(Baoquangngai.vn)- Chỉ với kỹ thuật đơn giản, người dân đã sắp xếp, chất chồng những viên đá núi thành bức tường kiên cố như một chiếc áo giáp cứng cáp giữ đất cho nhà, cho làng của mình. Về các xã phía tây của huyện Nghĩa Hành, thật lạ mắt, thú vị khi bắt gặp hình ảnh những bức tường đá đơn sơ như vậy.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ TP.Quảng Ngãi theo Tỉnh lộ 624 nối Nghĩa Hành – Minh Long, qua khỏi đèo Eo Gió có những ngôi nhà dọc đường nằm trên triền núi, dưới bóng cây mát mẻ. Đấy là xóm Đèo, thôn Phú Lâm Đông, xã Hành Thiện có khoảng 70 ngôi nhà có những bức tường, hàng rào bằng đá.
Ông Lê Thanh Tùng (1950) ở xóm Đèo nhớ lại những ngày đầu tiên đến chân đèo Eo Gió khai hoang, làm nhà. Trước đây, nhà ông ở xóm trong, những năm 1986 – 1987, cả xóm bị những trận lụt lớn, dồn dập khiến nhà cửa hư hỏng hết. Những người dân ở xóm trong phải chạy lụt chuyển đến chân núi tránh lũ.
“Hồi đó, muốn làm nhà, chúng tôi phải khai hoang, san lấp, đào núi để có mặt bằng. Không có phương tiện đào ủi như bây giờ, mọi người chỉ dùng sức mình, cuốc, xẻng để đào đất phía sau chuyển ra phía trước. Lúc đó đá nhiều vô số kể, chúng tôi khiêng ra phía trước xếp thành những lớp dài và dày để làm bờ thành giữ đất không bị sạt. Rồi mọi người xây nhà ở từ đó đến nay, hình thành nên xóm Đèo như bây giờ”, ông Tùng cho hay.
Ngôi nhà của ông Lê Thanh Tùng có bức tường đá phía trước |
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Châu (1947) ở xóm Đèo cũng là một trong những ngôi nhà sử dụng đá để làm bờ thành phía trước. Ngôi nhà cao ráo trên triền núi, cách mặt đường khoảng chừng 2m có bức tường đá rất đẹp. Ông Châu cho hay, trước đây nhà ông cũng sử dụng đá để chất thành bờ tường, sau này ông làm nghề xây dựng có điều kiện làm lại bờ tường bằng đá xây với xi măng có độ kết dính cao.
Phía trước, ông Châu còn trồng cây lá gai để giữ bờ tường, đồng thời bán cho những người làm bánh ít lá gai trong vùng. “Có lẽ đây là một trong những phong tục tập quán của người dân địa phương dùng đá có sẵn để làm bờ thành, tường đá từ lâu đời rồi. Cho đến bây giờ, nhiều ngôi nhà mới xây vẫn dùng đá để làm bờ tường, hàng rào”, ông Châu chia sẻ.
Ở xóm Đèo, có nhiều ngôi nhà có hàng rào bằng đá cao hơn 1m mà vẫn giữ đất suốt hàng chục năm qua. Những bức tường không chỉ giữ cho ngôi nhà kiên cố, mà còn góp phần tạo nên không gian đẹp cho phía trước ngôi nhà. Một vài gia đình còn kè đá để làm vườn trồng cây theo kiểu bậc thang. Người dân còn trồng hoa ven đường để tạo cảnh quan đẹp mắt.
Một trong những ngôi nhà có bức tường bằng đá xếp phía trước ở xóm Đèo, thôn Phú Lâm Đông |
Không chỉ ở xóm Đèo có những bức tường bằng đá mà cách đó không xa, tại xã Hành Tín Đông có ngôi làng cổ Thiên Xuân xung quanh được bao bọc bằng đá để bảo vệ dân làng khỏi thú dữ, chống sạt lở đất. Những con đường trong làng, hệ thống dẫn nước, hàng rào đều được sắp xếp bằng đá độc đáo. Những bức tường chỉ chất bằng đá không có chất kết dính vẫn giữ được độ bền theo thời gian.
Tại các xã phía tây Nghĩa Hành cũng là nơi bờ Trường lũy Quảng Ngãi nổi tiếng ngang qua như các xã Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây... trong đó, nhiều đoạn vẫn còn giữ nguyên vẹn. Đó là những bức tường thành bằng đá lâu đời, có ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa về sự kết nối giữa các dân tộc Kinh và Hrê nơi này.
“Trước đây, trong lúc đi làm rẫy, người dân có nhìn thấy những bờ thành bằng đá phía sau núi. Người dân đã bắt chước lấy đá làm theo để đắp bờ giữ đất xây nhà. Mãi đến sau này, khi các chuyên gia, nhà khảo cổ đến tìm hiểu, chúng tôi mới biết đó là Trường lũy kéo dài qua các huyện”, ông Lê Thanh Tùng kể thêm.
Bài, ảnh: B.HÒA