(Báo Quảng Ngãi)- Năm 1819, một người quê làng Mỹ Khê, phủ Bình Sơn (nay thuộc TP.Quảng Ngãi), đỗ khoa thi đầu tiên được tổ chức dưới thời thống nhất đất nước- thời Gia Long, đó là Trương Đăng Quế (1793 - 1865).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đứa trẻ mồ côi trong gia đình nghèo khó
TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ (1793 - 1865) |
Theo gia phả họ Trương làng Mỹ Khê, được viết vào năm Bảo Đại thứ 2 (1926), Trương Đăng Quế là ông tổ đời thứ 7 của tộc họ Trương của làng này. Ông thủy thế tổ là Trương Đăng Nhất, vốn người huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, vào Quảng Ngãi lập nghiệp đầu thế kỷ XVII.
Trương Đăng Quế là con thứ 3, trong số 8 người con của quan Tri huyện Mộ Hoa, sau thăng làm Hữu Tuyên phủ phủ Hòa Nghĩa (là phần đất tương đương tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) thời Tây Sơn, có tên là Trương Đăng Phác, vốn là một vị quan tài năng, thông minh, nhưng sống thanh bần. Ông Phác mất lúc 44 tuổi (1801), khi đó Trương Đăng Quế chỉ mới 8 tuổi.
Bài minh khắc trên bia mộ Thái sư Trương Đăng Quế, có ghi rằng: Lúc ra đời tiên sinh (Quế) có vẻ khôi ngô khác thường. Ngay từ nhỏ tiên sinh đã trọn lòng hiếu thảo, ghi nhớ lâu. Người đương thời đều cho rằng nhà họ Trương tích đức được bao nhiêu đời mới có được một người như thế này.
Trên văn bia viết về thân sinh của ông - ông Trương Đăng Phác, Trương Đăng Quế cũng có kể về thân phận gia đình, rằng: "Quế khi thiếu thời mồ côi cùng với bá huynh, trọng huynh nương tựa với Thái Phu nhân họ Đỗ. Thủ chí ở cảnh nghèo, tiết kiệm, từ ái, bà thường kể đến chí hướng, công nghiệp và phẩm hạnh của Tiên khảo để dạy chúng tôi cố gắng học hành để nối gia phong" (theo bản dịch của cuốn Gia phả họ Trương Mỹ Khê).
Có lẽ nhờ truyền thống gia tộc, sự dưỡng dục của mẹ, và sự thông minh vượt bậc, nên mặc dầu sống trong cảnh bần hàn cùng 8 anh em côi cút, Trương Đăng Quế cũng đã quyết chí lặn lội ra tận Thừa Thiên ứng thí vào kỳ thi Hương đầu tiên tổ chức dưới thời nhà Nguyễn và đỗ Hương tiến (Cử nhân) vào năm Gia Long thứ 18 - Kỷ Mão (1819). Ông là người khai khoa của tỉnh Quảng Ngãi.
Một cuộc đời cống hiến cho non sông
Sau khi đỗ Hương tiến, Trương Đăng Quế được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ. Mười ba năm sau, dưới thời Minh Mạng, sau khi trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều, chuyên lo sắp đặt các công việc trong Nội các, chủ khảo các cuộc thi giáo chức tại Quốc sử Quán, biên soạn Quốc sử, ông được thăng Thượng thư Bộ Binh.
Năm 1835, được nhận chức Đại thần trong Cơ mật viện, gia làm Thái tử Thiếu bảo, làm chủ khảo các kỳ thi Hội, sau đó còn đi kinh lược việc quân binh, tuyển chọn binh lính ở nhiều nơi trong cả nước. Đặc biệt là việc đi vỗ yên dân chúng và khám xét, đo đạc ruộng đất ở Nam Kỳ.
Nhà thờ họ Trương ở Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). |
Theo nhiều tài liệu, sau khi được vua Minh Mạng cử làm Kinh lược đại thần đi kinh lý Nam Kỳ vào năm 1836, với tài năng siêu việt, Trương Đăng Quế đã hoàn thành sứ mệnh: Công cuộc bình định vùng đất này hoàn tất (dù cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi để lại tàn dư mất ổn định rất lớn); đất đai của Nam Kỳ đã được đo vẽ, lập sổ bộ chỉ sau 5 tháng; lập được đinh bạ và địa bạ cho từng thôn xã ở vùng đất rộng lớn này, điều mà người Pháp lúc sang cai trị, đã hết lời thán phục, nhất là trong việc lập địa bạ.
