Ký ức một dòng sông

08:06, 29/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sông Bài Ca không rộng và dài như bao dòng sông khác, nhưng là "quà tặng" của thiên nhiên cho mảnh đất Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Hiền hòa, thơ mộng như tên gọi, sông Bài Ca đã gắn liền với ký ức đẹp đẽ của người dân ở đây.

TIN LIÊN QUAN

Con sông của quá khứ

Với đa phần người dân ở Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, dòng sông Bài Ca đã gắn liền với cuộc sống của họ, từ cái thời cha ông họ về đây khai thiên lập địa. Con sông đẹp, hiền hòa và thơ mộng đúng như tên gọi. Con sông tuy nhỏ, nhưng đã gắn liền với bao biến thiên của lịch sử.

Theo lời cụ Nguyễn Duy Ích (82 tuổi), một người dân ở Tịnh Hòa, thì ngày trước, bên kia bờ, nghĩa là địa phận Tịnh Kỳ là một rừng đước bạt ngàn. Những ngày chiến tranh, mỗi khi được báo động có máy bay trực thăng của Mỹ càn qua vùng này, tất cả dân chúng hai thôn Đông Hòa (Tịnh Hòa) và Kỳ Xuyên (Tịnh Kỳ) đều tất bật bơi thúng sang rừng đước trú ngụ.

Sông Bài Ca chảy qua xã Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) ngày càng hẹp dần.
Sông Bài Ca chảy qua xã Tịnh Hòa và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) ngày càng hẹp dần.

“Ngày đó, rừng đước rộng và xanh mướt lắm. Nó cũng từng là căn cứ cách mạng và là nơi bộ đội về trú ẩn. Rồi những năm chiến tranh qua đi, chính rừng đước ấy là nơi sinh sống của cá, tôm, hàu... Người dân hai bên bờ cứ thế mà hưởng lợi. Con sông hiền hòa, trù phú đã nuôi sống bao nhiêu lớp người rồi”, ông Ích chia sẻ.

Sông Bài Ca chảy qua hai xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ có chiều dài hơn 5km, bắt nguồn từ sông Trà Khúc qua cửa đại của xã Tịnh Khê và cuối cùng là hòa về cửa biển Sa Kỳ. Ngày trước, đây là con sông “nuôi lớn” bao thế hệ, bởi cứ quăng lưới ra sông thể nào người dân cũng được mớ cá, tôm mang về bán. Rồi những đêm trăng thanh, người dân lại chèo ghe, chèo thúng qua các con lạch vào rừng đước để giăng bắt cá, tôm. “Hồi đó, có những đám cưới, chú rể là người Tịnh Kỳ qua rước cô dâu bên Tịnh Hòa bằng ghe, vui lắm. Rồi mấy mùa Trung thu, đám trẻ con đùa nhau í ới nhảy lân quanh bên hai bờ sông dưới ánh trăng thanh bình lắm. Con sông này gắn liền với đời sống của chúng tôi từ những ngày tháng giản dị mãi tới giờ nên ai cũng có ký ức, kỷ niệm với nó cả”, ông Ích bày tỏ.

Tiếc nuối một dòng sông

“Bây giờ, lòng sông đã hẹp dần rồi. Bên kia sông là những hồ tôm, những công trình xây dựng "mọc" lên, lấn chiếm xâm thực hết mé sông. Phía bên này các nhà máy đá mọc lên, rồi bãi đà đóng ghe tàu cũng mới được xây dựng lấn chiếm hết. Không biết rồi mai sau, dòng sông này còn đủ chỗ để cho ghe thuyền về đậu không nữa”, Trưởng thôn Đông Thuận Phùng Thanh Việt chia sẻ.

Theo nhiều hộ dân ở thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa, ngày trước lòng sông Bài Ca rất rộng. Đây là nơi “tập kết” của các tàu thuyền nằm bờ, neo trú sau những ngày dài đánh bắt ở các ngư trường. Thế nhưng, vài năm trở lại đây các hồ tôm mọc lên như “nấm” rồi các công trình như nhà máy đá, bãi đà cũng được xây dựng, lấn chiếm toàn bộ hai bên bờ, khiến lòng sông cứ thế hẹp dần. Rừng đước ngày trước bên thôn Kỳ Xuyên của xã Tịnh Kỳ giờ đã thay thế bằng những ngôi nhà bằng xi măng kiên cố mọc san sát với nhau dọc mép sông. Sự bình yên, hiền hòa của dòng sông Bài Ca đã bị biến mất. Thay vào đó là những tiếng máy nổ của các nhà máy đá, tiếng đục gõ ngày đêm ở những bãi đà đóng tàu thuyền. Hình ảnh ghe, thúng chèo từ bờ bên này, sang bờ bên kia cũng không còn.

“Bây giờ khó mà tìm được một con tôm, con hàu ở lòng sông này. Có hôm thả lưới từ khuya tới sáng hôm sau vớt lên chỉ toàn rác. Bây giờ dòng sông này bị tác động nhiều, nên ô nhiễm lắm. Thế hệ trẻ sau này lớn lên cũng chẳng thể nào biết rằng đã từng có một dòng sông hiền hòa, thơ mộng chảy qua nơi chúng sống”, ông Việt than thở.

Bài, ảnh: HOÀI BIỆT



 


.