Thưởng ngoạn lân Vĩnh Hòa

08:09, 15/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với những du khách thích khám phá kiến trúc cổ xưa, hoặc muốn tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa dân gian, nếu ra Lý Sơn du lịch mà không đến lân Vĩnh Hòa, ở thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn) thì sẽ có nhiều nuối tiếc. Bởi lẽ, đây là nơi thờ nữ thần Thiên Y A Na cùng nhiều vị thần khác, thể hiện sự dung hợp các loại hình tín ngưỡng dân gian và có kiến trúc khá độc đáo.
 

Gian thờ trong lân Vĩnh Hòa.
Gian thờ trong lân Vĩnh Hòa.

Trước đây, lân Vĩnh Hòa là đền thờ Pô Inư Nagar của cư dân Chăm, sau đó người Việt ra đảo tiếp quản đến ngày nay. Hiện nay, vẫn chưa có tài liệu chính thống nào ghi rõ nguồn gốc năm khởi công xây dựng lân, nhưng đến đây, thông qua nội dung văn tế thần được lưu giữ tại di tích ghi chép, du khách sẽ được hiểu thêm về quá trình hình thành của lân Vĩnh Hòa. Theo tài liệu, lân Vĩnh Hòa được trùng tu vào thời vua Gia Long (1817), nhà Nguyễn, thế kỷ XIX, do các tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, Mai đứng ra quyên góp tài vật. Di tích không chỉ thờ Thiên Y A Na, mà còn phối thờ Hồng Châu Thái Tử, Hồng Bửu Thái Tử, Chúa Chưởng, Thượng Thiên, Thủy Long Thần Nữ, Ngũ Hành, Hồng Nương Công Chúa, tiền hiền, hậu hiền. Dạng thức thờ tự này là một dạng dung hợp các loại hình tín ngưỡng dân gian độc đáo.
 

Lân Vĩnh Hòa được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh năm 2017. Di tích này nằm trong quần thể di tích tín ngưỡng, gồm chùa Âm Hồn, đình làng An Vĩnh, chùa Vĩnh Ân, nên rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch tâm linh.

Thần chủ được thờ tự trong lân có nguồn gốc nữ thần của người Chăm, nơi đây còn thờ các vị nữ thần Ngũ Hành của người Việt làm nông nghiệp, thờ Thủy Long Thần Nữ của cư dân làm nghề biển, nhưng không phải người dân, hay du khách nào cũng biết được. Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có miếu thờ thần Nam Hải, với tước hiệu là Võ Thị Long Nương (cá Ông, lụy vào bờ năm 1999) và Võ Thị Nương Nương (cá Bà, lụy vào bờ năm 2009).

Ông Nguyễn Đình Trang (75 tuổi), là chủ tế của lân cho biết: Vào dịp xuân thu nhị kỳ, tại lân Vĩnh Hòa, người dân tổ chức các lễ lớn như: Lễ cầu an và kỵ các vị tiền nhân (ngày 25.2 ÂL), lễ vía nữ thần Thiên Y A Na (ngày 16.5 ÂL), lễ kỵ bà Võ Thị Nương Nương (29.9 ÂL), lễ tạ chung niên (ngày 16.11 ÂL). Ngoài ra, còn có các ngày lễ tế hoàn nguyện (lễ lên nghề), lễ hội đua thuyền tứ linh (từ ngày mùng 4 đến mùng 8 Tết). Các nghi lễ, lễ hội diễn ra do nhân dân trong xóm tự nguyện đóng góp kinh phí để mua sắm lễ vật, thu hút nhiều khách thập phương đến thưởng ngoạn. Lễ hội là dịp để người dân tri ân các vị thần linh và cầu mong các vị thần linh phù hộ cho họ mưa thuận gió hòa, dân an vật thịnh, mùa màng tươi tốt... Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ thăm hỏi nhau, trao đổi công việc làm ăn, gắn kết tình làng nghĩa xóm.

 Phía trước lân Vĩnh Hòa.
Phía trước lân Vĩnh Hòa.


 Di tích có kiến trúc hình chữ “Công”, được xây dựng bằng chất liệu gạch, gỗ, xi măng, tường quét vôi. Kiến trúc bao gồm tòa tiền đường, hậu cung và gian nhà phụ để ghe lân và cũng là nơi chuẩn bị phẩm vật tế lễ. Trên đỉnh mái đắp nổi “lưỡng long tranh châu”. Các góc mái và đầu hồi được đắp nổi, chạm trổ tứ linh long, lân, quy, phụng, hồi long, hay trang trí các bích họa mai điểu, trúc tước, tùng lộc, cúc trĩ... Trong cùng là hậu cung nối liền tiền đường, đi qua các gian thờ hội đồng, gian thờ tiền hiền, hậu hiền.

Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến nội thất thờ thần chủ Thiên Y A Na và hai vị thái tử, hai bên thờ tả ban, hữu ban. Phía trước di tích là khoảng sân rộng, có bình phong, trụ biểu để che chắn các luồng khí độc. Mô típ xây dựng trước lân thờ thần có hồ thủy tụ và trụ biểu chỉ có duy nhất tại lân Vĩnh Hòa. Đây là kiểu kiến trúc theo quan niệm là nơi hội tụ sinh khí để thần linh thường hiển linh về phù hộ, độ trì cho nhân dân.


Bài, ảnh: T.PHƯƠNG- M.TUẤN






 


CÁC TIN KHÁC
.