TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi theo lối hành hương lên núi Thiên Ấn. Nơi đây không còn là ngọn núi của “Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh/ Liều mình lén mẹ theo anh phen này”, mà người xưa từng miêu tả. Đường lên Thiên Ấn bây giờ in bóng các loại cây lấy gỗ như bạch đàn, keo... do người dân trồng dày đặc từ chân lên đến đỉnh núi. Thi thoảng, cũng có vài khoảnh đất còn trống chưa trồng keo bị bỏ hoang hóa, cỏ dại mọc đầy, nhưng tuyệt nhiên, không tìm được bóng dáng cỏ tranh.
Sườn núi Thiên Ấn từng một thời dày đặc cỏ tranh nay chỉ còn keo lai, bạch đàn và cây bụi mọc chen chúc. |
Mang câu chuyện về một loại cỏ cây dân dã từng gắn với núi Thiên Ấn như một đặc trưng hỏi Đại đức Thích Đồng Hoàng, chùa Thiên Ấn - ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Ấn suốt mấy trăm năm qua, thì được Đại đức chậm rãi kể rằng: “Ngày xưa, Thiên Ấn bốn bề là cỏ tranh bao phủ. Đứng dưới chân núi nhìn lên, sẽ được thấy những đám tranh xanh mướt gặp gió nhấp nhô, gợn sóng. Rồi mỗi độ tháng Giêng về, khi cỏ tranh nở hoa; cả ngọn núi được nhuộm sắc trắng hoa tranh. Khung cảnh ngày ấy thanh bình, u tịch lắm”.
Cái “ngày xưa” mà Đại đức Thích Đồng Hoàng hồi tưởng là khoảng thời gian cách đây chỉ chừng... hai mươi năm về trước - ngày mà cây keo lai, bạch đàn chưa “bén duyên” ở vùng đất này. Cỏ tranh là loại cây có rễ lan dài, ăn sâu dưới đất và có hoa màu trắng, nhẹ như sợi bông.
Cỏ tranh không chỉ tự sinh sôi qua chồi rễ, mà còn nhờ hoa tranh phát tán rất xa theo gió. Hoa bay đến đâu, cỏ tranh nảy mầm đến đó. Vậy nên hằng năm, dù người dân sống ở khu vực chân núi Thiên Ấn ngày ấy luôn đều đặn tìm lên núi để cắt cỏ tranh, nhưng Thiên Ấn vẫn là ngọn núi có cỏ tranh bao phủ dày đặc.
Lục lại ký ức, bà Nguyễn Thị Nhung, một người dân sống ngay dưới chân núi Thiên Ấn trầm ngâm: “Ngày xưa, cứ đến tháng Giêng, khi cỏ tranh vừa đủ “già”, là cả nhà tôi lại lên núi Ấn cắt cỏ tranh. Cỏ tranh mang về được phơi nắng hai ngày cho khô, sau đó sắp xếp ngay ngắn rồi đan thành tấm để lợp mái nhà. Ngày trước, nhà tranh, vách đất là chủ yếu, nên nhà nhà đều tìm lên núi Ấn cắt tranh. Cỏ tranh ngày ấy cắt hoài không hết, nên đâu ai tưởng tượng được rằng, có một ngày, núi Ấn hết tranh”.
Nhiều tiểu thương buôn bán quanh khu vực chùa Thiên Ấn - những người đều đặn lên núi Thiên Ấn mỗi ngày để mưu sinh kể rằng, cỏ tranh trên núi Thiên Ấn thưa vắng dần từ cách đây khoảng mười năm – thời điểm cây keo lai được trồng nhiều trên núi.
Rồi 5 năm trở lại đây, cỏ tranh chính thức... biến mất khỏi núi Thiên Ấn. Ngay cả cung đường “Đường giác ngộ đi bộ lên chùa” - nơi được xem là vẫn giữ lại được nhiều cỏ tranh nhất kể cả khi cây keo lai xuất hiện, giờ cũng chẳng còn bóng dáng cỏ tranh. Có chăng, chỉ là những bụi cỏ hoa xuyến chi, cỏ lau... phủ dày hai bên đường.
Vậy là, cây cỏ tranh trên núi Thiên Ấn đã dần dà nhường chỗ cho các loại cây lấy gỗ khác. Câu ca dao mà người xưa từng mượn hình ảnh cỏ tranh dày đặc trên núi Ấn để bày tỏ tình yêu lứa đôi: “Bao giờ Thiên Ấn hết tranh/ Sông Trà hết nước, anh đành xa em” thoắt cái đã trở nên "lỗi thời", chẳng còn phù hợp với núi Thiên Ấn ngày nay.
Cỏ tranh trên núi Thiên Ấn không còn. Hình ảnh ngọn núi Ấn nên thơ, tươi đẹp được “dệt” bởi thảm cỏ tranh xanh rập rờn uốn lượn theo gió nay cũng chỉ còn trong ký ức. Người làng sống quanh núi Thiên Ấn nay cũng chẳng còn có thể lên núi cắt cỏ tranh về phơi khô lợp nhà, hay nhóm lửa vào mỗi độ tháng Giêng về. Họ cũng không còn cơ hội thết đãi khách món nước rễ tranh nấu cùng râu bắp và hào hứng khoe: “Ngọt thơm lắm, nước rễ tranh núi Ấn quê mình...”.
Tiếc nuối một loại cây giữ đất... Theo Đại đức Thích Đồng Hoàng, “cỏ tranh có rễ bám sâu nên giữ đất rất tốt. Nay cỏ tranh không còn, đồng nghĩa với việc thảm thực bì bảo vệ sườn núi Thiên Ấn mất đi. Thế nên vài năm trở lại đây, mỗi lần mưa lớn, nhiều vị trí trên núi Thiên Ấn xuất hiện tình trạng sạt lở, các vị trí này phần lớn đều là các khu vực đất trống không có cây bao phủ”. |
Bài, ảnh: Ý THU