Người có công đầu đưa kỹ thuật xe nước về Quảng Ngãi

07:09, 27/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là người phụ nữ mà ngày xưa dân làng gọi là “Mụ Diệm”. Bà là người có công đầu tiên đưa kỹ thuật xe nước từ phủ Hoài Nhơn về dựng trên sông Vệ ở làng Bồ Đề từ giữa thế kỷ XVIII.

TIN LIÊN QUAN

Lần theo tích cũ

Lần theo những khảo cứu trước đó, chúng tôi tìm đến nhà thờ họ Nguyễn Văn ở làng Bồ Đề, tổng Lại Đức, huyện Mộ Hoa, phủ Tư Nghĩa, trấn Quảng Ngãi (nay là thôn 1, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) - nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến người phụ nữ có tên là “Mụ Diệm”.

Nhà thờ họ Nguyễn Văn tọa lạc trên khu đất thoáng đãng, diện tích khoảng 1.000m2 gồm cổng, lối vào, nhà thờ, nhà trù và sân vườn. Nhà thờ có kiến trúc nhà rường dạng ba gian không có chái. Tường hai bên xây bít lên đến bờ nóc bằng chất liệu gạch trát vữa. Cửa theo kiểu cửa song bài cùng các ô hộc trang trí hoa dây. Hai gian bên xây tường trổ cửa sổ dạng chữ hỉ. Mái nhà lợp ngói vẩy.

Miếu bà Ngôn.
Miếu bà Ngôn.

Qua các hiện vật, tài liệu Hán Nôm được lưu giữ tại nhà thờ và qua lời kể của các bậc cao niên trong dòng họ Nguyễn Văn, được thờ chính trong nhà thờ là vợ chồng ông Diệm Nguyễn Văn Ngói và bà Trần Thị Ngôn (bà Diệm) - người có công đầu tiên đưa kỹ thuật xe nước từ phủ Hoài Nhơn về dựng đặt trên Sông Vệ ở làng Bồ Đề vào thế kỷ XVIII; cùng phối thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền.

Ông Diệm Nguyễn Văn Ngói là con trai của ông Định Nguyễn Văn Trạch, quê làng An Ba, tổng Quy Đức (nay là xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành), sau này ông theo cha mẹ di cư xuống làng Bồ Đề lập nghiệp. Khi lớn lên, ông nối nghiệp cha làm nghề đóng cối xay.

Thợ làm nghề này thường di chuyển từ làng này sang làng khác và ra cả các tỉnh lân cận để mưu sinh. Khi đến ngụ ở Bình Định, ông kết hôn cùng bà Lê Thị Biện và có một con trai tên là Nguyễn Văn Tương. Sau khi bà Lê Thị Biện - người vợ cả qua đời, ông trở về quê và tái hôn với bà Trần Thị Ngôn - con gái lớn dòng họ Trần giàu có.

"Lai lịch" của guồng xe nước

Vốn là một người phụ nữ thông minh, tài giỏi và tháo vác về kinh tế, bà Ngôn thấy guồng xe nước ở sông Lại Giang (Hoài Nhơn, Bình Định) có lợi cho nghề nông, nhất là tại vùng đất Bồ Đề. Đây là một vùng gò đồi, vào mùa khô, ruộng đồng khô hạn vì thiếu nước chỉ trồng được các giống cây chịu hạn như lúa trì trì, đậu phụng, mía, đời sống nhân dân rất khó khăn.

Bà Ngôn đã thuê thợ xe ở Bình Định, cùng sự giúp sức của ông Nguyễn Văn Tương, tận dụng các vật liệu sẵn có như gỗ, tre, mây, rơm làm guồng xe nước giống kiểu mẫu bờ xe nước trên sông Lại Giang.

Lúc đầu, bà Ngôn chỉ dựng 3 xe nước để đưa nước từ sông lên ruộng của 6 thôn để canh tác. Tài liệu của P.Guilleminet (người Pháp) ghi rằng: “Chính chồng lão Diệm, hay chính xác là mụ Diệm là người có vinh dự đã đem các guồng nước từ Bình Định sang Quảng Ngãi. Năm 1754, gia đình này có 6 guồng nước, hai guồng ở Thượng Tân, hai guồng ở Thổ Kỳ, hai guồng ở Viên Nguyệt.

Các làng Bồ Đề, Phú Lộc, Hoa Bân, Đông Dương, Viên An và Long Phụng đều được tưới nước”.  Đồng thời, bà Ngôn còn cho người đào kênh An Long (xã Đức Hiệp) để tưới nước trên những đồng ruộng lớn, dần dần củng cố và mở rộng ra các xã Đức Chánh, Đức Nhuận, Đức Thắng gọi là Kênh Tứ Đức.

Từ đó về sau, khắp nơi đều có xe nước. Các guồng xe nước lần lượt được người dân dựng trên các sông Trà Khúc và sông Trà Bồng, đưa nước về tưới cho các cánh đồng, mang đến những vụ mùa bội thu và Mộ Đức trở thành vùng lúa trọng điểm của Quảng Ngãi thời bấy giờ.   
      
Ghi nhớ công lao của bà Ngôn, con cháu và nhân dân trong làng lập miếu thờ ngay trong khuôn viên đất của dòng họ. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, con cháu và nhân dân tổ chức lễ tế vía bà theo nghi thức cổ truyền. Ông Nguyễn Tiến Hoá (65 tuổi), thành viên ban tộc biểu dòng họ Nguyễn Văn cho biết: Tự đường Nguyễn Văn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII.

Xưa kia, nhà thờ có tên là miếu bà Diệm (miếu bà Ngôn). Trước đây, ngoài lễ giỗ bà, người dân làng Bồ Đề còn thực hiện nghi lễ hiến sống tam sinh vào lệ “lễ cáo bà” tại nhà thờ trước khi tu sửa các kênh mương trong làng. Trải qua thời gian, miếu bà Diệm đổi tên thành Nguyễn Tự đường - nơi thờ tự tổ tiên và con cháu trong dòng họ Nguyễn Văn.

Theo các nhà nghiên cứu, việc đưa kỹ thuật xe nước về Quảng Ngãi và đào kênh Tứ Đức vào thế kỷ XVIII của bà Diệm Trần Thị Ngôn khẳng định bà là tổ nghề xe nước tại Quảng Ngãi, đồng thời ca ngợi vai trò trụ cột, sự sáng tạo, trí thông minh, phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam và sự cần cù, nhẫn nại của người nông dân trong lao động, sản xuất.


Bài, ảnh: P.LÝ - DI HÀ


 

.