(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua những biến thiên của tự nhiên và chiến tranh, thương cảng Thu Xà không còn nữa. Dù vậy, dấu xưa, hồn phố thì vẫn còn đó. Người Thu Xà qua nhiều thế hệ vẫn mang cả sự năng động của vùng thương cảng nức tiếng một thời.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi trở lại Thu Xà tìm dấu xưa. Hai bên phố xưa với những dãy hàng quán mái lợp ngói âm dương nằm san sát nhau không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà tầng hiện đại. Ngẩn ngơ trong phố, tôi tìm gặp cụ Trần Hộ (84 tuổi), nhà ở đối diện Trường THPT Thu Xà. Cụ chép miệng cho hay: "Cảnh xưa đổi dời. Nhưng chuyện làng, chuyện phố đâu dễ ai quên”.
Sông Tân Mỹ, nơi những thương thuyền xưa nối đuôi nhau sau khi qua cửa Cổ Lũy ngược dòng sông về thương cảng Thu Xà. |
Theo những bậc cao niên, vạn Thu Xà xưa thuộc làng Tiên Sà (Tiên là trước. Sà là bè, tức bè rớ) tức là vạn của người Việt đầu tiên ở đất này và người dân làm nghề bè rớ). Còn tên gọi Thu Xà xuất phát từ địa hình nơi đây là vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước. Thu có nghĩa là lau lách, Xà có nghĩa là đầm nước.
Ở phía đông bắc của làng Thu Xà là cửa Cổ Lũy- nơi dòng sông Trà hợp lưu từ sông Re, sông Rin, sông Tang, sông Xà Lò chảy qua bao ghềnh thác, những xóm làng của đồng bào Hrê, Ca Dong, rồi xuôi êm về hạ lưu qua những đồng mía, đồng rau xanh mượt mà trước khi đổ ra biển. Còn ở phía nam là sông Vực Hồng- nơi con nước sông Vệ bắt nguồn từ những núi đồi mênh mông của vùng Cao Muôn liền chân với vùng núi Ngọc Linh đổ về, trước khi đổ ra cửa Lở.
Trong tiết đông tàn và mùa xuân sang, thuyền bè tha hồ ra vào cửa biển. Đến mùa hạ cửa biển thường bị bồi lấp, thì thuyền bè theo dòng sông Tân Mỹ xuôi êm ra cửa biển Cổ Lũy. Còn trong mùa đông, thì vùng cửa biển này thật kín gió che chở cho các thương thuyền.
Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, vùng đất đắc địa này từ xa xưa sớm trở thành thương cảng của người Việt. Những con tàu từ Hương Cảng, Ma Cao đã chọn nơi đây làm điểm tập kết "ăn hàng". Rồi sau đó, người Minh Hương thuộc các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam đến đây cùng với người Việt bỏ công sức biến vùng gò đồi, cồn bãi, sông nước thành phố Thu Xà.
Phố xưa có hình chữ Đinh, với những dãy phố nhà cửa san sát, móng bằng đá ong, vách ván, khung gỗ, mái lợp bằng ngói âm dương. Nhiều thế kỷ trước, khi đường bộ chưa phát triển thì lợi thế thuộc về đường sông, đường biển. Trên đất Quảng đã hình thành đội ghe bầu bán buôn khá mạnh. Họ xuất phát từ nhiều nơi, ngược dòng sông Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ đi buôn mạn ngược chở đầy muối, mắm, chiêng ché, nồi đồng. Rồi khi trở về xuôi các dòng sông, ghe bầu tập kết về Thu Xà chở đầy quế, cau, trầm, kỳ, sa nhân, mật ong.
Quảng Ngãi là xứ mía đường. Khi mùa xuân sang, nhà nhà lo đốn mía, dựng chòi ép thủ công để chế biến đường, mùi mật mía đọng đầy xóm thôn, sau đó đường muỗng ùn ùn tập kết về Thu Xà, để rồi những thương thuyền trong Nam, ngoài Bắc và cả nước ngoài tập kết về đây để bán buôn tơ lụa, sành sứ và khi xa rời thương cảng Thu Xà chở theo những mặt hàng nông thổ sản của Quảng Ngãi đi muôn nơi.
Phác đồ cảng Thu Xà trong Nhà lưu niệm thi sĩ Bích Khê ở Thu Xà. |
Cũng theo những bậc cao niên ở Thu Xà, trước đây vùng giáp sông Tân Mỹ còn có xưởng đóng ghe bầu. Trong những sớm mai hồng trên dòng sông Tân Mỹ, sông Vực Hồng những thương thuyền có cột buồm giương cao, nối đuôi nhau về "ăn hàng" trên phố. Còn trên phố nhà nhà bận rộn cân đong, đo đếm rồi chuyển hàng xuống thuyền, tạo nên cảnh lao xao trên phố, dưới thuyền.
Bán buôn hưng thịnh, qua nhiều thế kỷ, cộng đồng Việt- Hoa đã làm nên một thương cảng Thu Xà khá trù phú mà theo sách Đại Nam nhất thống chí của Triều Nguyễn, thì phố Thu Xà kém hơn Hội An (Quảng Nam), nhưng hơn hẳn Tam Quan (Bình Định). Cũng chính sự phồn thịnh của một vùng thương cảng, nên thời Pháp thuộc, người Pháp còn xây dựng đồn lính, bưu điện, trường học. Điểm Trường THPT Thu Xà bây giờ, xưa là đồn lính Pháp để cai quản đất này.
Thương cảng Thu Xà tồn tại phát triển qua nhiều thế kỷ. Cho mãi đến nửa đầu thế kỷ XX, khi đường bộ đường sắt phát triển thì mất dần vai trò của nó. “Nơi đây thành phố đời ngưng mạch/ Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ/ Đường lên Hội quán sương khuya xuống/ Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ?” (Làng em – Bích Khê).
Bây giờ, về Thu Xà là để lắng lòng trong phố xưa, nhớ về một thời thương cảng, xem thềm gạch cũ và những đường nét cấu trúc của di tích quốc gia chùa Ông, thăm mộ và nhà thờ của thi sĩ Bích Khê, lắng lòng trong những câu thơ của thi sĩ Bích Khê về một vùng đất: "Nơi đây làng cũ buồn hiu quạnh.../ Những nhành nhãn muộn cánh dơi lay” (Làng em- Bích Khê). Quả thật, thương cảng Thu Xà lùi vào quá khứ, nhưng dấu xưa còn đó và sự năng động, hội nhập trong lòng dân thương cảng xưa vẫn cứ truyền đời.
Nơi giao lưu nhiều nền văn hóa Trong cuộc “hợp hôn” của cộng đồng Việt - Hoa trên đất Thu Xà không chỉ tạo nên một thương cảng sầm uất, mà còn tạo nên một vùng văn hóa bên dòng sông. Cùng với người Việt, người Hoa ly hương đã lập nên những ngôi chùa Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông nay thuộc thôn Hòa Phú. Còn ở phía trên Bãi Dừa ngày nay còn có chùa Hải Nam. Riêng ở thôn Hòa Phú bây giờ, ngày xưa còn có Hội Quán- nơi gặp gỡ giao lưu của người Hoa, của thương nhân Hoa Việt. Những trò chơi hốt me, tam tứ lục thường ngày vẫn cứ hấp dẫn nhiều người. |
Bài, ảnh: CẨM THƯ