(Baoquangngai.vn)- Những quán ốc nhỏ nằm trên đường Võ Văn Kiệt thuộc thôn 4, xã Bình Hòa (Bình Sơn) vẫn “đỏ lửa” ròng rã 20 năm qua, trở thành địa chỉ quen thuộc của những thực khách mê ăn ốc.
Quán ốc gần 20 năm tuổi
Từ TP.Quảng Ngãi vượt hơn 15km là đến ngã tư Bình Long (Bình Sơn), rẽ phải là đường Võ Văn Kiệt dẫn về các xã khu đông của huyện. Thật không khó để thực khách hỏi dò, tìm đường đến hai quán ốc nhỏ nằm cạnh nhau ở đầu thôn 4, xã Bình Hòa. Tên chung của các quán ốc được gắn liền với địa danh địa phương được nhiều người ưu ái đặt tên là “Ốc Bình Hòa”.
Quán của nhà bà Lê Thị Tình, 46 tuổi, được xem là lâu đời nhất, với gần 20 năm. Từ nhỏ, bà Tình đã gắn liền với đồng ruộng để bắt ốc về chế biến cho mọi người thưởng thức nên mọi công đoạn nấu ốc bà nếu nắm rõ. Sau đó, xuất phát từ ý tưởng kiếm lấy cái nghề lận lưng thay vì cứ rong ruổi đây đó, bà quyết định mở quán ốc để bán. Rồi quán ốc cũng hình thành, trước khi có con đường Võ Văn Kiệt thênh thang mở ra.
Cứ khoảng 14h hằng ngày, quán ốc bắt đầu đón khách, kéo dài đến tận khuya. Rất đông khách ghé quán trước khi bà chưa kịp chuẩn bị xong mọi thứ. Cái mùi sả, ớt, gia vị và ốc quyện lẫn, tỏa mùi thơm hấp dẫn trên bếp lửa đang hừng hực cháy đã thu hút sự chú ý của nhiều người, đánh vào cái tâm lý “thử một lần” cho biết của họ.
Bà Lê Thị Tình với gần 20 năm mưu sinh với nghề bán ốc đồng. |
Quán ốc của bà là cả “gia tài” nuôi các con nên người, để bây giờ khi con cái đã “thành gia thất” hết cả, quán ốc vẫn tiếp tục bám trụ với mảnh đất còn đầy gian khó.
Cũng chẳng phải bà ham thích làm giàu, mà bởi lẽ, nó đã hiển nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức của bà và các con- thứ không thể đánh mất. Và các con bà ủng hộ việc giữ lại quán, thi thoảng họ lại về thay nhau phụ mẹ việc bán.
Bà Tình chia sẻ, cứ bán lấy làm vui, khi nào cảm thấy không đủ sức khỏe nữa thì nghỉ, chứ giờ bỏ thì nhớ và uổng lắm. Người ta thường hay ví von “60 năm cuộc đời” thì tôi đã dành gần nửa cuộc đời cho quán ốc.
Với giá bán bình dân 10.000 ngàn đồng/đĩa và không “leo thang” theo giá cả thị trường cũng là bí kíp giúp bà Tình giữ chân được lượng khách ổn định. Thường thì khi tới đây, ai nấy đều gọi rất nhiều món, cứ có món nào là “oder” tất bởi mỗi món đều có hương vị đặc trưng riêng, không ăn thì “phí cả đời”. Thông dụng nhất là ốc hấp, xào, hút.
“Mình phải bán bằng cái tâm, khách ăn thì cũng như chính mình ăn, mình mà thấy hài lòng với sản phẩm mình làm ra thì khách mới không chê được. Phải bỏ công chọn mua ốc tươi, không bị chết; chế biến thật kỹ, sạch… đó là yếu tố tiên quyết nhất”- bà Tình cho hay.
Ốc mua về được ngâm trong nhiều giờ đồng hồ, làm sạch và tỉ mỉ ngồi vặn bỏ phần vỏ nhọn của từng con một. Chỉ cần sót một con ốc chết cũng đã làm hỏng cả một nồi ốc.
