(Báo Quảng Ngãi)- Cả một vùng rừng núi huyện Minh Long giáp Nghĩa Hành là mạch nguồn của dòng sông Phước Giang. Ngày ấy bạt ngàn rừng tự nhiên với thảm thực vật đệm trên mặt đất là nơi tích trữ nước mưa để rồi hàng trăm khe suối to nhỏ làm cho dòng sông Phước Giang luôn có nước.
Dòng Phước Giang có nhiều nhánh sông, chảy qua nhiều miền quê thuộc huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Cuối cùng sông cũng đổ nước vào sông Phú Thọ rồi ra biển qua cửa Đại - Cổ Lũy. Kể từ thượng nguồn đến vị trí sông còn mang tên Phước Giang, dài khoảng 20km.
Những công trình thủy nông xưa
Do địa hình chảy dốc, nên khi có mưa to, nước thượng nguồn đổ về ồ ạt gây lũ lụt, đến mùa nắng sông Phước Giang cạn không đủ nước để tưới cho ruộng đồng, vì thế người xưa đã đắp các đập nước.
Đập Đồng Thét sát chân núi Hòn Bà cung cấp nước cho ruộng đất hai thôn Bình Thành và Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) là vùng đất hưởng lợi trực tiếp từ nước sông Văn tháo vào ruộng hay tát đợt thấp của nhiều thế hệ trước. Ngoài ra, dọc theo dòng sông nông dân cũng làm nhiều đập ngăn dòng tích nước tưới cho ruộng đồng ven sông vùng không sử dụng được nguồn nước sông Vệ.
Đó là đập Quánh (đập Ông Họa) đắp từ thời Pháp thuộc, dài hơn trăm mét, giữ nước tưới cho đồng Vạn An, đồng Nghĩa Hiệp vùng giáp ranh. Hiện tại đập vẫn đang phát huy tác dụng giữ nước tưới cho vùng đất cuối nguồn Thạch Nham. Cuối cùng của phân nhánh sông này là đập Bến Quang, ngăn mặn, giữ nước ngọt cho ruộng đất vùng giáp ranh các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Trong khi đó, đập Tài, đập Quang nằm giáp ranh hai xã Hành Dũng và Hành Minh (Nghĩa Hành), phía bắc cầu Cây Sanh (Cây Xanh), trước năm 1968 là những đập bổi đắp bằng đất hằng năm, sau đó được xây đúc bê tông cốt thép.
Theo lời kể của một số người già ngoài 80 tuổi ở Hành Nhân và Hành Dũng, sáu làng xã phía hạ lưu có sông Phước Giang chảy qua (nay là các xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Thương, Nghĩa Trung, Nghĩa Hà...) đã mua chung một vùng đất rộng gần đập Quang và đập Tài để hằng năm lấy đất đắp hai đập ấy.
Cứ thế mỗi năm đến cuối mùa mưa các xã này huy động sức dân lên lấy đất, khiêng gánh đắp hai đập để tích nước, đồng thời cắt cử người vào ban quản lý các đập, xả nước theo lịch về vùng xuôi, không để nơi thừa nơi thiếu.
Đập Quánh bắc ngang qua một nhánh của sông Phước Giang hiện được Nhà nước đầu tư xây dựng bê tông nối liền hai xã Nghĩa Thương và Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa). ẢNH: Đông YÊN |
Cho đến bây giờ vẫn còn vùng Đất Sáu Xã. Về sau có thêm đập Bến Lở (trước là đập bổi đắp bằng đất, mỗi năm về sau làm bằng bê tông cốt thép, hiện là đường nối khoảng giữa hai xã Hành Nhân và Hành Dũng) cũng là tăng cường giữ lượng nước sông Phước Giang lại khi mùa mưa sắp kết thúc và mưa giông trong mùa nắng.
Qua đập Tài và đập Quang dần về xuôi mỗi nhánh sông đổi thành nhiều tên. Nhánh đập Tài là sông cầu Xóm Xiếc, sông Bàu Giang, sông Bàu Ráng..., với các đập Ba Điện, đập Phúc Đường, đập Xuân Hưng. Nhánh đập Quang dần xuống là sông Nha, sông La Hà...
Đập Ba Điện dài hơn trăm mét, gắn liền với công lao các thế hệ tiền hiền làng Ba La khởi xướng, hợp tác với làng Điện An xây dựng. Theo truyền khẩu địa phương vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ XIX, nhân vua đi kinh lược Quảng Ngãi, nhóm người họ Bùi và họ Nguyễn làng Ba La đệ đơn xin khai dẫn nguồn nước sông Phước Giang, theo cách "thừa kỳ thủy thế, mông thọ tiên triều", nghĩa là dựa thế nước và khai mở của các triều đại trước mà đào thêm thành sông kênh. Đến nay, dinh yển thờ tiền hiền đập vẫn còn, trong khu quy hoạch đô thị Phú Mỹ, hiện đang được tu bổ toàn diện, chống sạt lở, phục vụ cảnh quang và dân sinh.
Sông vẫn chảy tràn trong ký ức
Sông Phước Giang là nguồn nước tưới (khi chưa có thủy lợi Thạch Nham) và bồi đắp phù sa cho ruộng vườn nhiều xã phía đông huyện Nghĩa Hành, nam TP.Quảng Ngãi, đông và bắc huyện Tư Nghĩa. Qua mỗi mùa lụt, phù sa bồi lên vài tấc, cây cối tốt tươi, nào chuối, thơm, chanh xanh mượt, trĩu quả. Đồng An Sơn của xã Hành Dũng đất tốt, lúa vụ nào cũng năng suất vượt trội. Khi việc đô thị hóa chưa phát triển, các khu dân cư không nhiều thì đồng lúa các xã có sông chảy qua phía hạ lưu rộng lớn mỗi năm hai vụ lúa chín vàng, từng là vành đai lương thực cho khu vực giữa tỉnh Quảng Ngãi. Do đất tốt và để chống sạt lở, nên dọc hai bờ sông Phước Giang người ta trồng nhiều tre.
Cũng xuất phát từ nhu cầu sử dụng tre để làm nhà ở, đan phên vùng biển, làm bè rớ vùng cuối các dòng sông, làm bờ xe nước dọc sông Trà Khúc mà ngày trước thôn An Sơn và các thôn khác đã xuất hiện nghề buôn tre đường sông. Nhiều gia đình có sức lao động khỏe, họ mua tre dọc hai bờ sông Phước Giang, đốn hạ, dọn sạch gai, mắt rồi kết bè đưa về xuôi, chỗ nước nhiều thì chèo, chỗ nước cạn thì kéo bè đi.
Gặp đập nước thì tháo bè vác từng cây qua đập rồi kết bè lại chèo chống, vận chuyển đi tiếp đến nơi bán. Mỗi chuyến buôn mất mấy ngày, vất vả, nhưng kiếm tiến công khá hơn làm nông, nên nhiều đời họ vẫn làm nghề cho đến khi miền xuôi hết nhu cầu sử dụng tre vào các việc ấy nữa.
Từ khi có nước Thạch Nham tưới khắp tỉnh, vai trò cấp nước tưới của sông Phước Giang cho ruộng vườn không còn lớn, trừ đập Quánh, đập Ba Điện, nhiều đập bị bỏ hoang phế theo thời gian. Dòng sông chỉ còn bồi đắp phù sa cho đất và thoát nước mùa mưa lũ. Dẫu vậy, dòng Phước Giang vẫn đong đầy trong ký ức của những người dân từng gắn bó với con sông này.
Bùi Văn Tạo