(Báo Quảng Ngãi)- Không biết bằng cách nào, từ thời cổ đại, chè trở thành thức uống phổ biến bậc nhất địa cầu và lưu truyền cho tới bây giờ. Tôi có cái thú đi miền núi, hỏi những điều tưởng như đơn giản, nhưng lại không dễ gì những bộ óc uyên thâm có thể ngồi trong phòng sang trọng mà nghĩ ra nổi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xã Trà Nham (Tây Trà) có các thôn Trà Cương, Trà Huynh, Trà Long, Trà Vân, là nơi đồng bào Cor sinh sống. Nói xã Trà Nham xa cũng không đúng, mà nói gần cũng có thể là sai. Từ phía hữu ngạn sông Trà Bồng đi ngược về phía tây, qua huyện Trà Bồng, lên đến đỉnh dốc Eo Chim lộng gió mây trời, nếu đi tiếp nữa thì sẽ lên các xã Trà Lãnh, Trà Phong (Tây Trà). Còn muốn đi xã Trà Nham thì phải rẽ trái, đi về hướng đông nam, quanh co năm, sáu cây số nữa, nơi thấp thoáng núi Cà Đam hùng vĩ trước mặt.
Cây chè đã bén duyên với đất Trà Nham (Tây Trà) từ thuở xa xưa. Ảnh: THIÊN HẬU |
Xã Trà Nham nằm ở khối núi bắc Cà Đam, với thung lũng sâu, núi dựng cao, giữa đất trời rộng thoáng. Đây cũng là quê nhà của ông Phó Mục Gia, thủ lĩnh nghĩa quân Cor can trường chống Pháp trong phong trào Nước Xu Đỏ trước năm 1945. Nhiều người cho biết ông có tầm vóc quắc thước, sống lâu trăm tuổi và không biết chừng là nhờ cây chè quê hương.
Trên lưng chừng núi cao phía bắc núi Cà Đam hùng vĩ từ thuở nào người Cor đã trồng chè và dùng chè. Ở Quảng Ngãi rải rác đâu đâu cũng có trồng chè. Người Kinh ở đồng bằng trong vườn thường có một ít cây chè trồng hái lấy lá uống. Ở miền núi cũng vậy, trên các rẫy đồng bào miền núi cũng trồng ít chè để dùng. Vào dịp lễ hội, người ta nấu nước chè trong cái nồi bung to để đủ cung cấp cho cả làng. Có vùng chè như ở huyện Minh Long bà con người Hrê trồng nhiều chè, cứ sáng sáng lên rẫy cắt chè đầy gùi, cõng xuống chợ bán.
Ở núi Cà Đam, sườn phía nam núi Cà Đam với các thôn Quế, thôn Trung cũng trồng nhiều chè. Nhưng đặc biệt ở phía bắc núi, tức vùng Trà Nham, bà con người Cor trồng chè thành rừng. Có những cây chè cổ thụ to cả người ôm.
Người ta kể, xưa kia, người Kinh cũng từng lên đây mua chè, ở lại sấy cho lá khô khỏi rơi rụng, rồi mang về bán ở miền xuôi. Còn với đồng bào tại chỗ, việc nấu chè uống hằng ngày, đơn giản là cắt từng nhánh chè tươi đem về cho vào nồi nấu chín, cũng có khi kỹ hơn nữa thì giã cho lá chè nát trước khi nấu.
Người Cor còn bỏ thêm vào nồi chè một ít vỏ cây a-zên mà bà con cho rằng nó có thể trị đau lưng. Lại còn có cách là giã nát chè, nấu suốt cả ngày, chè sẽ cô đặc thành bánh, để khô tựa như miếng bánh dầu để dành, khi cần thì cắt một mẩu nhỏ bỏ vào nước sôi là có chén chè để uống. Cách cô đặc chè kiểu này cũng khá độc đáo.
Khi chúng tôi lên thăm vườn chè thôn Trà Vân, có cô Đỗ Thị Lành ở UBND xã Trà Nham đi cùng. Đứng trước vườn chè xanh mướt như ngọc, cô Lành bảo: Chè ở đây là loại chè cọng, không phải chè búp, bảo đảm sạch, vì bà con không ai dùng đến thuốc trừ sâu, vì đây là cây chè đã ăn chịu đất này từ nhiều thế kỷ. Tôi nhìn rừng chè khỏe mạnh, lá dày và tin lời cô Lành nói. Chúng tôi hái mấy lá chè và nhai, không quên hỏi mua một bó chè to với giá rất rẻ.
Chè là thức uống được nhiều người dân ưa chuộng. Ảnh: T.H |
Tôi nhớ, chừng khoảng năm 1984, có lần tôi lặn lội lên tìm hiểu để viết về cây chè ở nông trường Bình Khương phía tây huyện Bình Sơn. Trước khi đi tôi đọc bằng hết giáo trình viết về cây chè của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Đến giờ, tôi hãy còn nhớ là cách trồng chè ra sao, giữ đai rừng phòng hộ chung quanh vườn chè ra sao, thế nào là đốn tạo hình, thế nào là hái chè búp... nhưng nhớ nhất là cái ý: Chè là một thức uống lý tưởng.
Sau vụ bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki ở Nhật, người ta nghiệm ra rằng, nơi người ta uống nhiều chè nhất là nơi ít bị nhiễm xạ nhất. Chè có chất tanin giải độc tố trong cơ thể, ngoài những vitamin vốn có. Cho nên nhiều phụ nữ còn dùng chè nấu nước tắm để khử trùng cho da, tẩy đi các tế bào chết, cho da sạch sẽ, hồng hào. Khi tôi nói điều này, cô Lành cũng buộc miệng: “Người dân ở đây cũng đặc biệt rất ít bị bệnh, chắc do uống nhiều chè!”
Chè trên vùng Cà Đam nói chung, hay chè ở Trà Nham nói riêng trồng trên núi cao, trong khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng đặc thù, nên có lẽ không giống với giống chè ở đồng bằng hay núi thấp. Ở trên thượng ngàn và thanh sạch, lối khai thác sử dụng tự nhiên, có lẽ nên gọi là “San tuyết” Trà Nham và thử dùng để biết. Chè ở đây hiện có khoảng 50ha, đang được chính quyền địa phương lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu và quy hoạch mở rộng.
CAO CHƯ