Món ốc xào do bà Tình chế biến. |
Trong 3 loại ốc kể trên, thì ốc xào là món “đinh” của quán, ngon nhất và dễ ăn nhất. Món này được làm từ ruột ốc bươu thái nhỏ, xào với dầu, hành tây, bột hạt điều và một số gia vị khác. Khi đổ ra đĩa, ốc lẫn với ít nước sốt sền sệt, ngấm vào thịt với vị chua cay, vị mặn, ngọt. Trước khi bê ra cho khách, bà Tình không quên rắc thêm ít đậu phộng rang giã nhỏ, rau răm lên trên để kích thích vị giác của khách hàng.
Bí quyết giúp bà tồn tại đến tận 20 năm chính là cách chế biến món ốc xào “độc nhất vô nhị” mà bà tự nghĩ ra theo thời gian này. Bẻ miếng bánh tráng nướng, xúc ít ốc xào, ăn kèm với dưa leo, nước chấm thì không thứ gì sánh bằng. Ốc vừa mềm, béo, dai dai tạo nên hương vị thật khác biệt. Vị của ốc lẫn mùi thơm của đậu phộng rang, vị cay nồng của ớt và hành tây khiến người ta phải ồ lên “Ngon quá!”.
Thơm ngon ốc hấp dừa
Nếu như quán ốc của bà Tình vẫn luôn giữ cách nấu truyền thống thì quán ốc của bà Lê Thị Thảo Hiền, 44 tuổi, mở tiệm bán sau bà Tình vài năm lại chịu khó mua thêm dừa về chế biến, tăng thêm độ béo, thơm ngon cho món ốc hút, ốc hấp và tạo tính đặc trưng riêng cho quán của mình.
Chị Hiền chia sẻ, nhờ có dừa tươi món ốc sẽ lạ mắt hơn, dễ ăn, kích thích được vị giác, thị giác của thực khách. Một tô ốc hút được bưng ra, thực khách sẽ bốc ngay miếng dừa tươi dòn rụm, thấm đều nước ốc để nhai. Sau đó chọn phần đầu của ốc hút “rọt” một hơi thật ngon.
Các món ốc được hấp với dừa tươi thơm ngon. |
“Hương vị của dừa hòa cùng hương vị của ốc quả thật rất đặc biệt. Dùng bánh tráng chấm với nước dùng rưới ngập trong từng bát ốc, vừa nhâm nhi, vừa trò chuyện đốt thời gian thì không còn gì bằng. Nước chấm, muối chấm vừa vặn át đi cả vị tanh của ốc khiến cho nhiều đứa bạn mình dẫn tới ăn cùng phải xuýt xoa”, chị Nguyễn Thị Thúy Sang một thực khách quen thuộc với quán chia sẻ.
Ốc đồng có cách nấu tuy nhìn đơn giản nhưng để nấu hợp khẩu vị của đại đa số khách và để họ ghé lại nhiều lần trong suốt gần 20 năm qua thật không dễ dàng. Điều đó đòi hỏi những người chủ quán ở đây phải thật kỳ công từ khâu chọn ốc cho đến chế biến.
Vào những buổi xế chiều, rất nhiều thực khách ghé quán để thưởng thức "Ốc Bình Hòa". |
Trung bình mỗi ngày, mỗi quán bán trên 50kg ốc các loại. Vào những ngày lễ, Tết số lượng còn tăng lên nhiều lần, ngoài việc đặt hàng từ chính những người dân trong vùng đi bắt về, các chủ quán như bà Hiền, bà Tình còn đặt thêm từ các vùng lân cận ở Quảng Nam. Quán bà Hiền còn bán thêm món ốc đá được mua từ Trà Bồng về.
Không cầu kỳ trong hình thức, suốt gần 20 năm qua, các ốc bình dân ở Bình Hòa vẫn lặng lẽ nằm ở ven đường Võ Văn Kiệt. Không chào mời rôm rả, hằng ngày các quán vẫn đón hàng trăm lượt khách đến thưởng thức vào những buổi xế chiều đến gần khuya.
Chính cái hương vị “hương đồng, gió nội” và sự dân dã vốn có đã khiến những thực khách quen dù đi xa cũng không quên ghé về thưởng thức. Thực khách ăn mà chẳng thấy ngán. Bụng đã no mà vẫn cứ thòm thèm muốn gọi thêm.
Bài, ảnh: Thiên Hậu