(Báo Quảng Ngãi)- Hàng trăm năm nay, đền Văn Thánh ở thôn 3, xã Đức Chánh (Mộ Đức) nổi danh là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu.
TIN LIÊN QUAN
Dấu ấn đền xưa
Theo sử sách, từ đầu nửa thế kỷ thứ XIX, thời kỳ chấn hưng văn hóa Nho học ở Quảng Ngãi, có nhiều nhà nho đỗ đạt cao, mang nặng tư tưởng Khổng Mạnh trên phương diện học thuật và đạo đức Nho gia có mong muốn thành lập đền Văn Thánh. Qua khảo sát nghiên cứu văn bia, có thể khẳng định đền Văn Thánh được xây dựng năm Tự Đức thứ 16, năm 1863, cách đây 156 năm, do các quan viên trong huyện, trong tỉnh góp tiền tạo dựng, với tổng diện tích 3.450m².
Đền Văn Thánh là nơi thờ Đức Khổng Tử và là nơi ghi danh các vị tiền nhân tú tài, cử nhân, tiến sĩ, nhân sĩ, tầng lớp trí thức đỗ đạt cao ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi và một số vị ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định.
Dấu tích còn lại của đền Văn Thánh, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức). |
Cụ Đinh Tầm (87 tuổi, người dân thôn 3) vẫn nhớ rất rõ lời kể của cha ông, cho rằng: Đền Văn Thánh là nơi quy tụ các bậc nhân sĩ trí thức khắp các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tại đây, các bậc nho sĩ cùng bàn bạc, thảo luận về các vấn đề học vấn, tôn sư trọng đạo.
Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử, chiến tranh đã tàn phá đền thờ chính và hai gian phụ của đền, song gian chính vẫn còn lại nền móng, trong đó vẫn còn lại 5 tấm bia, 3 cổng ngõ lớn, bờ tường, đá ong và các tấm bình phong...
Ngày nay, cứ vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch hằng năm, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức lễ hội tại đền Văn Thánh. Bên cạnh các hoạt động cúng, tế lễ, tại đây còn vinh danh, trao thưởng cho những học sinh có thành tích xuất sắc, đỗ đạt cao trong các kỳ thi.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Chánh Bùi Tấn Nam cho biết: “Dẫu di tích Văn Thánh không còn nét nguyên sơ, nhưng vẫn còn nhiều dấu tích minh chứng cho sự phát triển của Nho học thời trước. Chính quyền và nhân dân địa phương luôn gìn giữ nét xưa của ngôi đền, nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ con cháu”.
"Đền Văn Thánh là nơi quy tụ các bậc nhân sĩ trí thức khắp các vùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tại đây, các bậc nho sĩ cùng bàn bạc, thảo luận về các vấn đề học vấn, tôn sư trọng đạo". Cụ ĐINH TẦM (87 tuổi), ở thôn 3, xã Đức Chánh (Mộ Đức) |
Trùng tu di tích
Ông Bùi Tấn Nam phấn khởi cho biết: Năm 2018, đền Văn Thánh được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Huyện Mộ Đức đã đầu tư kinh phí để trùng tu, phục dựng lại ngôi đền. Chính quyền và nhân dân địa phương cũng chọn ra 11 bậc cao niên uy tín để thành lập ban Tế lễ.
Việc trùng tu, xây dựng đền Văn Thánh được UBND huyện Mộ Đức giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Mộ Đức làm chủ đầu tư. Giám đốc Ban quản lý Ngô Hữu Minh cho biết: Đến nay, công trình hoàn thiện giai đoạn 1 là làm tuyến đường dẫn vào đền Văn Thánh có tổng chiều dài 452m, rộng 9,5m... với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Dự kiến trong tháng 6 tới, sẽ thi công giai đoạn 2 là phục dựng phần chính ngôi đền. Ngôi đền được phục dựng dựa trên những nét cổ, kiến trúc thời trước như phần mái được vát góc cong lên 4 góc, toàn bộ mái được lợp bằng ngói vây cá; trên đình mái trang trí linh vật rồng hai bên và hỏa long ở giữa, 4 góc mái được trang trí linh vật phượng... với kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.
“Công trình phục dựng di tích đền Văn Thánh góp phần tôn tạo không gian, cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, bảo tổn các di sản văn hóa phi vật thể thông qua các hoạt động tín ngưỡng trong di tích, góp phần làm phong phú loại hình du lịch của địa phương, nâng cao truyền thống giáo dục cho thế hệ mai sau”, ông Minh cho biết thêm.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG