Tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh: Danh thần trẻ tuổi

08:02, 04/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây đúng 270 năm, vào mùa xuân năm Canh Ngọ 1750, Nguyễn Cư Trinh được cử vào làm Tuần vũ phủ Quảng Ngãi - vị quan đứng đầu phủ Quảng Ngãi- khi đó ông mới vừa 34 tuổi.
Nguyễn Cư Trinh, tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, vốn gốc họ Trịnh, sinh năm Bính Thân - 1716, tại làng An Hòa, huyện Hương Trà, trấn Thuận Hóa, nay thuộc Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình có nhiều người đỗ đạt cao, có nhiều công lao lớn với non sông, đất nước. Khi 18 tuổi ông đỗ Sinh đồ, được bổ chức Huấn đạo; 7 năm sau đỗ Hương tiến, được bổ chức Tri phủ. Ông luôn được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát tin cậy và đình thần kiêng nể vì luôn tận tụy với công việc, ngay thẳng, trung thực, thông minh, có tài thao lược. 
 
Vỗ yên dân chúng
 
Đọc lại những trang ghi chép về Nguyễn Cư Trinh trong Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam thực lục (tiền biên) của Quốc sử quán Triều Nguyễn, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và một số tài liệu khác, mới thấy, không phải bỗng dưng Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lại cử Nguyễn Cư Trinh vào trấn nhận phủ Quảng Ngãi. Hơn ai hết, chúa Nguyễn hiểu rõ đức tính thanh liêm và tài thao lược của vị quan trẻ tuổi này, cũng như tình hình bất ổn nghiêm trọng ở vùng đất Quảng Ngãi lúc bấy giờ. 
Một đồn bảo ở vùng núi Đá Vách (Thạch Bích).                 Ảnh: Đăng Vũ
Một đồn bảo ở vùng núi Đá Vách (Thạch Bích). Ảnh: Đăng Vũ
Trong suốt chiều dài lịch sử hằng vài trăm năm, vùng đất phía tây Quảng Ngãi ít khi được yên bình. Người Thượng thường tràn xuống cướp phá miền xuôi, không những chỉ vì đói khổ mà còn do bị quan lại địa phương dùng các chính sách hà khắc. Vào thời gian này, người Thượng vùng Đá Vách (người Hrê, ở vùng dãy núi Đá Vách = Thạch Bích) quấy phá dữ dội, quan lại nhiều năm không dẹp yên. Vì thế, việc cử Nguyễn Cư Trinh vào nhậm vùng đất này là một thử thách lớn.
 
Tuy nhiên, khi vào đến Quảng Ngãi, Nguyễn Cư Trinh lại không vội dùng vũ lực. Ông đã dành thời gian để đi tìm hiểu thực tế tại địa phương. Ông hiểu rằng: Nguyên nhân chính của những cuộc nổi dậy, cướp phá của người Thượng, là do sự đói khổ của người dân và sự hà khắc, tham lam của quan lại địa phương. Quan quân chỉ lo vơ vét qua việc thu thuế, xử kiện, đi đến đâu thì lùa gà, bắt trâu, bắt ngựa... Vì vậy, để vỗ yên dân chúng, một mặt Nguyễn Cư Trinh viết thư phủ dụ dân miền Thượng, mặt khác động viên quân sĩ bớt lo sợ những con người thoắt ẩn, thoắt hiện ở vùng rừng rú. Để động viên quân sĩ, ông viết tập truyện thơ "Sãi Vãi" bằng chữ Nôm. 
 
Thông qua câu chuyện đối thoại giữa Sãi và Vãi, Nguyễn Cư Trinh không chỉ ngầm ý phê phán quan lại bòn rút sức dân, mà còn truyền đạt đến binh sĩ ý chí cùng lập lại kỹ cương, phép nước. Trong "Sãi Vãi", ông viết: "Đường Nam Phương thấy đó chẳng xa, thì những sợ nhiều quân Đá Vách/ /Tưởng thôi lạc phách, nhớ đến kinh hồn/ Nọ giết người như dế như giun; Nọ hại người như rết như rắn (...)/ Đã vào hang cướp của giết người; Lại xuống nội đuổi trâu, bắt ngựa" (trích từ "Thơ văn Nguyễn Cư Trinh", Phan Hứa Thụy sưu tầm, dịch, chú thích và giới thiệu, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1989, tr.84).
 
