(Báo Quảng Ngãi)- Đập Bến Thóc, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) là một trong những công trình đầu tiên cắt dòng sông Vệ đưa nước tưới cho các cánh đồng hạ lưu phía nam, phía bắc huyện Mộ Đức trong những năm đầu thế kỷ XX. Nơi đây, không chỉ để lại dấu ấn dẫn thủy nhập điền, mà còn là nơi giao lưu buôn bán giữa miền xuôi, miền ngược.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đưa chúng tôi đi qua những di tích đập Bến Thóc, chợ Vom, ga Lam Điền, nhiều lão nông tri điền cho rằng, đây là ba nơi giao thương ghi dấu một thời khi đường bộ chưa phát triển. Người dân đã tận dụng đường thủy sông Vệ đưa ghe chở nông, lâm sản từ huyện Ba Tơ đến đập Bến Thóc. Từ đây, các tiểu thương vận chuyển hàng hóa đến chợ Vom, đến ga Lam Điền, để đưa đi các nơi tiêu thụ.
“Sứ mệnh” của con đập
Đứng bên biền dâu xanh ngắt, lão nông Nguyễn Chí (61 tuổi), ở thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp, đưa tay chỉ đập Bến Thóc bảo: Con đập này có trước khi tôi ra đời. Nghe các cụ già kể lại, con đập gắn với tên đập Bến Thóc là bởi liên quan nhiều đến sản xuất mùa vụ và cũng là nơi tập kết nông, lâm sản, chủ yếu là lúa để bán đi các nơi.
Đập Bến Thóc bây giờ như một chứng tích về vùng đất hưng thịnh một thời. |
Ngày đó, chưa có công trình thủy lợi dẫn nước về đồng. Các cánh đồng phía đông và phía nam huyện Mộ Đức thiếu nước tưới. Tận dụng dòng sông Thoa, một nhánh rẽ của sông Vệ, từ thời Pháp thuộc trên vùng đất này đã xây dựng thân đập Bến Thóc. Hằng năm, cứ đến tháng 11 âm lịch, khi lũ đi qua, con nước dòng sông Vệ thong dong chảy, người dân làm bờ cừ ngăn dòng sông Vệ.
Dòng nước mát được bổ sung vào dòng sông Thoa và kênh đào Tứ Đức (gồm các xã Đức Hiệp, Đức Nhuận, Đức Thắng và Đức Lợi). Đập Bến Thóc trở thành nơi điều tiết nước, để tưới cho các cánh đồng phía nam, phía bắc của huyện.
“Ngày đắp bờ cừ dân làng thức trắng đêm. Người chặt tre, đánh phên, người cuốc đất, gồng gánh đắp đập. Sau nhiều ngày lao động, dân làng đã tạo thành ba bờ cừ vững chắc. Mỗi bờ dài 200m, cắt ngang dòng sông Vệ tạo dòng chảy theo hướng chỉnh trị của dân làng”, Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như nhớ lại. Có nước tưới, các cánh đồng tươi tốt, nhờ đó góp phần đưa huyện Mộ Đức trở thành vựa lúa lớn của tỉnh.
"Đập Bến Thóc là nơi lưu dấu một thời về trí tuệ của nông dân trong việc chỉnh dòng sông Vệ để dẫn thủy nhập điền, tưới tắm cho các cánh đồng tươi tốt; là nơi trao đổi mua bán hàng hóa một thời sôi động. Cùng với đập Bến Thóc, xã đề nghị huyện Mộ Đức đưa các di tích ga Lam Điền, chợ Vom vào diện quy hoạch gắn với di tích họ Nguyễn, quê ngoại của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để phát triển du lịch. Xã cũng đã quy hoạch lại diện tích trồng dâu nuôi tằm, nhằm khôi phục nghề ươm tơ, dệt lụa vốn có từ xa xưa, đáp ứng nhu cầu cho du khách tham quan trải nghiệm". Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như |
Sôi động một thời
Qua mỗi mùa thu hoạch, theo dòng chảy của con kênh Tứ Đức và sông Thoa, người dân từ các nơi dùng ghe vận chuyển nông sản tập kết đến đập Bến Thóc. Phía thượng nguồn Ba Tơ và các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thịnh, Hành Thiện (Nghĩa Hành) cũng tập kết nông, lâm sản theo dòng sông Vệ xuôi đến nơi này.
“Trong ký ức tuổi thơ của tôi, đập Bến Thóc là nơi khá sôi động. Từ sáng sớm ghe thuyền tấp nập. Nhiều tư thương đến thu mua nông, lâm sản rồi đưa đến chợ Vom bán cho các tiểu thương, sau đó hàng hóa được chuyển đến ga Lam Điền đưa đi các nơi. Nhiều người ví von, đập Bến Thóc là điểm tập kết của con đường “tơ lụa” trên dòng sông Vệ”, ông Như kể.
Chợ Vom, ga Lam Điền cách đập Bến Thóc vài trăm mét. Trong quá khứ, ga Lam Điền, chợ Vom và đập Bến Thóc đã tạo nên một không gian sôi động ở phía tây bắc của huyện Mộ Đức. Đập Bến Thóc còn gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người. Ngày đó, khi dòng sông Vệ được ngăn dòng, nước trong xanh mát rượi. Sau những giờ học, bọn trẻ lùa trâu, bò xuống dòng sông tắm mát, rồi tha hồ đùa giỡn.
“Dòng nước mát từ thượng nguồn đổ về kéo theo vô kể phù du đã tạo môi sinh cho tôm, cá sinh sôi. Người dân tha hồ đơm, bắt tôm cá ngay bên thân đập", ông Như cho biết thêm.
Ngay bên đập là những biền dâu xanh ngút ngắt. Đây là nguồn sống của nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở địa phương. Xưởng dệt lụa được xây dựng bên cạnh đập Bến Thóc. Sáng sớm tinh mơ hay chiều xuống, lẫn trong hàng nông, lâm sản tập kết ở đập Bến Thóc, còn có những mớ kén, tấm lụa chuyển đi các nơi.
Từ khi Quảng Ngãi có công trình thủy lợi Thạch Nham, "sứ mệnh" của đập Bến Thóc đã hoàn thành. Theo năm tháng, đường bộ phát triển, con đường giao thương trên dòng sông Vệ cũng không còn.
Bây giờ, về xã Đức Hiệp đi qua những di tích một thời gắn bó với dòng sông Vệ, nghe những câu chuyện kể, xem công trình đập Bến Thóc, còn nằm uy nghi giữa nhánh rẽ của dòng sông Vệ, chúng ta sẽ hiểu hơn về vùng đất từng một thời sôi động.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN