Rừng An Tráng- Di tích căn cứ huyện Đông Sơn

05:03, 23/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng ba tôi về Bình Tân thăm khu rừng An Tráng - di tích căn cứ huyện Đông Sơn, thuộc thôn Nhơn Hòa I, xã Bình Tân (Bình Sơn). Con đường làng dẫn về rừng An Tráng đã được bê tông phẳng lì. Nắng vàng trải dài trên khắp lối đi, gió thổi mênh mang trên khu rừng, qua cánh đồng ngào ngạt hương lúa đang kỳ đơm bông. Tôi hít căng lồng ngực để cảm nhận sự bình yên của miền quê Bình Tân đang đổi thay từng ngày.

Rừng An Tráng - Căn cứ huyện đông Sơn.
Rừng An Tráng - Căn cứ huyện đông Sơn.


Rừng An Tráng cách trung tâm TP.Quảng Ngãi khoảng 20km về hướng đông bắc, có diện tích 22.881m2. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để đối phó với âm mưu của địch và tạo điều kiện thuận lợi trong chỉ đạo phong trào cách mạng, ngày 5 tháng 8 năm 1970, Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định thành lập huyện Đông Sơn, gồm 9 xã khu đông huyện Sơn Tịnh: Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Tịnh Hòa, Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Thiện và một phần Tịnh Ấn (nay thuộc TP.Quảng Ngãi), một phần Tịnh Phong và 5 xã phía đông nam của huyện Bình Sơn là: Bình Thanh, Bình Hiệp, Bình Phú, Bình Tân, Bình Châu. Ngay sau đó, Huyện ủy Đông Sơn đã chọn khu rừng An Tráng thuộc xã Bình Tân làm căn cứ, để lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến.

Ngày 13.6.2011, căn cứ huyện Đông Sơn - rừng An Tráng đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, đây là một khu rừng xanh tốt, với nhiều loại cây cổ thụ quý...

Từ năm 1970 - 1975, khu rừng An Tráng là nơi đóng quân của các cơ quan trong huyện. Nơi đây có địa hình thuận lợi, là một khu rừng già, núi rừng bao bọc cả ba mặt, nằm giữa cánh đồng Cả ở phía đông bắc và cánh đồng Soi ở phía tây nam.

Bên cạnh những thuận lợi về địa lý, còn phải kể đến yếu tố chính là truyền thống cách mạng của vùng đất này. Mặc dù địch thường xuyên tổ chức bắn phá bằng pháo binh, mở các cuộc hành quân càn quét dữ dội vùng căn cứ cách mạng, lùng ráp, vây bắt nhiều chiến sĩ cách mạng, nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Sơn luôn quyết tâm thực hiện phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”, quyết “bám đất, bám làng”, tận dụng mọi thời cơ đánh địch.

Bia Di tích huyện Đông Sơn.
Bia Di tích huyện Đông Sơn.

Người dân luôn luôn hướng về Đảng, một lòng một dạ bảo vệ Đảng. Họ sớm giác ngộ cách mạng, đồng lòng ủng hộ, nuôi dưỡng các chiến sĩ, sẵn sàng góp công, góp sức bảo vệ, tiếp tế cho du kích và bộ đội, tạo điều kiện thuận lợi cho các ban, ngành của tỉnh và huyện Đông Sơn làm việc. Đồng thời cũng là nơi bộ đội chủ lực Quân khu 5, bộ đội địa phương Quảng Ngãi mở các đợt tiến quân quyết chiến đánh vào các cứ điểm của địch.

Với tinh thần kiên cường, bất khuất và sự mưu trí, dũng cảm, bộ đội, du kích và nhân dân huyện Đông Sơn ngày ấy đã làm nên nhiều chiến công hiển hách, với những trận đánh oai hùng... góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, rừng An Tráng đã được cán bộ và nhân dân địa phương gìn giữ. Vì thế, khu rừng An Tráng ngày nay vẫn còn nguyên vẹn. Người dân nơi đây rất ý thức về việc bảo vệ rừng, họ đã xây dựng được quy ước bảo vệ rừng rất chặt chẽ.

Căn cứ huyện Đông Sơn dẫu không còn, nhưng di tích thì vẫn còn đó và những chiến công vẫn còn ghi dấu muôn đời. Để lưu dấu cho thế hệ trẻ biết những gian khổ cũng như những chiến công hiển hách của quân và dân huyện Đông Sơn trong quá trình đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước, UBND tỉnh đã xây dựng bia di tích căn cứ huyện Đông Sơn tại ngã tư xã Bình Tân, cách rừng An Tráng 1.300m.

Về rừng An Tráng hôm nay để nhớ về một thời oanh liệt của quân và dân ta, để được ngắm nhìn vẻ đẹp, tận hưởng không khí trong trẻo, mát lành của khu rừng và để thấy được tình cảm chân chất của người dân ở vùng đất này.


Bài, ảnh: PHẠM VĂN HOANH
 


CÁC TIN KHÁC
.