Gói gọn tinh hoa đất Quảng

03:02, 15/02/2020
.
(Baoquangngai.vn)- 50 năm gắn bó với nghề don nơi cuối dòng sông Trà, đến cái tuổi “cổ lai hy”, vợ chồng ông Phạm Ưu cứ nghĩ rằng rồi cái nghiệp ấy sẽ đi vào dĩ vãng. May thay, một trong những số người con lại “hữu duyên” tiếp nối, nhưng ở tầm cao hơn khi chế biến thành công đặc sản don tươi thành don gói ăn liền.
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store.
 
Don vò và một thời khốn khó
 
Tết qua đi nhưng sắc Xuân vẫn đượm đà. Nhiều cửa hàng bán don ở “phố” Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) ngày qua ngày vẫn nườm nượp khách. Thu Xà hôm nay có thể khác trước rất nhiều, nhưng bao năm trở lại, những hàng quán bán don vẫn lặng lẽ ở đó, chờ đợi thực khách xa quê trở về.
 
Kỳ lạ thay, các món đặc sản này dễ tìm thấy khắp Quảng Ngãi nhưng người ta vẫn không quên nhắc tới ở Nghĩa Hòa đây, bởi “ngon đáo để” và có hương vị rất riêng.
 
Cái vị ngon, ngọt thanh bắt nguồn từ hạ nguồn con sông Trà, giao nhau với biển, tạo nên nguồn nước chè hai để don sinh sản. Những giọt mồ hôi của những con người cả một đời lam lũ làm nghề nên khi thưởng thức tại chính nơi này, càng cảm thấy trân quý hơn. Nhiều người rất chung thủy với nghề. 
 
Ông Ưu trân quí những giò đựng don ngày xưa và trưng bày trong vườn nhà.
Ông Ưu trân quí những vò đựng don ngày xưa và trưng bày trong vườn nhà.
 
Nhắc đến cái “xứ don” này, gia đình lão nông Phạm Ưu, gần 70 tuổi ai cũng đều biết. Cả một đời, vợ chồng ông thuộc làu các đoạn sông Trà nơi nào có don, rồi đi thu mua, bỏ lại cho các mối khắp trong tỉnh Quảng Ngãi và nhiều nơi khác. Gần 70 tuổi nhưng nhìn ông vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Mỗi ngày, vợ chồng ông cung cấp khoảng 500kg don tươi mỗi ngày cho các quán don.
 
Ông kể, ông nối nghiệp nghề buôn don từ gia đình phía vợ. Sau này, vợ chồng kết hợp thêm nghề bán don nấu. Khi gà chưa gáy, vợ chồng đã nhóm than, tranh thủ nấu chín đổ vào vò đất để vợ gánh lên thị xã cho kịp buổi chợ. Các con của vợ chồng lão nông buôn don, bán don đã lớn lên cùng hương vị của sông quê. Hôm nào ế quá thì lấy don trừ cơm. 
 
Vợ chồng ông Ưu đã có 50 năm gắn bó với nghề thu mua, bán don.
Vợ chồng ông Ưu đã có 50 năm gắn bó với nghề thu mua, bán don.
 
Bất chợt nhìn cái vò đất, cái ui gốm mà ông sưu tầm, gìn giữ, trưng bày tại nhà. Chỉ vào đó, ông nói cái tích don vò có từ đó đấy. Hồi đó nghèo khó, cái vò, cái ui gắn bó với người bán don ở Thu Xà trên đôi gióng mây, kèm theo cái gáo dừa, vài cái tô sành gánh bộ đi bán.
 
“Don vò nhìn đơn sơ, giản dị nhưng được rất nhiều người ưa thích. Gánh đi hơi nặng nhưng giữ nhiệt nước cốt don rất lâu. Đặc biệt, mở nắp lu ra thơm phức cả một không gian. Khi thưởng thức cảm giác ngon không gì bằng, cứ như vừa múc trên bếp xuống", ông Ưu hồi tưởng.
 
 "Don gói" nối nghiệp "don vò"
 
Cả một đời nặng nợ sông quê, cứ ngỡ với cơ chế của thị trường, hết đời cơ hàn của mình rồi con cháu trong nhà cũng “giã từ dĩ vãng” với cái nghề này. Ấy nhưng, người con trai Phạm Văn Tâm (43 tuổi) đã nhen nhóm tia hi vọng mong manh cho cha mình khi tung ra thị trường sản phẩm don đóng gói ăn liền, trước nay chưa từng có ở Quảng Ngãi.
 
