Độc đáo dinh Đá Tượng

05:10, 17/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ một nơi mà người này gọi là dinh, người kia gọi là đình và cả hai cùng đúng. Cộng vào đó là lối kết cấu theo kiểu sân hạ, sân trung, sân thượng mà cả Quảng Ngãi như chỉ có ở nơi này. Đó là dinh Đá Tượng (hay còn gọi là đình Trung Sơn).

TIN LIÊN QUAN


Dinh Đá Tượng nằm ở phía dưới đường vào hồ chứa nước Núi Ngang, cạnh Quốc lộ 24, thuộc thôn Trung Sơn, xã Ba Liên (Ba Tơ). Dinh nằm khuất trong vòng cây xanh, cạnh ngôi trường tiểu học và khu dân cư với cây rừng cao vút.

 

Dinh Đá Tượng nằm khuất trong rừng cây xanh.
Dinh Đá Tượng nằm khuất trong rừng cây xanh.


Giữa trưa nắng nóng, vào khu vực dinh đã thấy mát rượi. Theo lối đi lên bằng đá được sắp xếp theo kỹ thuật xếp đá độc đáo của người Hrê, du khách từ sân hạ bước lên sân trung. Nơi đây, du khách gặp bệ thờ hai ông Tượng và ông Bạch Hổ ở giữa.

Cũng như ở điện Trường Bà thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, đây là những quân của bà giúp dân đánh dẹp muông thú về quấy quá, bắt heo gà, phá hại dân làng. Rồi từ sân trung, khách bước lên sân thượng. Nơi đây có 3 am thờ bà Thánh mẫu Thiên Y A Na cùng các vị có công khai sơn, phá thạch trên vùng đất này.

Cụ Phạm Đông, ở thôn Vực Liêm, xã Ba Liên kể: Trước đây dinh Đá Tượng rộng lắm. Mái dinh lợp ngói âm dương, bên trong cột bằng gỗ mít bóng loáng. Bà con có việc đi ngang đây thường chọn đi vòng, chứ không nhiều người đi ngang trước mặt dinh.

Còn xa xưa nữa, nghe đâu quan tri châu Ba Tơ, mỗi khi về đồng bằng đi ngang đây cũng xuống dắt ngựa đi qua, chứ chẳng dám phi qua dinh. Trong ngày cúng dinh thì sau lễ cúng cũng chỉ dọn cỗ ở sân hạ, chứ chẳng mấy ai dám dọn cỗ trên sân trung.

Còn anh Phạm Văn Định - Trưởng Ban tế tự dinh Đá Tượng kể: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dinh Đá Tượng đổ nát, ông Tượng và ông Bạch Hổ cũng hư hỏng nặng. Dân trong vùng hồi đó nghèo khó bèn đi cắt tranh lập am thờ.

 

Tượng thờ ông Tượng ở dinh Đá Tượng.
Tượng thờ ông Tượng ở dinh Đá Tượng.


Dinh Đá Tượng thường ngày bà con trong vùng và khách vãng lai đi ngang ghé thắp hương, nhưng đông vui nhất vẫn là ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch. Khi đó, những con đường làng vùng cao hoa gạo nở đỏ ối. Đồng bào dân tộc Hrê và người Kinh trong vùng đã gặt xong mùa lúa tháng ba. Những chàng trai Hrê lưng trần đóng khố, những cô gái Hrê trong bộ váy thổ cẩm đủ sắc màu cùng những người già, em bé từ các thôn ở Ba Liên, Ba Động kéo về.

Họ mang theo những vật phẩm của núi rừng, đó là những con mang, con cheo, mật ong rừng, những thúng nếp đầy thơm phức vừa mới gặt xong về cùng với đồng bào Kinh nấu xôi, giết heo, gà làm cỗ để cúng Bà, cúng thần linh. Họ cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cho núi rừng bình yên. Sau khi ăn cỗ, đồng bào lại tấu chiêng, hát kalêu và người Kinh tham gia những trò chơi dân gian. Lễ cúng Bà cũng là dịp để người Kinh, Hrê bày tỏ sự đoàn kết, gắn bó keo sơn cùng chung nhau xây dựng quê hương tươi đẹp.

Chuyện dinh Đá Tượng thờ bà Thiên Y A Na như điện Trường Bà ở xã Trà Xuân (Trà Bồng) thì đã quá rõ. Song có một điều khác lạ là khi đến nơi này, nhiều người vẫn gọi đây là đình Trung Sơn. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, vùng đất này xa xưa là nơi cộng cư giữa người Kinh và người Hrê và người Chăm.

Người Kinh xây dựng đình Trung Sơn để thờ thần linh và âm hồn. Nhưng rồi, do chiến tranh đình xưa đổ nát, những người dân trong vùng bèn chuyển lên dinh Đá Tượng để thờ nên mới có tình trạng, người bảo nơi này là dinh, người bảo là đình. Cũng chính sự khác lạ này, nên một số nhà nghiên cứu đã bỏ công tìm hiểu và tháng 5.2005, Đoàn nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng đến nơi này tham quan tìm hiểu.

Chuyện tìm hiểu để lý giải dinh hay đình quả là điều cần thiết. Song vượt lên trên hết là dinh Đá Tượng (hay đình Trung Sơn) là nơi tín ngưỡng, nơi giao lưu đoàn kết giữa người Kinh và đồng bào dân tộc Hrê trên đất này.

Bài, ảnh: CẨM THƯ



 


CÁC TIN KHÁC
.