng không của ta còn quá mỏng và không thiện chiến, trong khi quân Pháp tập trung toàn bộ máy bay ở chiến trường Đông Dương về cứ điểm Điện Biên Phủ.
 
Với vai trò là đặc phái viên của Đại tướng, Tổng Tư lệnh và phụ trách công tác bảo vệ của Mặt trận, Phạm Kiệt đã suy nghĩ, trăn trở, và là người duy nhất mạnh dạn đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem xét lại kế hoạch "Đánh nhanh, thắng nhanh". 
 
Ý kiến đề xuất của đồng chí Phạm Kiệt cùng với những tin tức trinh sát từ các mặt trận gửi về cung cấp nhiều căn cứ quan trọng để Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đề xuất với Đảng ủy quyết định thay đổi phương châm tác chiến cũng như kế hoạch, từ phương án "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, thắng chắc", nhằm bảo đảm cho quân, dân ta chắc thắng ở Điện Biên Phủ.     
    
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét về tướng Phạm Kiệt: ... ở mặt trận anh tỏ ra là người chỉ huy kiên quyết và linh hoạt; khi phụ trách công tác bảo vệ, luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, được Quân ủy Trung ương và cán bộ thương yêu, tín nhiệm. Đặc biệt tại mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Lúc bấy giờ toàn bộ cán bộ, chiến sỹ hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì khẩn trương theo sát tình hình của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. 
 
Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt bằng điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh. Tôi đánh giá rất cao ý kiến đó, cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt trận gởi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch "đánh chắc, tiến chắc". 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và niềm tin đặc biệt đối với Tướng Kiệt. Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, một cán bộ tặng Người khẩu cạc-bin là chiến lợi phẩm thu được của sĩ quan Pháp và Bác đã dành tặng cho Tướng Phạm Kiệt. Hiện món quà đặc biệt đó được trưng bày ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam.
 
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Tướng Phạm Kiệt còn vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc radio của Tướng Đờ-Cát (Pháp) sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người nói: Bác tặng lại chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc...    
 
Khi nhận xét về Tướng Phạm Kiệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "...Trong số cán bộ chủ chốt quê Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, anh Kiệt là người tôi thường xuyên tiếp xúc vì công việc và tâm sự nhiều nhất...Tôi đã nhìn thấy ở anh một con người chân thành, chân thật, dễ gần và dễ mến. Sau này, những ngày sống và làm việc trên đất Bắc, tôi càng hiểu, càng quý anh hơn, quý một con người trung thực, thẳng thắn, lúc nào cũng dám nói thật, không úp mở, rào chắn. ... Anh Kiệt-một tấm gương trong sáng đến vô cùng. Tất cả, lúc nào và trọn đời cống hiến tận tâm, trọn vẹn cho đồng bào, đất nước, không bao giờ đòi hỏi, thu vén cho gia đình. Bởi thế, ai từng công tác, tiếp xúc hay cấp dưới đều kính trọng, kính nể, kính phục và yêu quý anh. Anh sẽ sống mãi trong lòng chúng ta".
 
Tuấn Anh
 
 

.