Sau khi tìm hiểu thực tế, viết thư phủ dụ, viết truyện thơ động viên quân sĩ, Nguyễn Cư Trinh cho quân tiến lên vùng Đá Vách, xây thêm đồn, đắp thêm lũy, đặt điếm canh, chia phiên đóng giữ, tổ chức việc thông thương, tỏ tình hòa hiếu với người Thượng, nên ngay sau đó vùng núi Quảng Ngãi được yên bình.
Nguyễn Cư Trinh là một danh thần có nhiều công lao không chỉ với Quảng Ngãi, mà đặc biệt, còn có công khai mở, vỗ yên vùng đất phía Nam, từ Bình Thuận tới tận Hà Tiên. Ông còn là một nhà thơ tài hoa, để lại nhiều trước tác giá trị. Năm Ất Dậu (1765) ông được bổ làm Thượng thư bộ Lại. Hai năm sau, năm Đinh Hợi (1767), ông mất, thọ 52 tuổi. 
Những lời tấu trình đầy tâm huyết
 
Không phải chỉ dừng lại trong việc vỗ yên vùng biên trấn, vào tháng 10 năm Tân Mùi (1751), Nguyễn Cư Trinh dâng một tờ sớ khá dài lên chúa Nguyễn Phúc Khoát, trong đó không chỉ trình bày về nỗi thống khổ của nhân dân, mà còn tấu trình về những điều cần cải tổ trong chính sách cai trị của chúa Nguyễn. Ông cho rằng: "Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước không yên. Ngày thường không dùng ân huệ mà cố kết lòng dân, tới khi có việc thì nương tựa vào đâu?".
 
Xét thấy, những quy định của chúa Nguyễn đã quá cũ kỹ, luôn làm sách nhiễu dân chúng, ông tấu trình thêm bốn điều, mà ở đây có thể tóm lược như sau: Điều thứ nhất, các quan phủ huyện không chịu làm việc, chỉ lo thu lợi từ kiện tụng; xin giao cho các tri huyện trực tiếp đi thu các loại thuế để tránh bớt phiền nhiễu. Điều thứ hai, các quan phủ huyện lâu nay chỉ lo bắt bớ, tra hỏi mà kiếm lộc, khiến tiền của dân chúng tiêu hao, còn lòng dân thì càng ngày càng bạc bẽo với triều đình, vậy nên xin cấp thưởng, bổng cho quan lại, ai siêng năng hay lười biếng thì thăng hay giáng chức. Điều thứ ba, đối với việc thu thuế thân, thì cũng cần xem xét, nếu người nào bần cùng quá thì được miễn, để cứu lấy dân nghèo. Điều thứ tư, việc bắt người dân phải đi săn bắn ở núi rừng để về nộp gà, nộp ngựa, làm mọi người than oán, vì vậy, theo ông: "Nên để cho dân tĩnh, không nên làm cho động, vì động thì dễ loạn, tĩnh thì dễ trị".
 
Tiếc thay, những lời tấu trình thống thiết của Nguyễn Cư Trinh đã không được chúa Nguyễn Phúc Khoát trả lời. Ông bèn cố xin từ chức. Lúc bấy giờ, Nguyễn Cư Trinh chỉ mới 35 tuổi.
 
10 bài vịnh cảnh đẹp vùng đất núi Ấn-sông Trà
 
Tất nhiên, không dễ gì chúa Nguyễn Phúc Khoát cho ông từ chức. Vào năm Quý Dậu (1753), chúa Nguyễn triệu ông về làm Ký lục doanh Bố Chánh. Như vậy, Nguyễn Cư Trinh chỉ làm Tuần vũ Quảng Ngãi chưa đầy 3 năm. Tuy chỉ trấn nhậm vùng đất này một thời gian ngắn ngủi, nhưng Nguyễn Cư Trinh cũng còn kịp để lại cho vùng đất núi Ấn - sông Trà 10 bài thơ vịnh cảnh đẹp, mà cho đến ngày nay nhiều thế hệ người Quảng Ngãi vẫn còn nhớ đến. Đó là các bài: Thiên Ấn niêm hà, Long Đầu hý thủy, Hà Nhai vãn độ, Thiên Bút phê vân, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn, Thạch Bích tà dương, Liên Trì dục nguyệt, An Hải sa bàn, Thạch ky điếu tẩu, gọi là Quảng Ngãi thập cảnh.
 
Người đời sau (khuyết danh) còn thêm vào hai bài nữa, là Vu Sơn lộc trường và Vân Phong túc vũ (thành Quảng Ngãi nhị thập cảnh). Rất tiếc là trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn, khi viết về Nguyễn Cư Trinh đã không nhắc đến 10 bài thơ Nôm này, trong khi đó các tác giả trong Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết Đại Nam nhất thống chí, hay Đồng Khánh địa dư chí, phần tỉnh Quảng Ngãi, lại thường nhắc Nguyễn Cư Trinh khi nêu các danh thắng liên quan đến các bài vịnh cảnh đẹp ở vùng đất núi Ấn- sông Trà.
 
      TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
 
 

.