Thành đạt, làm chủ một công ty chuyên cung cấp vải, quần áo ở TP.HCM nhưng những gì mà anh đang làm cho quê hương càng khiến ông Ưu hãnh diện, tự hào hơn bao giờ hết.
 
Ông Ưu nói trong sự xúc động, thằng Tâm là đứa có chí lắm. Thấy cha mẹ khó khăn, nó bỏ học cấp 2, theo bạn vào trong Nam đánh giày kiếm tiền, bao lần tôi “điếng hồn”, đi tìm. Đến nay đã ngót 30 năm tha hương. Khi nó nói nó làm giám đốc, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tôi mừng rơi nước mắt. Chẳng có gì sánh được việc con cái mình nên người và có chỗ đứng trong xã hội cả.
 
Anh Phạm Văn Tâm, con trai ông Ưu, dành nhiều tâm huyết cho đặc sản của quê hương.
Anh Phạm Văn Tâm, con trai ông Ưu, dành nhiều tâm huyết cho đặc sản của quê hương.

Sản phẩm don ăn liền như mì gói, phở gói ăn liền bán trên thị trường. Sản phẩm gọn, nhẹ, thông dụng, tiện lợi, đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu. Đây là ý tưởng được anh ấp ủ từ lâu nhưng chưa có vốn. Sau một thời gian, anh đầu tư gần 10 tỷ đồng để hoàn tất các thủ tục liên quan và xây dựng HTX Don Nghĩa Hòa ở chính nơi mình sinh ra là Thu Xà.
 
Từ ngày HTX manh nha, vợ chồng ông Ưu lại trở nên bận bịu hơn khi trở thành thành viên trong “ngôi nhà” do con mình tạo lập. Vừa quán xuyến công việc thay Tâm, lại vừa là vựa cung cấp nguyên liệu chính.
 
Công đoạn sản xuất don gói khá công phu, phải cần đến hệ thống máy móc hiện đại, chuyên nghiệp như máy rửa don, nồi nấu điện thay cho nồi nấu bếp củi. Sau khi nấu xong phải dùng máy hấp để khử trùng đợt đầu, dùng máy chiết rót đóng bao. Tiếp theo dùng máy diệt khuẩn và cuối cùng là máy đóng gói thành phẩm, đóng bánh tráng, bao bì.
 
Anh Tâm chia sẻ, sản phẩm thay vì dùng chất bảo quản, HTX đã sử dụng công nghệ diệt khuẩn ở nhiệt độ 121 độ C, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, kéo dài thời gian sử dụng lên đến 1 năm. Đặc biệt, luôn giữ nguyên hương vị đặc trưng của đặc sản quê hương núi Ấn sông Trà, dễ dàng vận chuyển đến nhiều nơi.
 
Mẻ đầu tiên ra lò chỉ có vài trăm gói. Chưa kịp chào hàng thì bà con hàng xóm đã dành mua hết. Mỗi một gói don như vậy chứa 120gr gồm có bánh tráng, nước cốt don, phụ liệu tương ớt, hành, gia vị đi kèm... Những ai thưởng thức rồi đều tấm tắc khen ngon bởi hương vị chẳng khác don tươi là mấy.
 
Don
Don gói ăn liền ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. 
 
 
Khó khăn lớn nhất mà HTX gặp phải là nguồn don trên sông Trà không phải lúc nào cũng có, mà tùy thuộc vào con nước. Vậy nên, mùa sản xuất cao điểm rơi vào những tháng nước cạn, còn mùa lũ thì hoạt động sản xuất có phần giảm nhiệt hơn do thiếu nguồn nguyên liệu. Một vấn đề nữa là con don khi cào về phải sản xuất liền trong ngày, không được để sang ngày hôm sau.
 
Trước áp lực lớn lao như vậy, anh Tâm càng thêm quyết tâm hơn, hướng đến một tương lai tươi sáng cho “đứa con” của mình. Sau khi thử nghiệm thành công, anh Tâm tất bật sản xuất để kịp ra mắt sản phẩm vào tháng 3 tới. Khi đó, dự kiến HTX sẽ cung cấp ra thị trường bình quân khoảng 50.000 gói don mỗi ngày.  
 
Theo thời gian, cuộc sống tân tiến, từ gion vò, người ta mang don ra bán ở quán, ở xe đẩy... và giờ là thời của don gói, ăn liền. Người con đất Quảng Ngãi nuôi hoài bão “chắp cánh” cho sản phẩm quê hương giới thiệu đến nhiều nơi trong nước, thậm chí vươn ra thế giới.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store.

.