Chuyện kể về một vị nhân thần

09:03, 05/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, tôi đã nghe về dòng họ Nguyễn Mậu, một dòng họ nổi tiếng hiếu học, đặc biệt là câu chuyện kể về một vị tiền hiền đã có công mở đất lập làng mà người dân trong làng gọi là nhân thần.

TIN LIÊN QUAN

Theo chân cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, chúng tôi đến tham quan di tích nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu, ở thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân (Mộ Đức). Nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu được xây dựng cách đây hơn 300 năm, là nơi thờ phụng, nơi an vị của tiền hiền Nguyễn Mậu Phó, người có công lớn trong công cuộc khai khẩn đất hoang, tạo ấp dựng làng Tú Sơn, huyện Mộ Đức vào thế kỷ XVII.

Vinh danh muôn thuở

Chị Tạ Thị Di Hà - Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết, qua tìm hiểu các tư liệu lịch sử, thì Nguyễn Mậu là một trong những dòng họ tiêu biểu đóng góp vào công cuộc khai hoang, mở đất lập làng Tú Sơn, huyện Mộ Hoa vào cuối thế kỷ XVII. Bậc tiền hiền của dòng họ là Nguyễn Mậu Phó, hậu duệ thứ bảy của đức ông Nguyễn Nhữ Lãm, quê xã Thiên Liệu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông Nguyễn Nhữ Lãm là vị khai quốc công thần thời Lê Sơ trong lịch sử Việt Nam.

Với những đóng góp của ông, năm Thuận Thiên thứ sáu (1433), vua Lê Thái Tổ đã phong “Suy trung phục quốc công thần, nhập nội thị sảnh, thượng thư lệnh, thái bảo thức quốc công” và ban cho phụ danh “Mậu” (có nghĩa là tốt tươi) thay cho chữ “Nhữ”, hình thành tộc họ “Nguyễn Mậu” đến ngày nay.

 Nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu.                              Ảnh: M.ANH
Nhà thờ tiền hiền Nguyễn Mậu. Ảnh: M.ANH

Vào thế kỷ XVII, ông Nguyễn Mậu Phó đã cùng con cháu trong dòng tộc di cư đến vùng đất Hoa Sơn, kêu gọi nhân dân bản địa khai hoang vỡ đất và định cư lâu dài. Trên những vùng đất đã khai phá, người dân nơi đây trồng giống lúa quý chịu được đất gò đồi, khô hạn mang tên “trì trì’’, nơi đây trở thành làng mạc trù phú; mở đầu cho sự hình thành cư dân làng xã ở vùng đất Tú Sơn.
Hằng năm, vào ngày 2.2 âm lịch, tại Nhà thờ Nguyễn Mậu, con cháu trong tộc họ, chính quyền địa phương và nhân dân trong làng tổ chức Lễ giỗ Tiền hiền Nguyễn Mậu Phó. Vào kỳ lễ tế này, tộc họ còn tổ chức tặng quà cho các vị cao niên, khen thưởng cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Đây là dịp để mọi người trong dòng họ gắn chặt tinh thần đoàn kết và nhân dân trong làng Tú Sơn bày tỏ tình cảm, lòng thành kính đối với vị Thủy tổ, Tiền hiền Nguyễn Mậu Phó. Lễ giỗ diễn ra rất trang nghiêm, gồm lễ tiên thường và lễ tế chính, trong đó có nghi lễ rước sắc.

Ghi nhận công lao khai khẩn, mở đất lập làng Tú Sơn của Nguyễn Mậu Phó, năm Khải Định thứ 9 (1924), nhân đại lễ mừng thọ tuổi 40 của mình, nhà vua đã ban sắc phong thần truy tặng ông mỹ hiệu: “Dực bảo trung hưng linh phò chi thần” chuẩn cho người dân làng Tú Sơn tiếp tục thờ phụng để người bảo vệ cho dân.

Các thế hệ con cháu đời sau tiếp nối truyền thống yêu nước thương dân, tinh thần hiếu học của tổ tiên, đã gắng sức rèn đức, luyện tài góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Nơi lưu giữ dấu xưa

Các vị cao niên trong dòng họ Nguyễn Mậu ở Tú Sơn cho biết: Nhà thờ Nguyễn Mậu ban đầu được xây dựng đơn giản bằng đá ong to bản, vôi vữa tam hợp, mái lợp tre, tranh. Trải qua thời gian, ngôi nhà bị hư hỏng nặng, con  cháu trong tộc họ đã góp công, góp của tu sửa lại. Ngôi nhà được xây dựng theo lối 3 gian.

Nhà chính có ba gian thờ: Gian chính bày trí ban thờ Tiền hiền Nguyễn Mậu Phó và phối thờ thần Cao Các Quảng Độ, gian bên phải thờ thần Bạch Mã, gian bên trái thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương.

Tiền hiền Nguyễn Mậu Phó khi mất được an táng trên một gò cao thuộc khu nghĩa địa của xứ Gò Đình, thôn Tú Sơn 1, xã Đức Lân. Tại khu mộ có văn bia cho biết đây là mộ song táng của Tiền hiền Nguyễn Mậu Phó cùng vợ là Mai Thị Dương, được con cháu trong dòng tộc cùng tôn tạo, trùng tu lần gần đây nhất là năm 1939.

 Di tích Nhà thờ và mộ Nguyễn Mậu Phó là nơi lưu niệm, lưu danh, nơi thăm viếng, tưởng niệm của nhân dân về bậc tiền hiền tôn kính, người có công lớn trong công cuộc di cư, khẩn hoang vào thế kỷ XVII, góp phần cùng các bậc tiền hiền của các dòng họ khác tạo dựng nên xứ Mộ Hoa hoang vu trở thành một khu vực phát triển, phồn thịnh. Nơi đây không chỉ là địa điểm lịch sử gắn với những thăng trầm, hưng thịnh của dòng họ Nguyễn Mậu trên mảnh đất Tú Sơn (Mộ Đức) mà còn phản ánh quá trình di cư của cộng đồng người Việt từ Bắc vào Nam, quá trình mở mang bờ cõi, dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Di tích Nhà thờ và mộ Nguyễn Mậu Phó hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu bằng chữ Hán có giá trị nghiên cứu như 3 bài vị, 7 đạo sắc phong qua các đời vua nhà Nguyễn từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XX.

ANH HÀ

 


CÁC TIN KHÁC
.