(Báo Quảng Ngãi)- Chợ phiên Tam Bảo trước đây ở thôn Kim Thành, nay được chuyển đến thôn An Hòa, xã Hành Dũng, cách trung tâm huyện Nghĩa Hành chừng 8km về hướng tây. Chợ đã mang một tên khác, nhưng trong ký ức người làng, thì đây vẫn là chợ phiên Tam Bảo, một nơi mang đậm nét văn hóa xưa, là nơi giao thương giữa đồng bào miền xuôi và miền ngược sầm uất một thời.
TIN LIÊN QUAN
Theo các bậc cao niên trong làng, chợ phiên Tam Bảo trước đây nằm ngay bên dưới thành lũy đồn Tam Bảo (gồm bảo Kim Thành, đèo Chim Hút và Rùm Đồn) - nơi phân ranh giữa đồng bào Kinh và Hrê, nay thuộc xã Hành Dũng. Mỗi tháng, chợ thường họp 6 phiên vào các ngày mùng 2, ngày 7; ngày 12, 17 và 22, 27 âm lịch.
Chợ phiên Tam Bảo nay chuyển đến thôn An Hòa, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) hoạt động suốt đêm ngày. |
Ông Lê Văn Tùng, ở thôn Kim Thành kể: Hồi đó bọn trẻ chúng tôi ai cũng mong đến ngày họp chợ. Sắp đến phiên chợ, từ chiều hôm trước mẹ tôi đi cắt buồng chuối, mớ rau trong vườn nhà để sáng sớm mang ra chợ bán. Mẹ đi rồi, chúng tôi cứ ra đầu ngõ ngóng mẹ mua quà về. Quà quê, chỉ vài cái bánh ít gói trong lá chuối, kẹo dừa, đậu phụng, cũng có khi là lọ mực, bút lá tre, tập vở, nhưng đứa nào đứa nấy đều vui, hớn hở.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chợ phiên Tam Bảo ngày đó hoạt động khá trật tự, bố trí theo hàng, gian như: Gian hàng đồ gỗ, hàng sắt, hàng gốm, hàng nhang đèn, giấy cúng, rồi gian hàng mắm, muối, hàng rau, lá giải khát đến hàng gà, hàng vải các loại... Nhiều nông cụ như trạnh cày, bắp cày cối, gỗ, cuốc, xẻng, dao, rựa, chàng, đục được bày trí ở góc chợ, nhưng vẫn được nhiều người đến mua, bởi đồng bào Kinh và Hrê chủ yếu sản xuất nông nghiệp. |
Chợ phiên hồi đó họp khá sớm. Từ mờ sáng, trên các ngã rẽ còn mờ sương đêm, đồng bào Hrê ở các thôn Gò Tranh (Long Sơn), đèo Chim Hút gùi, gánh nào là chè, đót, tre mây, mật ong... xuống chợ bán. Theo dòng sông Phước Giang, các thương lái ở miền xuôi đưa ghe thuyền lên họp chợ mang theo mắm, muối, rựa, dao, cuốc, xẻng, các loại bình gốm, chum, chóe rượu cần lên để bán.
Nhiều sản phẩm nổi tiếng ở Quảng Ngãi như chè Minh Long, nón Chợ Đình, đồ rèn Tịnh Minh (Sơn Tịnh), nước mắm An Chuẩn (Mộ Đức), cá chuồn Tổng Binh, đồ gốm ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn)... đều có ở chợ phiên Tam Bảo.
Người đến chợ phiên có cả đàn ông lẫn đàn bà. Ngoài việc mua bán nông sản, nông cụ, nhiều người còn thích đi chợ để sống trong không khí đông vui. Đặc biệt, sau khi ngày mùa lên hoặc dịp giáp Tết, người dân tập trung mua bán náo nhiệt. Chính vì vậy, từ xa xưa đã có câu ca dao: “Chợ Phiên ngày bảy, ngày hai/ Không đi thì nhỡ, đi hoài mỏi chân”. Hay: “Nhớ ai như nhớ Nghĩa Hành/ Nhớ phiên Tam Bảo không đành không đi”.
Theo dòng chảy thời gian và biến thiên của lịch sử, chợ phiên Tam Bảo đã di dời nhiều nơi. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến giờ, chợ tọa lạc ở thôn An Hòa. Giờ đây, chợ không họp theo phiên và có tên gọi là chợ Hành Dũng. Tuy vậy, nét văn hóa xưa vẫn còn hiện diện đây đó trong mỗi góc chợ quê này.
Hàng hóa bày bán ở chợ phần nhiều là mặt hàng tươi sống, nông, thổ sản, đôi khi chỉ là buồng cau, chục trứng, con gà, mớ rau tập tàng của nhà trồng... Các hàng hóa thiết yếu từ đồng bằng chuyển lên ngoài nông cụ, muối mắm còn có thêm các mặt hàng vải vóc, mỹ phẩm. Chợ nhóm họp rất sớm, nhưng không vãn nhanh như các chợ quê khác, chợ dần tan trong ngày, có khi kéo dài đến tận tối.
Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, người mua chỉ cần gọi một cuộc điện thoại thì đã có những thứ mình cần. Thế nhưng, những người mẹ quê ở xã Hành Dũng vẫn mong đến sáng để họp chợ, bán mớ rau, buồng cau, rổ cà... vừa hái trong vườn nhà từ chiều hôm trước. Đó cũng là nơi để họ gặp gỡ, hỏi thăm nhau. Chính điều này đã tạo nên nét văn hóa của người dân quê, không họp chợ dăm ba ngày lại cảm thấy thiếu vắng...
Bà Trần Thị Mai, ở thôn Kim Thành, cho hay: “Đi chợ không chỉ phục vụ cho những bữa cơm ngon miệng cho gia đình mà còn là thú vui khi gặp gỡ những người thân quen. Sáng nào, tôi cũng tranh thủ đến chợ sớm”.
Qua cách trao đổi, ăn nói bộc trực đến cách giao lưu buôn bán diễn ra ở chợ Hành Dũng hôm nay, đều gợi cho những ai gắn bó với chợ phiên Tam Bảo một thời cảm giác bâng khuâng nhớ về thời giao thoa giữa hai miền xuôi, ngược.
Bài, ảnh: MAI HẠ