Vào năm đầu triều Thiệu Trị (1841), nhà vua chuẩn cho Trương Đăng Quế làm Văn Minh điện Đại học sĩ, gia hàm Thái bảo, quản lý bộ Binh, kiêm Cơ mật viện, kiêm sung chức Tổng tài ở Quốc sử quán. Năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), ông được ban dụ khắc vàng 4 chữ: "Cố mệnh lương thần" và đến năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), lại được vua cho khắc tên vào cỗ súng đại bác thứ nhất ("Bảo đại định công"), sau khi được nhà vua nêu cao công trạng của ông với nước nhà, nhất là trong việc bình định vùng đất biên cương phía tây Nam Bộ và Hà Tiên, làm cho "nước Xiêm phục, nước Miên hàng, nộp lễ cống, chầu hầu".
Nhà thơ, nhà viết sử Bên cạnh sự nghiệp kinh bang tế thế, Trương Đăng Quế còn là một nhà thơ, một nhà viết sử có nhiều đóng góp quan trọng vào bậc nhất trong lịch sử văn hóa dân tộc. Sáng tác của ông khá nhiều, tiêu biểu là "Quảng Khê văn tập", "Trương Quảng Khê thi văn", "Trương Quảng Khê tiên sinh tập tự". Ông tham gia biên soạn các bộ sử và điển lệ, lúc làm Tổng tài Quốc sử quán, tiêu biểu là: "Đại Nam liệt truyện tiền biên". "Đại Nam thực lục tiền biên", "Đại Nam hội điển toát yếu"... |
Khi Tự Đức lên ngôi, ông được vua thăng hàm Cần chánh điện Đại học sĩ, tấn phong Tuy Thạnh quận công. Đến tháng 8 năm Tự Đức thứ 3 (1850) lại được nhà vua ban khánh vàng khắc 4 chữ "Tam triều thạc phụ".
Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" có ghi chép: "(Trương Đăng) Quế lúc làm quan, giữ mình khiêm tốn, chính trực, kiến văn nhiều, xử đoán khéo, trải làm quan hơn 40 năm, ngồi ở chức Tể tướng; thế mà ăn mặc giản tiện sơ sài, không khác gì lúc còn chưa làm quan, và lại có tính siêng năng (...), đã biết thì không điều gì không nói, đã nói thì không có điều gì không nói hết lời. Triều đình lấy làm trọng, các tiên thánh vốn vẫn chọn dùng...".
Xin giáng chức và dừng đúng lúc
Vào thời vua Tự Đức, mặc dù luôn được trọng vọng, tin dùng, nhưng nhiều lần ông tha thiết xin cáo quan, về hưu, vì thấy mình không còn phù hợp với diễn biến thời cuộc. Có tài liệu nói rằng, có cả thảy 6 lần ông dâng sớ xin về quê nhà sống ẩn dật, nhưng đều bị nhà vua khước từ.
Mãi đến tháng 3, năm Tự Đức thứ mười sáu (1863), nhà vua mới đồng ý phê chuẩn cho ông được về an nghỉ tại quê nhà. Tuy về hưu, nhưng nhà vua luôn cho người vào tận nhà hỏi ông những việc hệ trọng. Vì việc hệ trọng nên có lần ông phải dâng sớ tâu 5 điều liên quan đến quốc gia, dân tộc. Trong đó một điều ông khuyên vua Tự Đức, nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến ngày hôm nay: "Đường lối trị nước, cần ở dùng người, nhất là quan lại cấp huyện. Muốn quan thanh liêm, không gì bằng bớt viên chức đi, mà tăng lương bổng..." (Đại Nam chánh biên liệt truyện). Năm 1865, Trương Đăng Quế mất, thọ 73 tuổi.
Với hơn 43 năm giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Nguyễn, từ Gia Long, sang Thiệu Trị, Tự Đức, trong đó có 20 năm quyền lực tựa Tể tướng, chỉ đứng sau vua, Trương Đăng Quế là vị đại thần có ảnh hưởng lớn nhất trong ba triều vua. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn tỏ ra là một vị danh thần trung quân, tài năng xuất chúng, là một người hết lòng vì dân, vì nước, giữ phẩm hạnh, sống thanh bạch, nghĩa khí cho đến ngày nằm lại yên bình nơi quê hương chôn nhau cắt rốn của mình. Ông mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu thế.
Bài, ảnh: ĐĂNG VŨ