Ngược dòng... Bầu Giang

04:05, 25/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bầu Giang là con sông nằm ở cửa ngõ phía nam của TP.Quảng Ngãi, giáp ranh với huyện Tư Nghĩa. Đây là con sông nhỏ, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng đất dọc hai bên bờ sông.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều người cứ ngỡ sông Bầu Giang là dòng chảy tự nhiên, nhưng ít ai biết rằng, đây lại là một con sông đào...

Sông nhỏ, vai trò lớn

Sông Bầu Giang chảy qua cầu Xóm Xiếc (Nghĩa Hành), chảy dọc theo phía bắc của xã Nghĩa Trung, thị trấn La Hà, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) và rìa phía nam của TP.Quảng Ngãi. Theo tư liệu nghiên cứu trong cuốn sách về Quảng Ngãi của tác giả Cao Chư, trong gia phả của dòng họ Bùi ở Ba La, khi guồng xe nước trên sông Trà Khúc chưa có, làng Ba La rất khô cằn.

Vào cuối thế kỷ XVII, ông tổ họ Bùi là ông Bùi Văn Đỗ từ Nghệ An di cư vào lập nghiệp ở vùng đất này. Về sau, con cháu của ông Bùi Văn Đỗ và con cháu họ Nguyễn ở cùng xã đã vận động nhân dân lên tận Bến Đỉnh (phía tây huyện Nghĩa Hành ngày nay), để đào kênh dẫn nước về.

Sông Bầu Giang có vai trò quan trọng với vùng đất nông nghiệp dọc ven sông.
Sông Bầu Giang có vai trò quan trọng với vùng đất nông nghiệp dọc ven sông.


Kênh được đào qua nhiều vùng đất, nhưng phải nương theo bờ ruộng để những người dân có kênh băng qua đỡ thiệt hại về đất đai. Có nhiều đoạn phải đào qua đồi núi, sỏi đá. Về đến Ba La, kênh được đắp ngăn một con đập chắn ngang và mở hai con mương.

Một con mương nối về Ba La, một con mương nối về Điện An, bấy giờ người ta hay gọi là sông Đập. Mùa nắng người dân đắp đập để cản lấy nước, còn mùa mưa tháo đập để nước lũ thoát ra biển. Qua hàng trăm năm, con sông đào mở thêm dòng và giống hệt con sông tự nhiên như bây giờ. Sông Bầu Giang chảy thẳng về phía đông, hợp nước với sông Vệ, rồi đổ ra biển.

Sông Bầu Giang ngày nay vẫn giữ vai trò tưới tiêu cho hàng trăm hecta đất nông nghiệp, cho thấy sự tính toán tài tình, khéo léo của người xưa trong tầm nhìn về thủy lợi. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cho biết: Sông Bầu Giang có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp của huyện, mang nước tưới đất nông nghiệp các xã như Nghĩa Trung, Nghĩa Thương... Ngoài ra, con sông còn có ý nghĩa tạo cảnh quan môi trường, không khí trong lành cho vùng đất hai bên sông.

Đến con kênh nổi tiếng một thời

Một trong những công trình khác không kém phần quan trọng liên quan đến sông Bầu Giang, đó là kênh Tư Nghĩa. Trước đây, vào mùa nắng, sông Bầu Giang thường cạn, thiếu nước. Vì thế, vào thời kháng chiến chống Pháp, người ta đã đào kênh Tư Nghĩa nối với sông Trà Khúc và sông Bầu Giang, nhằm lấy nước từ sông Trà Khúc vào Bầu Giang.

Tuy nhiên, do sông Trà Khúc có mực nước thấp hơn, nên nước chảy ngược lại so với dự tính. Do đó, hằng năm, người dân phải đóng bờ cừ trên sông Trà Khúc để nước theo kênh Tư Nghĩa chảy vào sông Bầu Giang. Sau này, công trình thủy lợi Thạch Nham mang nước về tưới mát cho các cánh đồng, kênh Tư Nghĩa không còn vai trò dẫn nước tưới nữa, mà chủ yếu làm nhiệm vụ... thoát nước.

Bờ đập kênh Tư Nghĩa tại Tổ 26, phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi).
Bờ đập kênh Tư Nghĩa tại Tổ 26, phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi).


Ngược dòng Bầu Giang, chúng tôi tìm về kênh Tư Nghĩa đoạn giáp với sông Trà Khúc. Nhiều người dân ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) có phần ngạc nhiên khi được hỏi thăm về kênh Tư Nghĩa. Một số người thắc mắc kênh Tư Nghĩa phải ở huyện Tư Nghĩa, chứ sao lại ở trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, khi tìm gặp những người cao tuổi ở tổ 26, phường Quảng Phú, chúng tôi đã được giải đáp, địa phận trước đây đào kênh giáp với bờ sông Trà Khúc thuộc xã Nghĩa Điền, vì thế nên có tên gọi kênh Tư Nghĩa.

Bà Bùi Thị Luân (78 tuổi) cho hay: Thời còn trẻ, tôi là một trong những người tham gia đào kênh Tư Nghĩa. Khi đó người dân chỉ dùng thúng, mủng đơn sơ để vận chuyển đất đá. Sau khi đào kênh dẫn nước sông vào, nước kênh trong vắt, nên mỗi chiều đi làm về, người dân thường đến kênh tắm giặt.

Còn bà Đặng Thị Mỹ Chi (48 tuổi) ở tổ 26, phường Quảng Phú vẫn còn nhớ về hình ảnh bờ xe nước tại đoạn đầu kênh Tư Nghĩa dùng đưa nước lên tưới cho những cánh đồng gần đó. Người ta làm cầu đắp bằng những tấm ri, sau đó dùng ván gỗ bắc qua kênh, mãi đến sau này mới đắp bờ đập làm đường đi, nên kênh không còn dẫn nước từ sông Trà Khúc vào nữa.


Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


CÁC TIN KHÁC
.